Sống trong quy hoạch “treo”, chờ đợi trong vô vọng (bài 1): Trở lại Bình Quới – Thanh Đa, Mả Lạng

Ngọc Huân - Diệu Bình Thứ hai, ngày 30/09/2024 06:00 AM (GMT+7)
Sau hàng chục năm chờ đợi triển khai quy hoạch, người dân Bình Quới - Thanh Đa, khu Mả Lạng phải tiếp tục chờ TP triển khai quy hoạch mới…
Bình luận 0

LTS: Trong hơn ba thập kỷ qua, hàng ngàn cư dân tại các khu vực như bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, khu Mả Lạng của TP.HCM đã sống trong tình trạng quy hoạch "treo". Những dự án lớn đầy hứa hẹn biến đổi khu vực thành những trung tâm hiện đại, sầm uất, giờ đây vẫn chỉ là những ý tưởng tốt đẹp nằm trên giấy. Liên quan đến 2 khu vực quy hoạch "treo" nổi tiếng này, gần đây có một số biến chuyển mới, liệu lần này có thực sự mang lại thay đổi, hay người dân lại tiếp tục phải chờ đợi thêm?

32 năm chờ đợi trong vô vọng

Sống trong quy hoạch “treo”, chờ đợi trong vô vọng: (Bài 1) Trở lại Bình Quới – Thanh Đa, Mả Lạng- Ảnh 1.

Bán đảo Bình Quới - Thanh Đa

Bà Huỳnh Thị Xệp (75 tuổi, trú phường 28, quận Bình Thạnh), người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, chứng khiến biết bao lần "thay da, đổi thịt" của TP. Ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời, bà vẫn đau đáu giấc mơ an cư, bởi bà là người cảm nhận rõ nhất về sự cực khổ khi sống ở khu quy hoạch "treo".

"Tôi nghe quy hoạch là khi còn khỏe mạnh, nay già yếu rồi vẫn chỉ nghe, chưa thấy có động tĩnh gì. Hàng chục năm sống trong vùng quy hoạch, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng không thể sửa chữa, chắp vá tạm bợ qua ngày, khổ lắm. Tôi tuổi gần đất xa trời, muốn tách đất chia cho mấy đứa cháu mà họ có cho tách thửa đâu. Đất đai bề bề mà có làm được gì đâu", bà Xệp bày tỏ khi được hỏi về mong mỏi lớn nhất của bà.

Sống trong quy hoạch “treo”, chờ đợi trong vô vọng: (Bài 1) Trở lại Bình Quới – Thanh Đa, Mả Lạng- Ảnh 2.

Bà Huỳnh Thị Xệp. Ảnh: Diệu Bình

Không chỉ bà Xệp mà hàng nghìn hộ dân tại bán đảo Bình Quới - Thanh Đa phải sống chật vật trong hơn 30 năm qua. Người dân nơi đây bất đắc dĩ trở thành nông dân giữa phố, chờ ngày được giải tỏa.

Chỉ tay ra mảnh vườn cỏ mọc um tùm, anh Nguyễn Thanh ( 32 tuổi, trú phường 28, quận Bình Thạnh) cho hay, vì vườn quá rộng không làm xuể nên anh chỉ tận dụng trồng vài cây chuối, còn lại bỏ mặc không động đến.

"Nhiều gia đình nuôi thêm cá, thả thêm gà vịt nhưng tôi còn trẻ nên tìm việc khác làm. Đất ở đây rất rộng nhưng như đất chết không thể xây dựng hay làm gì. Vì treo quá lâu nhiều người dân ở đây đã bán đổ, bán tháo đến nơi khác sinh sống. Sống trong TP mà ngỡ như ở quê", anh Thanh nói.

Anh Huỳnh Châu, một cư dân của phường 28, quận Bình Thạnh cho biết: "Tui sinh năm 1994, năm nay tròn 30 tuổi, quy hoạch Bình Quới – Thanh Đa có trước khi tôi ra đời, từ khi cha tôi tuổi còn đang xuân, giờ cha tôi đã nghỉ hưu rồi mà vẫn chưa có động tĩnh gì. Vừa rồi đọc báo mới biết, TP lại tổ chức thi ý tưởng quy hoạch Bình Quới – Thanh Đa".

Sống trong quy hoạch “treo”, chờ đợi trong vô vọng: (Bài 1) Trở lại Bình Quới – Thanh Đa, Mả Lạng- Ảnh 3.

Nếu không có toà nhà Lanmark 81 đứng đằng xa thì khó có thể biết, Bình Quới - Thanh Đa ở ngay trung tâm TP.HCM. Ảnh: Ngọc Huân

Nhiều người dân ở Bình Quới – Thanh Đa cho biết, có trường hợp gia đình bị sự cố, bệnh tật, tai nạn phải cắt đất bán giấy tay với giá rẻ mạt. "Đất nông nghiệp ở Củ Chi, Hóc Môn giá vài chục triệu một mét vuông, trong khi ở đây do vướng quy hoạch, không mua bán được, muốn bán thì chỉ còn cách là viết giấy tay bán cho nhau. Giá bán giấy tay hiện nay cũng chỉ vài triệu đồng/m2, biết rẻ nhưng nhà có việc thì phải bán thôi", một người dân bày tỏ với phóng viên Dân Việt.

Dứt khoát cho dân nhờ!

Hiện nay, TP.HCM có rất nhiều quy hoạch đã triển khai 2 đến 3 thập kỷ nhưng đến nay vẫn còn y nguyên như ngày đầu. Điển hình, dự án cải tạo Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (khu Mả Lạng) đã hơn 20 năm vẫn chưa được triển khai. Người dân sinh sống trong khu vực chờ đợi "mỏi mòn" suốt bao năm vì không thể thực hiện cải tạo, sửa sang hay chuyển nhượng nhà cửa. 

Sống trong quy hoạch “treo”, chờ đợi trong vô vọng: (Bài 1) Trở lại Bình Quới – Thanh Đa, Mả Lạng- Ảnh 4.

Hẻm 168 Nguyễn Cư Trinh, quận 1 là con đường chính vào khu Mả Lạng. Hiện trạng này kéo dài mấy chục năm nay để chờ giải toả thực hiện dự án. Ảnh: Ngọc Huân

Trao đổi với Dân Việt, bà Huỳnh Thị Tư, ngụ tại 168/75/17 Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 chia sẻ: "Tui năm nay đã 76 tuổi rồi, chờ đợi mấy chục năm rồi mà mấy ổng cũng chưa chịu giải toả. Năm 2013, mấy ổng làm rần rần, tưởng giải tỏa đến nơi, sau đó thấy im re đến giờ. Mấy chục năm nay cứ nhấp nha nhấp nhổm chờ, tui chỉ mong mấy ổng giải tỏa cho xong, miễn là tiền đền bù thoả đáng rồi tui về quê dưỡng già, tiền giải tỏa cho 4 đứa con, mỗi đứa một chút mà không biết đến khi nào mấy ổng mới chịu làm?".

Chú Nguyễn Tùng, 69 tuổi cho biết: "Tui sinh ra và lớn lên ở khu Mả Lạng. Nhà tui có 7 anh chị em, được cha mẹ để lại cho căn nhà 50m2, nhà chật phần lớn anh em đã dọn ra ngoài thuê nhà, ai khó quá thì về ở nhà cha mẹ. Bây giờ mà giải tỏa thì không cách gì có thể mua lại được nhà ngay trung tâm TP. Dân khu này không ai phản đối Nhà nước giải tỏa làm dự án nhưng làm phải làm cho nhanh, dứt khoát để dân còn tính đường làm ăn, hiện nay cứ nay làm, mai không, cuộc sống đảo lộn. Nếu không làm nữa thì đề nghị cho chỉnh trang, mở rộng đường, hẻm cho dân ổn định làm ăn"…

Một cư dân của Khu Mả Lạng ngụ tại số 168/… đề nghị dấu tên kiến nghị: "Nhà tui 40m2, trong hộ khẩu có 10 nhân khẩu, nhà chật, xuống cấp, muốn Nhà nước trả lời dứt khoát có giải tỏa hay không? Tui không phản đối nhưng giải tỏa đền bù thỏa đáng, tui đi liền. Hiện nay cứ một hai năm lại nghe giải tỏa, không yên tâm làm ăn sinh sống, gia đình tui lúc nào cũng trong tâm thế để đi nhưng mà không đi được…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem