Ngày 24/6/2024, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM công bố cuộc thi ý tưởng quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa. Trước đó, ngày 14/6, UBND TP.HCM có Quyết định 2141/2024 phê duyệt Nhiệm vụ đề bài "Thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch - kiến trúc bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, TP.HCM".
Yêu cầu đặt ra là phương án thi tuyển phải đảm bảo yêu cầu quy hoạch xây dựng bán đảo Bình Quới - Thanh Đa thành khu đô thị sinh thái, bền vững và hiện đại. Đóng vai trò là động lực phát triển mới của khu vực trung tâm TP.HCM, có tính lan tỏa, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch kinh tế đô thị theo định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Như vậy, sau 32 quy hoạch "treo", bán đảo Bình Quới – Thanh Đa trở lại điểm xuất phát như năm 1992.
Anh Huỳnh Châu – nhân vật mà chúng tôi đã đề cập trong bài 1 ngán ngẩm cho biết: "Quy hoạch Bình Quới – Thanh Đa và quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đều do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt trong các năm 1992 và 1996. Hiện nay, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có hình hài, trong khi Bình Quới – Thanh Đa vẫn chưa nhúc nhích được chút nào".
"Thực sự gia đình tôi không còn hy vọng, chúng tôi chỉ muốn TP trả lời dứt khoát bao giờ thì giải quyết xong câu chuyện quy hoạch "treo" bán đảo Bình Quới – Thanh Đa. Tôi nghĩ nếu làm nhanh thì cũng mất vài chục năm mới xong, chúng tôi không thể chờ lâu như vậy, chúng tôi đã phải chờ 32 năm", anh Huỳnh Châu bày tỏ.
Nhóm phóng viên báo Dân Việt đã có một số cuộc trao đổi với một số chuyên gia nhằm tìm ra giải pháp cho câu quy hoạch "treo" vốn đang nhức nhối. Trong số đó, đáng chú ý có đề xuất của Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM.
Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cho biết: "Tôi có quá trình theo dõi về quy hoạch khu Bình Quới – Thanh Đa. Không thể nói liệu lần này TP có thành công trong chuyện quy hoạch và triển khai quy hoạch cho bán đảo Bình Quới – Thanh Đa hay không".
Khi được hỏi đâu là hướng ra cho bán đảo Bình Quới – Thanh Đa, Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp văn hoá đang phát triển mạnh, TP.HCM cần một không gian cho công nghiệp văn hoá. Với TP.HCM bây giờ phát triển công nghiệp truyền thống sẽ không cạnh tranh lại với Đồng Nai, Bình Dương và sắp tới là Long An. Trong khi đó, đối với công nghiệp văn hoá thì chỉ có thể là TP.Hà Nội và TP.HCM.
Cũng theo Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, để dễ hình dung, công nghiệp văn hoá là gì thì hãy liên tưởng đến 3 đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Hà Nội đã đem lại nguồn thu 1.000 tỷ đồng.
"Cả TP.HCM và TP.Hà Nội đều cần địa điểm được quy hoạch để phục vụ cho công nghiệp văn hoá, địa phương nào làm trước sẽ thắng. Bình Quới – Thanh Đa là cơ hội tuyệt vời để cho TP.HCM có được một không gian cho công nghiệp văn hoá", ông chia sẻ.
"Theo tôi, TP không nên đặt tham vọng quy hoạch phát triển đô thị ở Bình Quới – Thanh Đa mà nên biến nó thành một không gian phục vụ cho công nghiệp văn hoá. Việt Nam hiện nay đang thiếu không gian cho các triển lãm tầm vóc quốc gia. Nếu quy hoạch tốt, Bình Quới – Thanh Đa có thể trở thành một nơi như vậy. Chẳng hạn ở Pháp, trung tâm triển lãm của họ để tham quan hết cũng mất một tuần", Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu đề xuất.
Trả lời Dân Việt về nguyên nhân chậm triển khai dự án, UBND Quận 1 cho biết trước đây UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 3139/QĐ-UBND ngày 30/6/2004 tạm giao đất cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn để tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng khu cao ốc Nguyễn Cư Trinh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) với diện tích thu hồi 28.104 m2.
Vì Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chưa thực hiện, TP đã có nhiều thông báo và công văn chấp thuận chủ trương giao Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Minh (nay là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư dự án.
"Trong hơn 20 năm qua, dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh phải thực hiện xây dựng các tiểu dự án: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn mới, khu tái định cư, trường học và cao ốc văn phòng – trung tâm thương mại – dịch vụ căn hộ ở và kinh doanh… Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa thực hiện các bước làm tiến độ của dự án bị kéo dài", UBND Quận 1 cho hay.
Theo UBND Quận 1, diện tích đất bồi thường của dự án là 68.528,30 m2. Tổng số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án là 1.363 căn nhà, gồm có: 1.336 căn do hộ dân sử dụng và 27 nhà do 20 tổ chức sử dụng.
Thời gian qua, UBND Quận 1 chủ trì và phối hợp các đơn vị có liên quan đã phổ biến thông báo thu hồi đất đến các hộ dân và tổ chức có nhà ở, đất ở bị thu hồi tại dự án. Thông tin về kế hoạch chi tiết, hướng xử lý quy hoạch khu Mả Lạng, thời gian qua lãnh đạo TP.HCM cùng Quận 1 đã có nhiều văn bản nhằm mục đích hướng dẫn các thủ tục thực hiện dự án.
Đáng chú ý, ngày 24/2/2023, Ban Cán sự đảng UBND TP ban hành Thông báo số 184-TB/BCSĐ Kết luận về thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư, đề xuất phương án đầu tư mới Dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1.
Từ ngày 13/4/2023 đến nay, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận đã phối hợp UBND phường Nguyễn Cư Trinh niêm yết và tổ chức triển khai Quyết định trên đến 951/1.424 hộ dân, cá nhân, tổ chức liên quan.
Như vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM hiện là cơ quan chủ trì rà soát tình hình thực hiện, cơ sở pháp lý và đề xuất phương án xử lý đối với dự án.