HTX Trái cây sinh học OCOP (HTX Bio Fruit Coop), có địa chỉ tại đường Hùng Vương, ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang- là HTX được Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thành lập.
Đưa sản phẩm OCOP, trái cây ngon xuất khẩu sang thị trường Châu Âu - Bắc Mỹ
Chị Võ Thị Mỹ Dung, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, cho biết: HTX Trái cây sinh học OCOP được thành lập ngày 30/3/2020, với 195 thành viên, có vốn điều lệ 10 tỷ đồng; ngành nghề sản xuất kinh doanh là xuất khẩu nông sản và các hoạt động: thu mua nông sản xuất khẩu, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật canh tác, tư vẫn tiêu chuẩn xuất khẩu, vận chuyển nông sản và cung cấp vật tư nông nghiệp cho thành viên.
Giai đoạn HTX vừa thành lập (năm 2020) là lúc dịch bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện và bùng phát thành đại dịch nên gặp không ít khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Châu Thành, chính quyền địa phương, sự quyết tâm của các thành viên, cùng sự hợp tác tích cực của bà con nông dân mà HTX đã vượt qua những khó khăn nhất định, từng bước ổn định hoạt động.
Kết quả, giai đoạn năm 2021 - 2023, HTX tiêu thụ hơn 9.000 tấn nông sản các loại, trong đó có 4 sản phẩm trái cây của Hậu Giang đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, là bưởi Năm Roi, chanh không hạt, cam sành, cam xoàn; doanh thu trên 204 tỷ đồng. Năm 2024 ước tiêu thụ 4.500 - 5.000 tấn nông sản các loại...
Và hiện nay, tình hình sản xuất kinh doanh của HTX rất phấn khởi, 9 tháng đầu năm đạt 80% kế hoạch năm 2024.
Để đạt được kết quả đó, chị Mỹ Dung, chia sẻ: Về quá trình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao, HTX Trái cây sinh học OCOP đã liên kết phối chuyển đổi thành công 250ha mía kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt và bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu.
Trong suốt quá trình chuyển đổi, HTX cùng ngành chức năng địa phương đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân từ khâu chọn giống đến quá trình trồng, chăm sóc,…đến khi có trái sẽ hợp đồng bao tiêu thu mua cho bà con nông dân.
Nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khó khăn của khách hàng trong và ngoài nước, HTX Trái cây sinh học OCOP đã xây dựng quy trình trồng và đóng gói đạt một số tiêu chuẩn Châu Âu như: Global GAP, Smeta, BRC… trên chanh không hạt, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam, mit, và các loại trái cây khác… trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Hiện HTX có 2 sản phẩm là chanh không hạt và bưởi Năm Roi đạt chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm cam sành và cam xoàn đạt chuẩn 3 sao (đang chờ gia hạn).
Bằng quyết tâm cao của từng thành viên, các sản phẩm của HTX đáp ứng được các yêu cầu cao của khách hàng, nên hiện tại sản phẩm của HTX Trái cây sinh học OCOP và bà con nông dân tỉnh Hậu Giang đã được khách hàng trong và ngoài nước ngày càng ưa chuộng và tin tưởng.
Đến nay thị trường trong nước, trái cây HTX Trái cây sinh học OCOP đã được bày bán ở các hệ thống siêu thị lớn như: Vinmart, Bách Hóa Xanh và hệ thống Co.opmart miền Tây... doanh thu hằng tháng ở thị trường nội địa gần 2 tỷ đồng/tháng.
Về thị trường xuất khẩu, HTX đã đưa được hai mặt hàng trái cây chủ lực tỉnh Hậu Giang đạt chuẩn OCOP 4 sao là chanh không hạt và bưởi Năm Roi mang thương hiệu Châu Thành - Hậu Giang xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, như: Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Nga,… và Hồng Kông.
"HTX cũng đã tận dụng tốt và kịp thời những thuận lợi về ưu đãi thuế do Hiệp định EVFTA mang lại. Hiện chúng tôi là HTX đầu tiên hưởng lợi về thuế quan khi EVFTA có hiệu lực,doanh thu của HTX khoảng 70 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, mới đây HTX Bio Fruit Coop lần đầu tiên xuất được những container bưởi da xanh sang thị trường Bắc Mỹ. Đây là thị trường giàu tiềm năng với thu nhập bình quân người dân rất cao, người tiêu dùng rất thích hương vị trái cây trồng trên vùng đất Hậu Giang.
Điều thuận lợi lớn vì đây cũng là quốc gia cùng tham gia Hiệp định thương mại CPTPP (Hiệp Định đối tác xuyên Thái Bình Dương). Hy vọng là trong thời gian tới trái cây của nông dân Hậu Giang nói riêng, nông dân miền Tây nói chung sẽ xuất sang thị trường này số lượng ngày càng lớn "- chị Mỹ Dung chia sẻ.
Điểm tựa phát triển kinh tế của nông dân
Chia sẻ về liên kết sản xuất với bà con nông dân, chị Mỹ Dung cho biết: Khi HTX mới thành lập, khó khăn lớn trong liên kết với bà con là vận động hướng bà con từ canh tác theo cách truyền thống sang quy trình canh tác sạch. Tuy nhiên, chỉ qua thời gian ngắn vận động bà con nhận thấy hiệu quả tích cực, lâu dài của quy trình canh tác sạch nên đã hợp tác.
Trong quá trình liên kết với các thành viên nông dân, HTX luôn định hướng cho nông dân canh tác theo hướng sạch, như: áp dụng các chế phẩm sinh học vào việc phòng trừ dịch hại tổng hợp, khuyến khích nông dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, phun thuốc bằng máy bay không người lái… nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và nhân công lao động.
Bên cạnh đó, HTX bố trí mỗi một kỹ sư chuyên ngành Trồng trọt quản lý, hướng dẫn khoảng 40 nông dân, giúp người nông dân canh tác, phòng trừ dịch hại theo hướng an toàn, bền vững, sản phẩm làm ra đạt yêu cầu của thị trường các nước nhập khẩu. Sau đó, HTX thu mua trực tiếp sản phẩm của nông dân, bỏ qua các khâu trung gian thương lái, giúp người nông dân nâng cao được lợi nhuận và an tâm sản xuất.
Hiện tại HTX đã liên kết thu mua cho hơn 300ha các loại cây ăn trái xuất khẩu, áp dụng tiêu chuẩn Global GAP cho nông hộ, hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 15 – 25%.
Ông Cao Hoài Học (Ấp Cầu Trắng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), thành viên HTX, cho biết: Tham gia HTX ông liên kết trồng chanh không hạt, với diện tích 8000m2. Nhờ trồng theo quy trình kỹ thuật cao, được kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật và theo dõi sát nên năng suất chanh luôn đạt cao, chất lượng sản phẩm đồng đều. Đặc biệt, khi tham gia liên kết sản xuất ông còn được HTX bao tiêu đầu ra, thu mua cao hơn giá thị trường từ 15-25%.
"Trước đây trồng chanh không hạt tôi hay lo điệp khúc "được mùa mất giá", hoặc "trồng chặt, chặt trồng". Nhưng từ khi tham gia liên kết sản xuất với HTX thì tôi yên tâm đầu ra, vụ nào thu hoạch cũng cầm chắc lời"- ông Cao Hoài Học, chia sẻ.
Ông Đỗ Trung Nam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Từ khi thành lập đến nay, bên cạnh việc liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất theo công nghệ tiên tiến, HTX trái cây sinh học OCOP còn tập trung giải quyết các vấn đề thị trường, tiêu thụ trái cây cho gần 100 thành viên và nông dân thông qua việc ký kết hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước. Hàng năm tổng sản lượng nông sản trên địa bàn được HTX bao tiêu khoảng 4.500 - 5.000 tấn.
Bên cạnh đó, HTX đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho nông dân Hậu Giang phát triển kinh tế, phát huy tối đa tiềm lực, lợi thế sẵn có của địa phương, giúp họ nâng cao giá trị nông sản, tiếp tục tăng sản lượng tiêu thụ do có đầu ra ổn định. HTX đã tháo gỡ nút thắt mà nông dân Hậu Giang nói chung và Châu Thành nói riêng đang mong đợi, tạo thành chuỗi liên kết để nông dân cùng tham gia và hưởng lợi.
Ngoài ra, HTX trái cây sinh học OCOP đã làm thay đổi nhận thức của người dân về bản chất của mô hình hợp tác xã kiểu mới đúng với tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".