Người lao động chỉ nên đi làm việc tại Hàn Quốc theo 4 kênh chính thống nào?
Người lao động chỉ nên đi làm việc tại Hàn Quốc theo 4 kênh chính thống nào?
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 27/09/2024 06:00 AM (GMT+7)
Trước vụ việc đưa hơn 200 lao động đi Hàn Quốc làm việc trái phép bị phát hiện mới đây, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Viết Hương – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) để cảnh báo các nguy cơ đối với người lao động.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc tại Hàn Quốc hoặc đưa lao động đi làm việc theo các kênh trái phép? Bộ LĐTBXH có giải pháp nào để cảnh báo cho người lao động?
Thời gian gần đây, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu nóng trở lại. Số lượng lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh, nhu cầu tuyển cũng bắt đầu tăng, nhưng với một số thị trường như Hàn Quốc dù tăng hạn ngạch nhưng vẫn còn ít so với nhu cầu lao động. Chính điều này khiến gia tăng tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là thị trường Hàn Quốc, vì vốn dĩ đây là thị trường “hot” thu nhập cao, môi trường làm việc gần gũi với lao động Việt Nam.
Nắm bắt được điều này, chúng tôi đã liên tục đưa các cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có báo chí. Đồng thời, Bộ LĐTBXH cũng gửi công văn về UBND các tỉnh, thành phố để các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thông tin, hướng dẫn, tư vấn kịp thời cho người lao động. Mặt khác, chúng tôi cũng tăng cường chia sẻ thêm thông tin trên mạng xã hội, để nhiều lao động có thể nắm thêm được thông tin.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người lao động nhẹ dạ, cả tin, vì nóng vội mong muốn được đi làm việc ngay nên mới đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh chưa chính thống.
Việt Nam và Hàn Quốc hiện đang thực hiện các chương trình phối hợp đưa lao động đi làm việc nào, thưa ông?
Hiện nay, 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc đã có chương trình hợp tác lao động một cách toàn diện. Việt Nam đang đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo 4 kênh thông qua 4 chương trình chính thức. Một là chương trình EPS (Cấp phép đưa lao động giá rẻ). Hai là chương trình đưa lao động đi làm việc theo diện visa kỹ thuật E7. Ba là chương trình đưa lao động đi làm thuyền viên tàu cá visa E10. Bốn là chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ theo visa E8 – hiện đang có 17 địa phương đăng ký đi theo chương trình này.
Ngoài 4 kênh chính thống được bảo hộ ở trên, lao động hiện nay cũng có thể đi theo các kênh như: đi du lịch; du học; kết hôn; thăm thân;… rồi trốn lại Hàn Quốc làm lao động bất hợp pháp.
Nếu đi theo các kênh không hợp pháp, người lao động có thể đối diện với rất nhiều rủi ro. Không được bảo hộ, phải đối mặt với các vấn đề an toàn tính mạng, cũng có thể không được trả lương, bị trục xuất nếu bị bắt.
Thưa ông, vụ việc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam đưa hơn 200 lao động đi làm việc trái phép tại Hàn Quốc dù đã được giải quyết nhưng rõ ràng có vi phạm về Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Là cơ quan quản lý, đơn vị xử lý thế nào để bảo vệ quyền lợi của người lao động?
Qua ghi nhận ban đầu, chúng tôi được biết công ty và người lao động đã có thỏa thuận với nhau về việc trả lại tiền, hủy bỏ giao kết hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, về góc độ pháp luật, nếu công ty vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì vẫn sẽ bị xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Qua kiểm tra, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tuy nhiên công ty vẫn đưa đi là vi phạm pháp luật. Chúng tôi đang phối hợp làm việc với cơ quan chức năng để điều tra xử lý các vi phạm nếu có.
Vậy ông có khuyến cáo gì với người lao động mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc?
Hiện nay, có quá nhiều kênh thông tin đăng tuyển người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước khi đi làm việc ở đâu, người lao động nên tìm hiểu kỹ thông tin, qua nhiều kênh tránh tình trạng nôn nóng, nghe lời kẻ gian tin tưởng rồi đăng ký đi theo các kênh không chính thống để tiền mất, tật mang.
Người lao động có mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc nên tìm đến phòng lao động, hoặc sở LĐTBXH các địa phương để được tư vấn hướng dẫn cụ thể.
Trong trường hợp người lao động gặp khó khăn hay trục trặc, có nguy cơ hoặc đã bị lừa đảo nên phối hợp với cơ quan chức năng… để được hỗ trợ, xử lý. Tuyệt đối không tin tưởng đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh không chính thống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.