"Siêu đô thị" tỷ USD Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm (Bài 3): Giấc mơ của những nông dân giữa thành phố

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 26/04/2021 06:36 AM (GMT+7)
Cư dân bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã thôi nghĩ về viễn cảnh một đô thị hiện đại, được đổi đời mà họ muốn nếu dự án không thể thực hiện thì nên để người dân được “an cư lạc nghiệp”.
Bình luận 0

"Các cô chú làm thế nào để Thanh Đa phát triển hơn, phát triển theo hướng tốt hơn. Nỗi lòng của chúng tôi được lắng nghe là chúng tôi rất mừng", nhiều người dân bán đảo Thanh Đa gửi gắm.

Chính quyền cũng mong như dân

Tháng 3/2021, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với quận Bình Thạnh về kế hoạch điều hành phát triển kinh tế - xã hội của quận năm 2021. 

Lãnh đạo quận Bình Thạnh kiến nghị UBND TP.HCM và các sở ngành sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa và một loạt dự án đã kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn.

Lãnh đạo quận Bình Thạnh cho rằng lý do dự án treo dai dẳng, chưa được triển khai bởi vướng mắc trong việc lựa chọn nhà đầu tư, nguồn vốn, thu hồi mặt bằng, công tác bồi thường và tái định cư. Tương tự người dân, lãnh đạo quận cũng kỳ vọng dự án sớm được tháo gỡ vướng mắc.

"Siêu đô thị" tỷ USD Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm (Bài cuối): Dỡ treo hay quy hoạch tiếp? - Ảnh 1.

Hầu hết cư dân Thanh Đa đã thôi nghĩ về viễn cảnh một đô thị hiện đại mà muốn làm chủ trên đất của mình, giữ không gian yên bình, xanh mát của bán đảo. Ảnh: Hồng Phúc.

Tham gia góp ý cho báo cáo điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 tại kỳ họp thứ 24 HĐND TP.HCM ngày 23/3 mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nêu bức xúc của cư dân trên bán đảo Thanh Đa. 

Theo bà, một nguyên nhân khiến quy hoạch chưa đi vào cuộc sống là chưa đảm bảo tính nhân dân. Tiếng nói và lợi ích của người dân trong quy hoạch chưa đồng bộ.

Bà đề nghị cần quan tâm nhiều hơn đến tính khả thi của quy hoạch, để quy hoạch đi vào cuộc sống, chứ không thể nằm mãi trên giấy, treo 20-30 năm. 

Có những dự án nằm trong quy hoạch đến năm 2060, tức là còn 40 năm nữa, nếu quy hoạch không tốt mà treo tiếp thì người dân sẽ sống khổ.

Trở lại bán đảo Thanh Đa, chúng tôi dành nhiều ngày để lắng nghe tâm sự của cư dân. Trong căn nhà mái tôn nóng hầm hập, bà Mười (khu phố 2, phường 28) một trong những cư dân cố cựu kể nhiều về những lần ngóng trông thông tin quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

"Cuối cùng nhà của tôi vẫn là căn nhà cấp 4 ở tạm mấy chục năm nay. Hỏi tôi ước mong lớn nhất lúc này là gì - Tôi chỉ mong sớm dỡ quy hoạch. Quy hoạch treo đã 30 năm rồi nên không còn trông mong gì nữa. Dỡ quy hoạch để chúng tôi còn được làm chủ trên mảnh đất của mình", bà Mười mong mỏi.

Người phụ nữ đã gần 60 tuổi, quy hoạch Thanh Đa thực sự đã "treo" nửa cuộc đời bà, nên bà nói không còn trông đợi tiền bồi thường để có cuộc sống sung túc hơn. Bà muốn Thanh Đa vẫn có cuộc sống thanh tịnh, tươi mát, nhiều cây xanh bởi không phải nơi đâu cũng có được mảng xanh như trên bán đảo. 

Bà sẽ tách thửa, chia đất cho các con để chúng tự lập, không còn cảnh nhồi nhét trong căn nhà vài chục thước vuông.

Thanh Đa và không gian xanh TP.HCM

Trao đổi với Dân Việt, GS.TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM), nhận định quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa đã có từ rất lâu.

Chuyên gia thẳng thắn cho biết nguyên nhân dự án vẫn nằm trên giấy, chưa tìm được nhà đầu tư vì quy hoạch chưa mang tính toàn vẹn, khoa học, quy hoạch tỷ lệ chi tiết cũng không rõ ràng, nhiệm vụ chính của quy hoạch là khu dân cư, khu du lịch hay kết hợp cả hai cũng chưa thống nhất.

"Tôi cho rằng quy hoạch khu này nên đi theo hướng sinh thái, mật độ dân cư không đông, khu du lịch không quá chen chúc. Về nhà đầu tư, nên có sự phân đoạn, đoạn nào dành cho nhà đầu tư lớn, đoạn nào nhà đầu tư nhỏ, đoạn nào của Nhà nước. Chủ đầu tư phải đáp ứng yêu cầu nào, cái nào cũng phải rõ ràng và minh bạch mới thu hút họ", GS.TSKH Lê Huy Bá nói.

Ông nhấn mạnh TP.HCM buộc phải có quy hoạch chung để phát triển đô thị nhưng chính quyền nên kiểm kê lại, dự án nào làm được thì làm, không làm được thì nên dỡ để tạo điều kiện cho người dân.

"Siêu đô thị" tỷ USD Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm (Bài 3): Giấc mơ của dân Thanh Đa - Ảnh 2.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng có thể chuyển Thanh Đa thành không gian xanh của TP.HCM.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia kiến trúc và quy hoạch, cũng thẳng thắn chia sẻ dự án Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm qua vì TP.HCM vẫn loay hoay với mục đích của dự án, lúc là khu đô thị, lúc là khu du lịch hoặc khu đô thị đại học. Do chưa có định hướng cụ thể nên khó tìm được nhà đầu tư.

"Tôi nghĩ rằng nếu làm được thì làm lâu rồi, còn không nên xem xét khả năng trong tình huống TP quá thiếu không gian xanh, quận 1, 3, 4 không còn đất để làm không gian xanh nữa. 

Thậm chí TP.Thủ Đức mới, quỹ đất làm không gian xanh cũng không nhiều thì có thể tính phương án chuyển toàn bộ Thanh Đa thành không gian xanh của TP.HCM", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói với Dân Việt.

Theo ông, Thanh Đa là khu vực thấp trũng, muốn làm đô thị buộc phải nâng nền, phải làm hạ tầng tốn kém, khó tìm nhà đầu tư. Tận dụng lợi thế sẵn, TP.HCM có thể phát triển Thanh Đa thành không gian xanh của TP. Khu vực người dân ở sẽ chỉnh trang phục vụ du lịch, kết nối hạ tầng với bên ngoài.

"Không còn là đô thị mật độ xây dựng cao thì áp lực hạ tầng không nhiều, tôi nghĩ khi đó, kiếm nhà đầu tư cũng không còn khó nữa. Đồng thời, cũng xử lý được vấn đề quy hoạch treo", KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem