Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Phong thuỷ ra đời từ khi loài người biết nhận thức, biết chọn nơi khô ráo, ấm áp để ở. Dần dần, cùng với những kiến thức loài người tích luỹ được, phong thuỷ càng trở nên đa dạng hơn và chia ra hai trường phái rõ rệt là phong thuỷ hình và phong thuỷ lý.
Phong thuỷ hình là hệ thống các quy tắc dựa vào thế sông, thế núi hiện hữu để quy hoạch, xây dựng nhà cửa, cung điện với mong muốn thế đất tốt sẽ bảo vệ con người trước tai ương, giúp họ được mạnh khỏe, trường tồn.
Vì dựa vào thế đất hiện hữu nên người ta dễ nhận diện các yếu tố phong thuỷ hình hơn so với phong thuỷ lý - tức là dựa vào cửu cung, bát quái, lý số âm dương để chọn nơi xây nhà, dựng điện.
Tại Huế xưa, việc ứng dụng các quy tắc phong thuỷ hình vào việc xây dựng nhà cửa, cung điện, đền đài, chùa chiền là rất phổ biến, từ thứ dân cho đến hoàng đế đều như vậy.
Chính điều này đã khiến những người Tây phương đặt chân đến đây bất ngờ và cũng chính từ sự bất ngờ đó, họ đã gọi Huế bằng cái tên “đất Thần kinh”.
Chỉ xây một ngôi nhà thôi, người Huế xưa cũng đã chú ý đến các quy tắc phong thuỷ thì khi xây dựng cả một tòa kinh đô, các yếu tố phong thuỷ tất phải được đặt lên hàng đầu.
Tận thấy những khẩu thần công đặt trên thượng thành, cổ đô Huế. Ảnh: Hàn Đăng (Báo Thừa Thiên Huế Online).
Các nhà nghiên cứu phong thuỷ đã thống nhất rằng thế đất của kinh thành Huế là một trong những thế đất đẹp nhất Việt Nam - thế đất tay ngai.
Thế đất tay ngai mô phỏng việc một người ngồi ở trung tâm, hướng mắt nhìn về phía trước rộng rãi, bằng phẳng, không bị núi non che chắn hết tầm nhìn và khoảng đất rộng rãi đó được gọi là minh đường hay trung đường.
Phía trước minh đường, nên có một con sông, con suối chảy qua, đem lại sự tươi mát, sinh động, gọi là thuỷ tụ. Cũng ở phía trước minh đường, cần có hai ngọn đồi, ngọn núi hoặc khoảnh đất nhô cao ở hai bên trái phải làm điểm nhấn.
Xa hơn về phía trước, cần một ngọn đồi, ngọn núi che chắn, gọi là tiền án. Phía sau lưng người ngồi phải có một thế đất vững trãi nhô cao tạo vẻ vững trãi, gọi là hậu chẩm.
Tức là về tổng thể, phải có lớp có lang, có tiền (phía trước), trung (ở giữa) và hậu (ở phía sau), nối nhau thành một trục, gọi là trục thần đạo. Trên trục thần đạo cần có một số điểm nhấn cắt ngang hoặc đối xứng, làm sao thể hiện được việc công trình kiến trúc muốn xây phải nằm ở vị trí trung tâm.
Thế đất tay ngai được áp dụng một cách triệt để tại kinh thành Huế với Đại Nội, hay Hoàng thành, được đặt vào vị trí trung tâm và không một nơi nào có thể quan sát tổng thể phong thuỷ kinh thành Huế một cách rõ ràng hơn Thượng thành, đoạn Kỳ đài. Mọi chi tiết cấu thành thế đất tay ngai đều được nhìn thấy từ đây, một phần hoặc toàn bộ.
Đầu tiên là Đại Nội, ở vị trí trung tâm. Đại Nội là nơi tập trung toàn bộ quyền lực của đất nước và vương triều, có diện tích khoảng 37,5ha, quay mặt về phía Nam với ý nghĩa “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Bậc thánh nhân hướng mặt về phía Nam lắng nghe lời thiên hạ).
Mặt Bắc và Nam của toà thành dài 622m, mặt Đông và Tây dài 604m, thành cao 4,16m và dày 1,04m. Bên trong thành có nhiều công trình quan trọng như Thái Hoà điện là nơi thiết triều cũng như Tử Cấm thành là nơi sinh hoạt của hoàng đế và gia quyến.
Phía trước Đại Nội là minh đường của kinh thành Huế. Cái tên sông Hương được dùng để chỉ khúc sông dài khoảng 35km, chảy qua Huế, tính từ ngã ba Bằng Lãng đến cửa Thuận An và bởi xưa có loại cỏ Thạch Xương bồ mang hương thơm dịu nhẹ mọc ven sông, dưới lòng sông nên mới có cái tên sông Hương.
Một góc cổ đô Huế nhìn từ thượng thành. Ảnh: Hàn Đăng (Báo Thừa Thiên Huế Online).
Cao trình của đoạn sông chảy qua trước mặt kinh thành Huế không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy nhẹ, lờ lững, trữ tình. Từ Thượng thành, bất cứ ai cũng sẽ cảm nhận được vẻ trữ tình của dòng Hương.
Giữa dòng sông Hương, ở hai bên trái có hai cồn đất lớn là cồn Hến và cồn Dã Viên, do phù sa lắng đọng mà thành. Hai cồn này giữ vai trò đặc biệt trong phong thuỷ kinh thành Huế, chính là Tả Thanh long và Hữu Bạch hổ. Tả Thanh long là cồn Hến với thế đất thuôn dài 1.660m, rộng 237m và Hữu Bạch hổ là cồn Dã Viên với thế đất tròn hơn, dài 890m, rộng 185m.
Hai cồn này thật đúng với định nghĩa “long dài, hổ ngắn” của các nhà phong thuỷ xưa. Long, hổ chầu về không chỉ tăng thêm tính uy nghiêm của kinh thành mà còn giúp người xưa tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như trồng cây thuốc hay những cuộc đấu sức giữa voi và hổ.
Xa hơn về phía Nam là núi Ngự Bình, là bình phong, là tiền án của cả kinh thành Huế. Ngọn núi cách bờ Nam sông Hương chừng 3km này có hình dáng đặc biệt khi đỉnh núi không nhọn mà ngang bằng và chỉ cao 104m.
Chính hình dáng đặc biệt này đã khiến Ngự Bình trở thành một viên ngọc lung linh trong tổng thể kiến trúc kinh thành Huế và cũng là dấu ấn phong thuỷ đậm nét nhất của cả vùng đất cố đô khi hầu hết các công trình kiến trúc của vùng Huế xưa kia đều lấy núi Ngự Bình là bình phong, là tiền án chung. Khu vực từ sông Hương đến núi Ngự được các nhà phong thuỷ xưa gọi là Tiền Chu tước.
Đứng từ Thượng thành, nhìn ngược về phía sau lưng Đại Nội, dãy Trường Sơn ẩn hiện phía chân trời tạo nên một khung cảnh kỹ vỹ nhiều hơn là thơ mộng.
Đó cũng chính là ẩn ý của các nhà quy hoạch, phong thuỷ xưa khi xem cả dãy Trường Sơn chính là hậu chẩm, là yếu tố Huyền Vũ, là cái ngai tựa lưng cho toàn bộ Hoàng thành.
“Tả Thanh long, Hữu Bạch hổ, Tiền Chu tước, Hậu Huyền vũ” chính là các yếu tố quan trọng nhất xác định phong thuỷ Kinh thành Huế mà cổ nhân để lại cho chúng ta và mãi mãi về sau. Chính bởi sự các dấu ấn phong thuỷ dễ dàng nhận biết này Huế sẽ luôn được xem là “đất Thần kinh” dù cho ở Việt Nam vẫn còn nhiều những cố đô khác nữa như Hoa Lư, Phong Châu, Cổ Loa…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.