Dân Việt

Gần 19.000 hộ dân tỉnh Bình Phước “mắc kẹt” giữa vùng quy hoạch bauxite

Đông Anh 04/10/2024 15:01 GMT+7
Gần 19.000 hộ dân tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đang gặp khó khăn khi bị "mắc kẹt" trong vùng quy hoạch bauxite. Việc tháo gỡ vướng mắc từ quy hoạch là bài toán cấp bách, cần sự vào cuộc của Quốc hội và Chính phủ.

Người dân "mắc kẹt" vì quy hoạch bauxite… "bủa vây"

Thật vậy, ngày 3/10 vừa qua, Đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khóa XV, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước - đã có buổi tiếp xúc cử tri các xã Phú Sơn, Thọ Sơn và Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Quyết định số 866/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 1277/QĐ-TTg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản.

Tỉnh Bình Phước có 90.000 ha đất nằm trong quy hoạch của 2 quyết định trên, thuộc các huyện Bù Đăng, Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Trong đó, huyện Bù Đăng có diện tích quy hoạch gần như toàn huyện.

Gần 19.000 hộ dân tỉnh Bình Phước “mắc kẹt” giữa vùng quy hoạch bauxite - Ảnh 1.

Gần như toàn bộ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nằm trọn trong vùng quy hoạch bauxite, với gần 19.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Ảnh: B.Đ

Theo ông Trần Xuân Hiển, Phó Trưởng phòng tài nguyên và môi trường huyện Bù Đăng, huyện Bù Đăng có 14/16 xã, thị trấn nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến bauxite với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng trên 78.600 ha.

Trong đó, cụm mỏ Thống Nhất có tổng diện tích hơn 36.900 ha; cụm mỏ Thọ Sơn có tổng diện tích gần 17.500 ha; cụm mỏ Sóc Bom Bo có tổng diện tích trên 10.770 ha và cụm mỏ Nghĩa Hòa có tổng diện tích hơn 13.400 ha.

Căn cứ Quyết định số 1277/QĐ-TTg ngày 1/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, huyện Bù Đăng có 6/16 xã, thị trấn nằm trong quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng hơn 5.270 ha.

Khó khăn, vướng mắc hiện nay chủ yếu là do quy hoạch bauxite có phạm vi quá rộng (chưa thể hiện cụ thể vị trí thân quặng khai thác), nên sẽ tác động và ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định, xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; chồng lấn với các quy hoạch khác; gây khó khăn, bất cập trong quản lý, bảo vệ khoáng sản, thậm chí có thể dẫn đến sai phạm do những bất cập không được điều chỉnh, thay đổi phù hợp.

Gần 19.000 hộ dân tỉnh Bình Phước “mắc kẹt” giữa vùng quy hoạch bauxite - Ảnh 2.

Khai thác mỏ bauxite được triển khai ở tỉnh Đắc Nông từ hơn 10 năm nay. Tỉnh Bình Phước liền kề Đắc Nông được cho là rất giàu trữ lượng bauxite. Ảnh: T.L

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, việc quy hoạch mỏ bauxite với diện tích rộng, thời gian lâu dài, nếu chưa đưa vào khai thác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc ổn định đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân trong vùng quy hoạch.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến nhiều dự án, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho dân sinh, phục vụ sản xuất kinh doanh không thể triển khai do vướng quy hoạch bô xít.

Mặt khác, quy hoạch đã gây ra những khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng dân sinh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng như xây dựng nông thôn mới.

Theo Quyết định số 866/QĐ-TTg và Quyết định số 1277/QĐ-TTg, toàn huyện Bù Đăng có 76 đồ án quy hoạch, 424 công trình, dự án bị ảnh hưởng. Trong đó, 22 công trình, dự án đang triển khai dở năm 2023 và 21 công trình, dự án chuẩn bị đầu tư năm 2024. Có khoảng 18.737 hộ dân và 71.579 người bị "mắc kẹt" bởi sự "bủa vây" tứ bề của vùng quy hoạch bauxite.

Nông thôn mới chưa đạt vì… quy hoạch bauxite

Quy hoạch bauxite ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống người dân, cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lưu Minh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho hay, lẽ ra xã Nghĩa Bình đã đạt đủ các tiêu chí để trở thành xã nông thôn mới (NTM). Song, do bị ảnh hưởng quy hoạch bauxite, đến nay, còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa.

Hiện xã có 28 công trình đường bê tông đã được HĐND xã thông qua và người dân đã đóng đối ứng, sẵn sàng chờ triển khai thi công năm 2024. Nhưng đến nay, phải tạm dừng.

Ngoài ra, còn nhiều công trình khác cần đầu tư xây dựng để xã đạt chuẩn NTM năm 2024 như: 5 nhà văn hóa cần đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp; hội trường xã, đường nội ô trung tâm hành chính xã… cũng phải tạm dừng.

Gần 19.000 hộ dân tỉnh Bình Phước “mắc kẹt” giữa vùng quy hoạch bauxite - Ảnh 3.

Trường tiểu học và trung học cơ sở Nghĩa Bình (xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng) đang xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không thể xây mới, vì vướng quy hoạch bauxite. Ảnh: T.L

Xã Nghĩa Bình có 2 trường học là Trường tiểu học và THCS Nghĩa Bình và Trường mầm non Tuổi Hồng. Trong đó, Trường mầm non Tuổi Hồng được đầu tư xây dựng và hoàn thành trước khi có Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ; nên đến nay cô trò có ngôi trường rộng rãi, khang trang, sạch đẹp để yên tâm nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Tuy nhiên, với Trường tiểu học và THCS Nghĩa Bình thì… trớ trêu. Do xây dựng từ lâu, trường xuống cấp nghiêm trọng. UBND huyện Bù Đăng đã có chủ trương xây dựng mới trường Nghĩa Bình trong năm 2024, tuy nhiên việc xây mới Trường tiểu học và THCS Nghĩa Bình cũng buộc phải gác lại, vì đất trường nằm trong quy hoạch bauxite.

Ngoài ra, tuyến đường giao thông nông thôn dài 6,2km, từ thôn Bình Tiến ra xã Nghĩa Bình, thay vì thông tuyến trong năm 2024, thì buộc phải "tạm ngưng", vì đường "dính" quy hoạch bauxite.

Chưa nói, quy hoạch bauxite còn khiến nhà văn hóa thôn Bình Tiến không biết tới bao giờ được xây mới, mặc dù đã có chủ trương và vốn không thiếu.

Gần 19.000 hộ dân tỉnh Bình Phước “mắc kẹt” giữa vùng quy hoạch bauxite - Ảnh 4.

Lãnh đạo huyện Bù Đăng khảo sát trường học xuống cấp, bị vướng quy hoạch bauxite, chưa xây dựng được. Ảnh: T.L

Tương tự, tại xã Đức Liễu, Trường tiểu học Kim Đồng bị xuống cấp trầm trọng nhiều năm nay. UBND huyện Bù Đăng đã chọn vị trí xây dựng mới; tuy nhiên, khi tìm được vị trí đất phù hợp, thì lại vướng quy hoạch bauxite, nên việc xây mới Trường tiểu học Kim Đồng phải gác lại.

Trong khi đó, cơ sở vật chất Trường tiểu học Kim Đồng ngày càng mục nát. Hàng trăm học sinh phải di chuyển xa đến các điểm trường khác học nhờ.

Cần gỡ vướng quy hoạch bauxite

Ông Phan Minh Lâm, Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Bù Đăng cho rằng, do vướng quy hoạch bauxite, nên một số công trình đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội đã bắt buộc phải tạm ngưng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của địa phương và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Bên cạnh đó, trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân, xác nhận giao dịch đất đai cũng bị ảnh hưởng rất trầm trọng.

Gần 19.000 hộ dân tỉnh Bình Phước “mắc kẹt” giữa vùng quy hoạch bauxite - Ảnh 5.

Hàng ngàn hộ dân huyện Bù Đăng hiện "mắc kẹt" giữa vùng quy hoạch bauxite đang cần gỡ vướng. Ảnh: T.L

"Khi vay vốn ngân hàng để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, các ngân hàng hạn chế mức cho vay đối với đất nông nghiệp, cho vay rất thấp đối với đất thổ cư hoặc không vay được với đất không có thổ cư do vướng quy hoạch. Khi biết xã trong vùng quy hoạch bô-xít, các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng "e dè", không muốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương khó có thể thực hiện như chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra" - ông Lâm cho biết.

Hơn bao giờ, nguyện vọng của gần 19.000 hộ dân ở huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung, rất cần sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để sớm "gỡ vướng" quy hoạch bauxite. Qua đó, mới thật sự tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ dân về thủ tục đất đai, đời sống, an sinh. Đồng thời, từ đó mới giúp cho nhiều công trình phục vụ kinh tế, an sinh xã hội thoát cảnh "đóng băng" trong suốt thời gian qua.