“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” đến từ Sơn La đề nghị hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ chế biến nông sản

Văn Ngọc Thứ ba, ngày 01/10/2024 08:40 AM (GMT+7)
"Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024" Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) mong muốn được vay nguồn vốn lớn ưu đãi lãi suất, hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ chế biến nông sản, tiêu thụ nông sản an toàn...
Bình luận 0

Clip: Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 mong muốn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất, đầu tư chế biến, tiêu thụ nông sản, cụ thể là chế biến long nhãn.

Nông dân gặp khó khăn trong mở rộng sản xuất

Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Sông Mã (Sơn La), chúng tôi tìm đến xã Chiềng Khoong, nơi được coi là thủ phủ cây ăn quả của huyện Sông Mã. Từ bản trên, xóm dưới, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh những người nông dân bàn tán về việc phát triển cây ăn quả cho thu nhập cao. 

Từ cách trồng, chăm sóc, thu hái đến việc tiêu thụ đều được đưa ra trao đổi. Khi được hỏi về hộ dân điển hình trong canh tác, phát triển cây ăn quả trong vùng, ai đấy đều ca ngợi anh nông dân Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La).

Anh Mười là người đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng mới vào canh tác, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra các sản phẩm trái cây rải vụ, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao. 

Anh Lường Văn Mười, cũng là người được vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".

“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” Mong muốn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất - Ảnh 1.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), chăm sóc vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Văn Ngọc

Vườn nhãn của anh Mười rộng chừng 5ha ở bên sườn đồi cao. Ban đầu, anh Mười chỉ dám trồng thử 1,3ha giống nhãn chín muộn Khoái Châu (Hưng Yên). Vừa làm vừa học hỏi, vừa tích lũy kinh nghiệm và cũng chỉ khi thấy đạt hiệu quả cao anh mới mở rộng sản xuất ra toàn bộ diện tích 5ha. 

Để đạt được giá trị cao từ cây nhãn, anh Mười đã tiến hành rải vụ thu hoạch quả bằng cách cơ cấu giống nhãn chín sớm T6, kết hợp dùng Kaliclrat xử lý 10% các cây nhãn này cho ra hoa đậu quả cực sớm. Nhờ vậy, ngay từ tháng 4 dương lịch, gia đình anh đã có nhãn xuất ra thị trường, bán giá cao ngất ngưởng tới 30 - 35 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, trong quá trình canh tác vườn nhãn, do anh Mười chuyển từ ngành nghề khác sang làm nông nghiệp, anh cũng gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, từ việc chăm bón, cắt tỉa, ghép cành, phòng trừ các loại sâu bệnh hại đến việc thu hái,...

“Hiện nay, trong quá trình canh tác nhãn, tôi gặp phải những khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh trên cây cũng như các biện pháp triệt để xử lý cây nhãn khi ra hoa, đậu quả trái vụ. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành cần có nhiều hơn nữa các lớp tập huấn về phát triển cây ăn quả, đặc biệt là đối với cây nhãn ra quả trái vụ. Qua các lớp tập huấn, chúng tôi sẽ nắm bắt được những kỹ thuật về áp dụng tại vườn nhãn của gia đình” , anh Mười nói.

“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” Mong muốn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất - Ảnh 2.

Vườn nhãn của gia đình anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) nằm trên sườn dốc. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo anh Mười, yếu tố quan trọng nhất để ra nhãn trái vụ là phải có đủ lượng nước tưới tiêu cho vườn. Vườn nhãn của gia đình anh Mười nằm trên sườn đồi, nên việc có đủ lượng nước tưới tiêu cho vườn nhãn của gia đình anh gặp không ít khó khăn. 

Hiện nay, để giải quyết trước mắt về nguồn nước tưới, gia đình anh Mười mới chỉ đào hố lớn giữa vườn, lót bạt nông nghiệp chống thấm, bơm nước từ dưới suối lên trữ đầy, rồi tưới tới từng gốc cây.

“Việc canh tác nhãn ra trái vụ, nước tưới là thứ không thể thiếu. Tuy nhiên hiện nay với diện tích vườn nhãn của gia đình khá lớn, việc đầu tư một hệ thống tưới tiêu đạt tiêu chuẩn, thuận tiện cho việc canh tác, nhất là vào mùa khô, nguồn vốn đầu tư lớn, nằm ngoài khả năng của gia đình. 

Tôi mong muốn nhà nước có những chính sách hỗ trợ ưu đãi, giúp hội viên nông dân như chúng tôi có nguồn vốn vay lớn, dài hạn để đầu tư xây bể chứa nước, lắp đặt các hệ thống tưới ổn định, khoa học, thuận tiện tưới đến từng gốc cây”, anh Mười nói.

“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” Mong muốn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất - Ảnh 3.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân mong muốn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất

Không dừng lại ở phát triển kinh tế hộ gia đình, với mong muốn liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao thu nhập; 8 hộ dân bản Huổi Bó, xã Chiềng Khoong (Sông Mã) đã cùng đóng góp vốn, đất sản xuất thành lập hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, phát triển trồng cây ăn quả an toàn theo quy trình VietGAP. Anh Mười được tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc HTX. Đến nay HTX đã có 14 thành viên, sản xuất gần 50 ha cây ăn quả gồm: xoài, nhãn,...

Để phát triển cây ăn quả bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP; vận động thành viên đầu tư hệ thống tưới ẩm, tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học vào sản xuất... Hiện, HTX đã có 20 ha nhãn, 10 ha xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP.

“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” Mong muốn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất - Ảnh 4.

Anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười mong muốn được tham gia nhiều hơn nữa các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật. Ảnh: Văn Ngọc

Tuy nhiên, theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, trong quá trình canh tác, phát triển cây ăn quả, HTX gặp phải không ít khó khăn. 

Anh Mười lý giải, việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc không dễ làm như ở các khu vực đất bằng, thung lũng. Do vườn cây ăn quả của các thành viên HTX năm chủ yếu ở các khu vực đồi dốc. Có những vườn phải đi những đoạn đường đất đá, đồi dốc quanh co, lội qua những con suối gập ghềnh đá sỏi. Chính vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại, chăm sóc cũng như vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ của các thành viên HTX.

“Đường đi lại đến các vườn hiện nay gặp rất nhiều những khó khăn, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi bẩn. Đặc biệt là các khu vườn cây ăn quả, đường lên vườn phải đi qua những con suối, vào những ngày thu hoạch, hôm nào trời mưa to, nước suối lên cao, các thành viên HTX khó khăn trong việc vận chuyển hàng cho thương lái, dẫn đến chậm nguồn hàng cho khách. 

Việc này không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng quả đã đến kỳ thu hái, quá trình vận chuyển làm hư hỏng đến hàng hóa mà việc thu hái không đúng thời gian, sẽ làm ảnh hưởng đến việc ra hoa, đậu quả của vụ sau. 

Mong muốn nhà nước hỗ trợ xây dựng cầu qua suối, nâng cấp các tuyến đường nội đồng đến vườn cây ăn quả. Để nông dân chúng tôi đi lại thuận tiện hơn, giảm các chi phí không cần thiết, yên tâm lao động sản xuất hơn”, anh Mười nói.

“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” Mong muốn có thêm nguồn vốn mở rộng sản xuất - Ảnh 5.

HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười mong muốn có thêm nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, để mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho hội viên, bên cạnh tiêu thụ quả nhãn tươi, HTX còn khuyến khích, vận động các thành viên xây dựng các lò sấy để chế biến long nhãn. 

Tuy nhiên để xây dựng hệ thống lò sấy chế biến long nhãn cần một khoản kinh phí lớn. HTX gặp khó khăn trong nguồn vốn để xây dựng lò sấy đảm bảo sản xuất, mở rộng sản xuất để  tham gia chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn; kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và tiêu thụ, tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc.

"Chúng tôi mong muốn mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các hộ nông dân; tìm kiếm, kết nối đầu tư, ký kết các hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối... 

Xây dựng mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường các nước. Mong muốn các cấp, ngành có thêm nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm các lò sấy long nhãn để chủ động việc bao tiêu sản phẩm cho các thành viên HTX và người trồng nhãn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho hội viên", anh Mười nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem