Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những ngày cuối tháng 9, khi cơn bão số 4 đã đi qua, ngư dân Võ Hồng Thanh lại soạn sửa vươn khơi.
Tiếp PV Dân Việt ngay trên tàu cá mang biển kiểm soát QT.91019.TS đang neo đậu ở cảng Cửa Việt, ông Thanh tươi cười cho biết, chuyến biển này dự kiến trong vòng 10 ngày, kịp trở về để ông dự Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Việt Nam xuất sắc 2024.
"Tất cả các thứ từ ngư lưới cụ, đồ ăn thức uống, nhân, vật lực tôi đã chuẩn bị, chỉ chờ ngày vươn khơi bám biển, hi vọng sẽ thắng lợi trở về để dự lễ ở thủ đô Hà Nội một cách trọn vẹn" – ông Thanh chia sẻ.
Ngư dân Võ Hồng Thanh, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 đến từ thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) chỉnh trang lại lá cờ tổ quốc trước khi vươn khơi. Ảnh: Ngọc Vũ.
Kể về cuộc đời ngư nghiệp của mình, ngư dân 55 tuổi này cho biết, ông là con đầu trong gia đình 5 anh em.
Bố là bộ đội, mẹ làm công nhân nhưng vì sức khoẻ yếu nên về hưu sớm, điều kiện gia đình khó khăn. Hơn nữa, thời điểm ấy vùng biển Cửa Việt giao thông khó khăn nên cuộc sống người dân thêm phần vất vả.
Chính vì vậy, học xong lớp 9, ông Thanh bỏ học, theo lớp cha, anh "ăn sóng nói gió", trở thành ngư dân kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em.
Thuở ban đầu, vì khó khăn, không có điều kiện mua sắm tàu thuyền nên ông Thanh làm bạn thuyền cho hợp tác xã địa phương. Thời điểm đó sản lượng đánh bắt được rất lớn nhưng vì giao thương khó khăn, thuỷ, hải sản bán với giá rẻ, số tiền kiếm được sau mỗi chuyến biển chẳng đáng là bao.
Vì vậy, sau thời gian dài làm bạn thuyền, mãi đến năm 1993, ông Thanh kết hợp với một ngư dân khác mới mua được chiếc tàu đầu tiên có công suất 100CV. So với hiện nay, con tàu ấy nhỏ bé, nhưng thời điểm đó nó thuộc hàng to nhất vùng.
Trên con tàu 100CV ấy, ông Thanh cùng 7 thuyền viên miệt mài vươn khơi đánh bắt cá ngừ, cá nục…, sản lượng rất lớn.
Thế nhưng, lúc đó chưa có cảng biển, tàu neo sát bờ phải dùng thuyền nhỏ "tăng bo" vào. Đường sá khó khăn, nhiều lúc cá không bán hết, thuyền viên phải chia nhau mang về nhà làm nước mắm rồi quang gánh bán khắp nơi.
"Khổ nhất là mỗi lần tàu gặp sự cố, phải ra kéo ra tận Quảng Bình để sửa chữa, bởi ở Cửa Việt lúc đó chưa có xưởng sữa chữa tàu thuyền" – ông Thanh nhớ lại.
Khó khăn là vậy nhưng bằng ý chí vượt khó, biết tiết kiệm nên đến năm 2004, ông Thanh đã có tiền mua tàu mới bằng gỗ, công suất 400CV, mỗi chuyến biển xa bờ có từ 8 đến 10 thuyền viên.
Không chỉ có tàu lớn, cảng biển Cửa Việt, giao thông đi lại cũng được xây dựng, kết nối, tạo thuận lợi cho ông Thanh và những ngư dân khác vươn khơi đánh bắt, bán buôn.
Nhận thấy cá thu có giá trị kinh tế cao, năm 2012 ông Thanh chuyển từ đánh bắt cá ngừ, cá nục bằng lưới rê qua đánh bắt cá thu bằng lưới bùng nhùng.
Trong 5 năm trở lại đây, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm ông Thanh đi được từ 15 đến 20 chuyến biển, sau khi trừ chi phí lãi ròng 1 tỷ đồng. Không chỉ vậy, ông Thanh còn tạo việc làm cho 7 đến 10 thuyền viên, thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng mỗi chuyến biển.
Kinh tế gia đình thuộc dạng khá giả, ông Thanh có điều kiện cho 4 người con ăn học đàng hoàng. Trong đó, người con trai duy nhất của ông đang là sĩ quan Hải quân đóng quân tại TP. Đà Nẵng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo tổ quốc.
Không chỉ vươn khơi bám biển mang lại thu nhập cao cho bản thân, ông Thanh còn tích cực trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn chủ quyền biển đảo. Nhiều năm nay, ông Thanh là thành viên tổ tự quản tàu thuyền khu phố 5, thị trấn Cửa Việt.
Theo ông Thanh, trước khi tổ tự quản tàu thuyền được thành lập, ngư dân mạnh ai nấy đi biển, thông tin toạ độ được các chủ tàu giữ bí mật tuyệt đối vì không muốn chia sẻ nguồn lợi thuỷ, hải sản.
Tuy nhiên, khi nguồn lợi thuỷ sản ngày càng ít, ngư dân phải sắm tàu to để đánh bắt xa bờ. Thế nhưng, "tàu to thì sóng lớn", đơn thương độc mã trên biển gặp nhiều rủi ro mỗi khi tàu hư hỏng, đối mặt sóng to gió lớn… Chính vì vậy, ngư dân cần liên kết, chia sẻ ngư trường để cùng đánh bắt hiệu quả và bảo vệ nhau trước những hiểm nguy.
Đó là lý do năm 2009, tổ tự quản tàu thuyền được thành lập, và ông Thanh là thành viên. Nhiệm vụ của tổ tự quản là vừa đánh bắt thuỷ sản, vừa cung cấp thông tin cho bộ đội biên phòng về tình hình trên biển, nhất là tình trạng tàu nước ngoài xâm phạm hải phận Việt Nam.
Ngoài ra, tổ tự quản tàu thuyền còn hỗ trợ nhau và phối hợp với lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển. Không chỉ vậy, các tàu trong tổ tự quản còn chia sẻ ngư trường để cùng nhau đánh bắt.
Ông Thanh cho biết, mỗi ngày vào lúc 7h; 13h và 17h, các thuyền trưởng sẽ bật bộ đàm để họp tổ tự quản, thông báo cho nhau về toạ độ nơi các tàu trong tổ đang đánh bắt.
Tàu nào gặp mẻ cá lớn, ở vùng biển có nhiều hải sản thì thông báo cho các tàu khác trong tổ tự quản đến đánh bắt cùng. Khi có tàu bị hư hỏng cũng được thông báo để tàu gần đó đến cứu hộ, cứu nạn.
"Mọi người cùng chia sẻ nguồn lợi, giúp nhau khi rủi ro, hoạn nạn, vì vậy tình cảm ngày càng khăng khít, yên tâm hơn khi vươn khơi" – ông Thanh bộc bạch.
Là thành viên tích cực trong tổ tự quản tàu thuyền, ông Thanh cùng thuyền viên trên tàu đã nhiều lần cứu hộ, cứu nạn thành công các tàu gặp nạn.
Đến bây giờ, ông Thanh vẫn nhớ như in buổi sáng tháng 10/2009, khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, ông bất ngờ nhận được thông tin qua bộ đàm tàu của ông Nguyễn Công Tuấn (trú khu phố 6, thị trấn Cửa Việt) bị chết máy, trôi dạt, trên tàu có 7 thuyền viên gặp nguy hiểm.
Không mảy may suy nghĩ, ông Thanh hô to với các thuyền viên: "anh em dừng đánh bắt, đi cứu nạn". Ngay sau đó, tàu của ông Thanh lao nhanh về nơi tàu ông Tuấn đang trôi dạt. Sau 2 ngày, tàu ông Thanh đã lai dắt tàu ông Tuấn về bờ an toàn.
"Bất kể tàu của ai, nếu biết thì tôi sẽ đến ứng cứu. Tất cả các tàu trong tổ tự quản đều sẽ làm như vậy, bình thường thôi, không có gì to tát" – ông Tuấn nói với đôi mắt đen lánh, long lanh.
Theo ông Tuấn, những năm gần đây, lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đã hiện diện thường xuyên nên ngư dân rất yên tâm. Tuy nhiên, những tổ tự quản tàu thuyền vẫn được ngư dân duy trì, hoạt động hiệu quả, nhân văn.
Không dừng lại ở hoạt động trên biển, ông Thanh còn tích cực đóng góp cho quê hương bằng những việc làm thiết thực. Khi có người ốm đau, cần tiền chữa trị ông Thanh đều sẵn lòng cho mượn.
Mỗi năm, ông Thanh giúp hội viên nông dân khó khăn mượn không lãi từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng để phát triển sản xuất. Ông Thanh còn đóng góp, hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng con đường bê tông dài 200 mét ở thị trấn mình đang sống.
Ông Võ Đắc Hoá – Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) cho biết, với nhiều thành tích đạt được, ông Thanh vinh dự nhận được bằng khen, giấy khen của các cấp tỉnh, huyện. Việc ông Thanh được tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 không chỉ là niềm tự hào của bản thân ông, mà còn là niềm tự hào của huyện, góp phần động viên ngư dân toàn tỉnh tiếp tục "đạp sóng" vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.