Nông thôn mới Bình Phước, làm cách nào để việc phố, việc làng thông suốt, đất vàng dân cũng hiến
Bức tranh nông thôn mới Bình Phước: Dân vận khéo, việc phố, việc làng, "đất vàng" cũng hiến (Bài 1)
Hoàng Hưng
Thứ năm, ngày 05/09/2024 10:46 AM (GMT+7)
Chưa thấy một con số thống kê, tổng kết nào của tỉnh Bình Phước, về phong trào “Dân vận khéo, việc phố, việc làng; đất vàng cũng hiến”. Nhưng, trong 3 năm trở lại đây, xuất hiện quá nhiều các tấm gương điển hình của người dân (chủ yếu là thành phần nông dân) trong phong trào “hiến đất” này.
Bài 1: Hiến "đất vàng" để mở những cung "đường vàng" nông thôn mới
"Hiến đất mở đường, đất mình cũng ra mặt tiền"
Hãy bắt đầu từ câu chuyện của gia đình anh La Văn Sanh (dân tộc Nùng, ngụ ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Từ năm 2021, khi tỉnh Bình Phước đưa ra chủ trương xây dựng một tuyến đường lớn ngang qua khu đất rẫy của gia đình anh Sanh. Đồng thời, lúc đó, tỉnh cũng phát động phong trào "Việc phố, việc làng; đất vàng cũng hiến"; các cán bộ xã, huyện đã vận động anh Sanh hiến đất làm đường.
Từng có thời gian làm ấp trưởng, anh Sanh hiểu rất rõ những lợi ích cho người dân khi mở đường. Không đắn đo, gia đình anh Sanh đã tự nguyện hiến trên 1,4 ha (trị giá 13 tỷ đồng) đất rẫy để mở tuyến đường số 4. Đầu năm 2023, gia đình anh tiếp tục hiến 2.400m2 (trị giá 2 tỷ đồng) để mở rộng tuyến đường liên xã từ xã Tân Hòa đi xã Tân Lợi.
Nông thôn mới Bình Phước: Anh La Văn Sanh, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) bên con đường được mở từ việc hiến 1,4 ha đất của gia đình. Ảnh: T.G
Lòng tốt của gia đình người nông dân này còn ở chỗ: Hiện gia đình anh đang mở đại lý thu mua nông sản, thu lãi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Qua đó, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Hàng năm, anh tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn vay không lãi, hỗ trợ hộ dân thiếu vốn sản xuất từ 200 - 250 triệu đồng.
Tương tự, tại TP. Đồng Xoài, sự lan tỏa của phong trào "Việc phố, việc làng; đất vàng cũng hiến" càng nhân đôi, khi mức độ đô thị hóa của trung tâm hành chính tỉnh ngày một tăng. Hơn bao giờ, TP. Đồng Xoài cần phải mở rộng không gian đô thị, nâng cấp hàng trăm tuyến đường như bây giờ.
Trước sự vận động của chính quyền, nông dân Vương Văn Trọng (trú phường Tiến Thành, TP.Đồng Xoài) đã tự nguyện hiến 3.500m2 đất, phá bỏ 1 căn nhà cấp 4 nằm ở vị trí đắc địa, để bàn giao cho nhà nước xây dựng con đường số 34.
Anh Trọng nói: "Nghe các anh lãnh đạo chính quyền nói rằng, dự án chỉ có đủ kinh phí xây dựng đường thôi, không có kinh phí để bồi thường tiền đất cho dân. Vì vậy, rất mong mỏi người dân hiến đất làm đường. Nếu người dân không hiến đất, thì địa phương rất khó khăn.
Nông dân Nguyễn Hữu Đây (đứng giữa) nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng, sau khi ông hiến đất để mở đường Phan Bội Châu (TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Ảnh: T.G
Tài sản chúng tôi hiến có giá trị lớn, bảo không tiếc thì không đúng. Nhưng tôi nghĩ làm đường mới, ngoài việc phục vụ cộng đồng thì người dân như chúng tôi được hưởng lợi trực tiếp. Nhất là sau khi tuyến đường hoàn thành, đất nhà tôi sẽ ra mặt tiền, giá trị đất sẽ được nâng lên. Vì vậy, sau khi bàn bạc với người thân, chúng tôi đã đi đến thống nhất hiến đất và toàn bộ công trình trên đất".
Ông Nguyễn Hữu Đây (69 tuổi, ngụ phường Tân Bình, TP.Đồng Xoài) cũng hiến hơn 7.000m2 đất, bỏ 3 căn nhà, cùng nhiều vật kiến trúc, cây trồng, với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng, để nhà nước mở tuyến đường Phan Bội Châu. Noi gương ông Đây, 38 hộ dân khác có đất nằm trong quy hoạch tuyến đường đã đồng lòng hiến đất gần 3,8ha. Tổng kinh phí đầu tư tuyến đường khoảng 60 tỷ đồng, thì hơn 3,8ha đất được người dân hiến tặng, trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó, nông dân Nguyễn Hữu Đây hiến đất có giá trị nhiều nhất (20 tỷ đồng).
Ông Đây cho biết: "Tài sản quá lớn, vợ tôi đã mất, nên khi nghe các cán bộ giải thích, tôi cũng xin thời gian suy nghĩ vì còn đắn đo. Tôi gọi hết 5 đứa con, dâu rể, cháu chắt về bàn, giải thích cho chúng nghe. Và cũng may, mọi đứa đồng ý hết, nên quyết định hiến và sớm bàn giao mặt bằng để nhà nước làm đường".
Nông thôn mới Bình Phước: "Dân vận khéo, vì cộng đồng, người dân ủng hộ ngay"
Dự án đường vành đai phía nam TP. Đồng Xoài là dự án trọng điểm của tỉnh Bình Phước. Dự án có quy mô tổng chiều dài 6.029m, lộ giới 32m; nhờ vận động, có 43 thửa đất lớn/188 thửa đất thuộc phường Tiến Thành có tuyến đường đi qua, đã được người dân hiến đất để thực hiện dự án. Tổng diện tích đất người dân hiến làm đường gần 43.000m2, trị giá gần 50 tỷ đồng, tương đương chiều dài tuyến đường khoảng 1,9km.
Dự án xây dựng đường kết nối các khu công nghiệp phía tây - nam TP.Đồng Xoài có chiều dài toàn tuyến 15,4 km; tổng diện tích thu hồi là 37 ha với 428 thửa chịu ảnh hưởng (đất của tổ chức 48 thửa, đất của hộ gia đình, cá nhân 380 thửa). Trong đó, chủ trương vận động hiến 286 thửa, không vận động 94 thửa. Hiện có 128 thửa người dân đã nhất trí hiến với diện tích 16,7 ha, đã giải phóng mặt bằng được 68 thửa.
Tương tự, tại dự án đường Đồng Tiến - Tân Phú có chiều dài toàn tuyến 11,8 km; tổng diện tích đất thu hồi là 31,1 ha, với 448 thửa chịu ảnh hưởng. Từ chủ trương vận động hiến đất làm đường, người dân đã hiến 338 thửa. Đến nay đã có 216 thửa, với diện tích 11,5 ha, đã giải phóng mặt bằng được 5,6 km.
Ông Nguyễn Minh Bình - Chủ tịch UBND TP.Đồng Xoài - cho biết: "Để người dân đồng thuận với chủ trương hiến đất làm đường, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động, công khai đồ án quy hoạch, cắm mốc ngoài thực địa… Cụ thể: vị trí tuyến đường, đất hiến, đất tiếp giáp đường để người dân thấy rõ lợi ích được hưởng.
Từ khi phong trào "Dân vận khéo, việc phố, việc làng, đất vàng cũng hiến" lan tỏa, đa số hộ bị ảnh hưởng trên các tuyến đường đồng ý hiến đất để giao thông kết nối, phát triển kinh tế và đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và người dân. Qua đó cho thấy, cán bộ "dân vận" khéo, thì "đất vàng" người dân cũng hiến".
Hiện TP. Đồng Xoài đã vận động người dân hiến đất 45,2 ha đất, tương đương khoảng 542,5 tỷ đồng (bình quân 1 ha phải bồi thường, hỗ trợ khoảng 12 tỷ đồng) để làm những công trình dự án (chủ yếu là các tuyến giao thông huyết mạch mà người dân ví von là những cung "đường vàng"). Tính đến nay, ít nhất đã có 21 cung "đường vàng" trong nội ô TP.Đồng Xoài đã được hình thành từ chủ trương trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.