Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Bộ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa và 90% khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là vùng từng được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào với lượng phù sa cung cấp hàng năm nhiều về khối lượng và rất tốt về chất lượng, giúp cho canh tác lúa và nhiều cây trồng khác rất hiệu quả.
Tuy nhiên, gần đây theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL đã trở thành 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra, việc thâm canh quá mức, tăng vụ, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng cùng với xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hàng năm…làm cho sản xuất lúa đứng trước rất nhiều thách thức như chi phí tăng cao, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư. Thêm nữa, canh tác lúa cũng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn, với khoảng 50% của ngành sản xuất nông nghiệp.
Với tư cách là nhà cung cấp giải pháp sử dụng phân bón phù hợp trong mối quan hệ với canh tác lúa, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền nhận thấy, chỉ khi hiểu được bản chất của độ phì nhiêu của đất, phát hiện đúng yếu tố hạn chế cho sản xuất lúa sẽ cho phép sử dụng phân bón "đúng", đáp ứng các mục tiêu giảm chi phí, tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính.
Với tư duy như vậy, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Cục Trồng trọt, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia: "Đất và Phân bón" với chủ đề "thực trạng độ phì thực tế đất lúa vùng ĐBSCL và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa".
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hy vọng kết quả của hội thảo cũng sẽ đóng góp về kỹ thuật hoàn thiện quy trình canh tác lúa của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (đề án 1 triệu ha lúa).
Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Bộ NNPTNT đang triển khai thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Để đạt được mục tiêu đề án, có nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có 1 vấn đề mà hội thảo đặt ra đó là chất lượng đất và sử dụng hiệu quả phân bón.
Ông Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho hay, đơn vị có 38 năm nghiên cứu về đất lúa. Qua đó, nhận ra vấn đề chung nhất là lượng chất hữu cơ sụt giảm nghiêm trọng.
Còn GS Nguyễn Bảo Vệ - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thì nhận định, đất lúa đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng.
GS Nguyễn Bảo Vệ nói: "Thời gian qua, trong chương trình canh tác lúa thông minh, phía Công ty đã có nghiên cứu về độ phì nhiêu của đất lúa vùng ĐBSCL. Kết quả cho thấy, đất lúa đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng và ngành nông nghiệp cần chú ý".
"Khi lấy 76 mẫu đất lúa tại 38 điểm ở ĐBSCL đem phân tích. Chúng tôi phát hiện bộc lộ sự mất cân đối dinh dưỡng bởi chất lượng chất hữu cơ suy thoái, lân dễ tiêu giảm ở một số nơi,... Tuy vấn đề chưa đến báo động nhưng cần phải tính để cải thiện" - GS Nguyễn Bảo Vệ nói thêm.
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp thực hiện "Chương trình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải vùng ĐBSCL giai đoạn 2024-2027". Ảnh: Huỳnh Xây
Trong thời gian tới, theo GS Nguyễn Bảo Vệ, đất lúa ở ĐBSCL cần triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật để cải thiện đất. Cụ thể là sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng để hoàn trả dinh dưỡng cho đất; làm đất sâu sao cho tầng canh tác dày hơn; phơi đất; ngâm đất; làm rãnh nước khi trồng lúa. Đồng thời, bón phân bio-canxi để cải thiện dinh dưỡng cho đất, giảm ngộ độc hữu cơ.
Với cách làm trên, GS Nguyễn Bảo Vệ cho hay, sẽ giúp tăng hơn 12% năng suất so với ruộng đối chứng (mô hình đạt 7,62 tấn/ha; ruộng đối chứng 6,51ha).
Ông Lê Cảnh Định đến từ Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp cũng cho biết, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu và canh tác dẫn đến việc mất cân đối dinh dưỡng đất lúa.
Do đó, trong quá trình sản xuất, nhất là khâu làm đất phải làm sao để rơm rạ phân huỷ, trả lại dinh dưỡng cho đất, thay vì đưa rơm rạ ra ruộng. Hiện nay, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã cung cấp được quy trình phân hủy rơm rạ nhanh khi phối hợp giữa cơ giới hóa với bón phân.
Tại hội thảo, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế IRRI ký kết thỏa thuận hợp tác dự án "Nghiên cứu, đánh giá và phát triển công nghệ xử lý rơm rạ tăng hiệu quả và giảm phát thải trong sản xuất"; Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp thực hiện "Chương trình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải vùng ĐBSCL giai đoạn 2024-2027".