Vào rừng "trồng lung tung", một ông nông dân tỉnh Cà Mau vẫn lời 200 triệu/năm

Chúc Ly Thứ sáu, ngày 26/11/2021 13:05 PM (GMT+7)
Đến ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (Cà Mau) hỏi nhà ông Nguyễn Văn Chà thì hầu như ai cũng sẵn sàng sàng chỉ dẫn nhiệt tình. Bởi ông nổi tiếng khắp vùng khi là một thương binh (bậc 2/4) vượt lên số phận làm giàu với mô hình "trồng lung tung" ở đất rừng U Minh.
Bình luận 0

Quyết bám đất rừng làm giàu

Dù đã yên bề gia thất, nhưng ông Chà vẫn canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền. Sau nhiều đêm trăn trở, năm 1990, ông Chà quyết định rời "nơi chôn nhau cắt rốn" sang ấp 10, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh nhận 7ha đất rừng làm kinh tế. Đây là bước ngoặc lớn nhất của gia đình ông Chà.

Nể phục người thương binh quyết bám đất rừng làm giàu, mỗi năm thu về 200 triệu đồng - Ảnh 3.

Ông Chà trồng nhiều loại cây, rau màu để lấy ngắn nuôi dài, bám trụ đất rừng. Ảnh: CTV.

Theo ông Chà, thời điểm đó, mặc dù nhận được nhiều ý kiến ngăn cản từ người thân, bởi đất U Minh thời điểm đó nhiễm phèn nặng, cây trồng chẳng thể phát triển. Nhưng vợ chồng ông quyết tâm đi để thay đổi cuộc đời.

Dù gặp khó trong di chuyển do chỉ còn một chân nhưng tinh thần hăng say lao động của ông Chà luôn cháy bỏng. Sau 2 năm làm việc quần quật không quản khó khăn, vợ chồng ông Chà cơ bản đã chinh phục thành công mảnh đất đầy cỏ dại ở U Minh Hạ để trồng rừng, rau màu...

Nể phục người thương binh quyết bám đất rừng làm giàu, mỗi năm thu về 200 triệu đồng - Ảnh 4.

Ông Chà dọn cỏ vườn để ủ vào gốc cây trồng. Ảnh: CTV.

Dù đã có nhiều bước tiến, nhưng gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai đã khiến vợ chồng người cựu chiến binh này không ít lần nản chí. Tuy nhiên, được sự động viên của cán bộ địa phương và đồng đội ông đã quyết định bám trụ với mảnh đất rừng U Minh Hạ.

"Tôi hiểu rằng đây là cơ hội duy nhất để mình thay đổi cuộc sống. Dù khó khăn, nhưng tôi tin rằng nếu mình quyết tâm và cố gắng chinh phục thì đất sẽ không phụ người có lòng. Vợ chồng tôi cứ thể dìu dắt nhau bám trụ, lấy ngắn nuôi dài, chờ ngày thu "quả ngọt"", ông Chà chia sẻ.

Theo ông Chà, trước đó, nơi đây dân cư thưa thớt, điện, đường, trường, trạm chẳng có gì, nên nhiều người đến rồi cũng rời đi. Vài năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, xóm làng trở nên đông vui hơn.

Nể phục người thương binh quyết bám đất rừng làm giàu, mỗi năm thu về 200 triệu đồng - Ảnh 5.

Ít ai nghĩ rằng, từ mảnh đất khó, vợ chồng ông Chà đã chinh phục, tạo ra trái ngọt. Ảnh: CTV.

"Thời gian đầu, vợ chồng tôi hầm than bán kiếm tiền, kết hợp với cải tạo đất trồng chuối. Sau đó, tôi nhận thấy nơi mình sinh sống vốn là vùng đất rừng nên quyết định tiếp tục cải tạo đất và đầu tư trồng cây keo lai. Do đất bị nhiễm phèn nặng nên cần kiên trì và bỏ ra nhiều công sức, thời gian. Cũng nhờ trồng cây keo lai mà cuộc sống gia đình tôi ngày càng ổn định, kinh tế phát triển và đem đến cho gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm", ông Chà bộc bạch.

Giờ đây, với khu đất đã được cải tạo sau nhiều năm, ông Chà trồng rừng, rau màu, trồng tre lấy măng và nuôi thêm các loại cá đồng. Ít ai ngờ rằng, mảnh đất khó ngày nào nay giúp gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Chia tay một thời gian khó

Tiếp chúng tôi bên mâm trà nóng, ông Chà chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Cái Nước. Hoàn cảnh gia đình khó khăn và đông anh chị em. Năm 1985, ông đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự.

Sau 3 tháng quân trường tại tỉnh Sóc Trăng, ông Chà được điều sang chiến trường Campuchia giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. 

Tuy nhiên, thời gian công tác tại chiến trường Campuchia chưa được bao lâu thì ông gặp phải sự cố không mong muốn. Năm 1987, trong một lần đi làm nhiệm vụ, ông Chà vô tình đạp trúng phải bom mìn và bị thương rất nặng.

Nể phục người thương binh quyết bám đất rừng làm giàu, mỗi năm thu về 200 triệu đồng - Ảnh 2.

Ông Chà dùng vỏ lãi để di chuyển ra điểm trồng rừng. Ảnh: CTV.

Ngay sau đó, ông được đồng đội đưa đi cứu chữa kịp thời, nhưng phải mất đi một chân. Trải quan thời điểm khó khăn, tinh thần ông Chà ổn định hơn và rời khỏi chiến trường Campuchia trở về quê hương.

Ông Chà kể: "Thời điểm mới về lại quê tôi tạm gác lại nỗi buồn và tìm kiếm công việc để làm. Do mới đi lính trở về và chỉ còn một chân nên cuộc sống của tôi khi ấy gặp nhiều khó khăn".

Có một thời gian, vì để lo cho cuộc sống, ông phải đi làm nghề giữ hàng đáy ở huyện Cái Nước. Cũng nhờ tính tình hiền lành, chịu khó nên ông nhận được sự thương yêu, đùm bọc của những người dân địa phương. Và may mắn đã mỉm cười với ông Chà khi ông và cô thiếu nữ hàng xóm đã đi đến hôn nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem