Theo ông Võ Hồng Thanh, không có kiến thức, khoa học kỹ thuật, thiếu công nghệ tiên tiến nên dẫn đến hiệu quả đánh bắt hải sản của ngư dân chưa cao.
Điều này dẫn tới thu nhập của lao động đánh bắt hải sản còn khiêm tốn, bấp bênh khiến lao động trẻ ít mặn mà với việc vươn khơi bám biển. Giải pháp lâu dài là nhà nước cần có chính sách cụ thể, đủ lực hỗ trợ đào tạo nghề đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ để ngư dân yên tâm, thu hút được lao động nghề biển.
Ở Quảng Trị, ngư dân Võ Hồng Thanh (55 tuổi, trú khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) là người có uy tín. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Thanh còn tham gia bảo vệ an ninh trên biển, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo tổ quốc. Chính vì những đóng góp to lớn ấy, ông Thanh được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Tiếp chúng tôi trên tàu cá mang biển kiểm soát QT.91019.TS đang neo đậu ở cảng Cửa Việt, ông Thanh cho biết, ông bắt đầu trở thành ngư dân khi 16 tuổi. Sau nhiều năm làm bạn thuyền, ông đã tích góp, vay mượn mua tàu lớn 400CV để vươn khơi xa. Mỗi chuyến biển xa bờ đánh bắt cá thu của ông Thanh kéo dài từ 10 đến 15 ngày, với 8 đến 10 thuyền viên trên tàu.
Trong 5 năm trở lại đây, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm ông Thanh đi được từ 15 đến 20 chuyến biển, sau khi trừ chi phí lãi ròng 1 tỷ đồng, thu nhập của thuyền viên từ 7 đến 10 triệu đồng mỗi chuyến biển.
Không chỉ vươn khơi bám biển mang lại thu nhập cao cho bản thân, ông Thanh còn tích cực trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Là thành viên tổ tự quản tàu thuyền khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, ông Thanh vừa đánh bắt thuỷ sản, vừa cung cấp thông tin cho bộ đội biên phòng về tình hình trên biển, nhất là tình trạng tàu nước ngoài xâm phạm hải phận Việt Nam.
Ngoài ra, tổ tự quản tàu thuyền còn hỗ trợ nhau và phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. Không chỉ vậy, các tàu trong tổ tự quản còn chia sẻ ngư trường để cùng nhau đánh bắt. Ông Thanh còn nhiều lần tham gia cứu hộ, cứu nạn, lai dắt tàu cá gặp nạn vào bờ an toàn.
Không dừng lại ở đó, ông Thanh còn tích cực đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực. Khi có người ốm đau, cần tiền chữa trị ông Thanh đều sẵn lòng cho mượn. Mỗi năm, ông Thanh giúp hội viên nông dân khó khăn mượn không lãi từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ông Thanh còn đóng góp, hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng con đường bê tông dài 200 mét ở thị trấn mình đang sống.
Với 39 năm kinh nghiệm vươn khơi bám biển, ông Thanh cho biết, Nhà nước đã đầu tư cho việc khai thác thuỷ, hải sản bằng cách ban hành Nghị định 67. Nhờ đó, nhiều ngư dân có vốn đóng tàu lớn, thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, muốn vận hành tàu lớn có hiệu quả đòi hỏi người lao động phải có kiến thức, đánh bắt khoa học. Thế nhưng, khó khăn nhất đối với mỗi chủ tàu thuyền hiện nay là thiếu lao động đi biển, đặc biệt là lao động chất lượng cao.
Hiện nay, lao động đi biển chủ yếu là người lớn tuổi, thiếu kiến thức, không áp dụng khoa học, kỹ thuật vào đánh bắt nên thu nhập chưa cao. Nhìn vào đó, thế hệ trẻ không muốn theo nghề biển mà chọn nghề khác.
"Ngư dân hiện nay chủ yếu là người lớn tuổi, đánh bắt theo kinh nghiệm cha ông truyền lại, chưa qua đào tạo nên hiệu quả không cao. Đa số ngư dân đánh bắt cá sai kích cỡ, dẫn đến nguồn lợi hải sản cạn kiệt, việc bảo quản cũng chưa chuyên nghiệp dẫn đến chất lượng cá chưa cao, giá trị bị giảm" – ông Thanh nêu ví dụ.
Vì vậy, ông Thanh kiến nghị các cấp, các ngành có liên quan nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ đào tạo ngư dân để vận hành các thiết bị đánh bắt hiện đại, đánh bắt thuỷ, hải sản một cách khoa học. Khi đánh bắt có khoa học, nguồn lợi thuỷ, nguồn lợi hải sản sẽ được hồi sinh, từ đó sản lượng, chất lượng, giá trị đánh bắt sẽ nâng lên, kéo theo thu nhập của ngư dân cao hơn, thu hút lao động đi biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.