Đam mê nông nghiệp
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng 3ha trồng vô số loại cây ăn quả, anh Tuấn chia sẻ: "Trước đây tôi từng làm qua nhiều nghề để mưu sinh, nhưng với tình yêu dành cho nông nghiệp, tôi quyết định dốc hết vốn liếng và vay thêm vốn để đầu tư xây dựng trang trại trồng cây ăn quả, chăn nuôi heo, bò, gà, cá....
Vừa làm vừa học hỏi, tôi thích cây gì là trồng cây đó, đến nay vườn đã có hơn 2.000 cây ăn quả các loại. Trong đó, tôi trồng chủ lực là 500 cây bưởi, 200 cây mít, 300 cây xoài và chăn nuôi đàn heo rừng khoảng 50 con, đàn bò 15 con".
Năm 2021, từ vùng đất đồi trồng cây sắn, năng suất thấp, anh Tuấn đã mạnh dạn đào xới, cải tạo đất và bắt đầu trồng cây ăn quả. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy cây này nuôi cây kia, ban đầu anh chỉ mua vài trăm cây ổi, bưởi da xanh, chuối, mít về trồng thử nghiệm.
Nhận thấy thổ nhưỡng ở vùng đất Hòa Ninh phù hợp với các loại cây ăn quả, anh tiếp tục đầu tư trồng sầu riêng, dừa, mận, mãng cầu, chanh, hồng xiêm, cau... để tạo sự đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, anh Tuấn chọn phương pháp trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ để bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Thêm vào đó, việc canh tác theo hướng hữu cơ giúp anh tiết kiệm chi phí sản xuất, phân bón, vật tư... mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Anh Tuấn cho biết, để cây cho quả chất lượng và năng suất cao, thì yếu tố đầu tiên cần chú trọng là chọn cây giống tốt. Trước khi trồng phải làm tơi xốp đất, đào hố rộng và sâu, bón lót cho mỗi hố khoảng 20-25kg phân chuồng ủ hoai mục trộn đều với đất. Khoảng cách trồng mỗi cây cách nhau 2,5-3m.
Trong quá trình sinh trưởng của cây, anh thường xuyên cắt tỉa cành bị sâu bệnh, cành già, bấm ngọn để tạo tán cho cây, bao quả bằng túi ni lông ngăn côn trùng phá hại. Đồng thời, anh giữ lại lớp cỏ trên mặt giúp vườn luôn giữ ẩm, tránh xói mòn và khiến hệ sinh vật phát triển cân bằng.
Tăng thu nhập, tạo việc làm
Với niềm đam mê làm vườn, anh Tuấn luôn lao động cần mẫn, vừa làm vừa học hỏi thêm kỹ thuật từ các nhà vườn để biết cách bón phân phù hợp, giữ nước, thụ phấn nhân tạo, ủ phân sinh học.... Hiện nay, anh canh tác theo kiểu "mùa nào thức nấy", nhưng để tăng giá bán và nâng cao giá trị nông sản, anh Tuấn đang tìm hiểu, học hỏi thêm kỹ thuật kích cây cho quả trái vụ.
Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây ăn quả của gia đình Anh Tuấn luôn đạt sản lượng cao, được thị trường đón nhận. Sau thời gian phát triển trang trại kinh tế tổng hợp, anh nhận thấy thổ nhưỡng địa phương rất thuận lợi để vườn cây ăn quả sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu miền Trung khắc nghiệt và nhiều mưa bão, anh đã chủ động trồng thêm hơn 1.000 cây cau để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bởi cau là cây trồng lâu năm có khả năng chịu hạn tốt và không sợ ngã đổ khi có mưa bão. Đồng thời giá cau hiện nay đang được thương lái thu mua khá cao. Anh Tuấn ước tính sau 5 năm nữa, vườn cau hơn 2.000 gốc có thể đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, anh dự định trồng thêm nhiều cây mít để vừa mở rộng quy mô vườn cây ăn quả, vừa trồng cây lấy gỗ có giá trị kinh tế cao. Ngoài trang trại trồng cây ăn quả và chăn nuôi, anh Tuấn còn có nguồn thu nhập từ 50ha rừng trồng keo lá tràm.
Anh Tuấn bộc bạch: "Việc chuyên canh cây ăn quả không phải dễ dàng, đòi hỏi phải trồng xen canh, nắm vững kỹ thuật, đặc tính sinh học từng loại, công nghệ và có vốn đầu tư. Hiện trang trại còn sơ khai nên tôi chưa có lợi nhuận nhiều, bình quân thu nhập đạt 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 3 lao động thời vụ tại địa phương. Tôi dự định sẽ vay thêm vốn để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp thành khu du lịch sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp".