Đường làng, lối phố, nhà dân, công sở ở Bình Phước ngày càng khang trang, sạch đẹp nhờ điều này
Bức tranh nông thôn mới Bình Phước: Đường làng, lối phố, nhà dân ngày càng khang trang, sạch đẹp (Bài 2)
Hoàng Hưng
Thứ sáu, ngày 06/09/2024 05:45 AM (GMT+7)
Chủ trương “Dân vận khéo, việc phố, việc làng; đất vàng cũng hiến” tiếp tục lan tỏa về những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh nhất của tỉnh Bình Phước khiến đường làng, lối phố, công sở, nhà cộng đồng, nhà dân ngày càng khang trang, sạch đẹp. Điều này có được là do dân hiến “đất vàng” để nhà nước mở đường....
Nhà văn hóa, khu di tích nhờ "đất vàng" người dân hiến tặng
Xuất phát từ mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm 2023. Trong đó, việc phải có được một nhà văn hóa cho thôn Phú Tâm đã khiến lãnh đạo xã Phú Trung, huyện Phú Riềng phải trăn trỡ mãi.
Khó khăn nhất là không biết tìm đâu ra đất để đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn Phú Tâm. Cái khó không bó được cái khôn, lãnh đạo xã Phú Trung đã bỏ công "dân vận", thuyết phục ông Nguyễn Quốc Tứ - hộ dân sinh sống tại thôn Phú Tâm, có quỹ đất lớn.
Sau một tháng tuyên truyền, ông Tứ đã vui vẻ hiến tặng hơn 2.000 m2 đất cho nhà nước làm nhà văn hóa thôn Phú Tâm. Đồng thời, nhờ miếng đất hiến tặng trên, tuyến đường giao thông nông thôn ngang qua nhà văn hóa cũng được mở rộng khang trang.
Chưa kể, trong tổng vốn xây dựng nhà văn hóa thôn Phú Tâm là 1,2 tỷ đồng, thì người dân thông Phú Tâm đã góp hơn 360 triệu đồng (30%), còn lại do nhà nước hỗ trợ.
Song song với việc hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn Phú Tâm, thì 175 hộ dân xã Phú Trung còn hiến 11 ha đất, cùng nhiều hoa màu, nhà cửa để góp phần mở rộng con đường giao thông nông thôn từ xã Phú Trung sang xã Phước Tân từ 3m lên 6m. Con đường này dài 12,5 km, rộng 20m, tráng nhựa rộng 6m.
Tương tự, tuyến đường ĐT 759 ngang qua khu di tích vườn cây lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định và nhà tù Bà Rá (thuộc phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) cũng được người dân hiến đất.
Bà Nguyễn Thị Be (trú phường Long Phước, thị xã Phước Long) cho biết: "Đất đai men theo tuyến đường này, lâu nay rất có giá, thuộc "đất vàng" của thị xã. Nếu không hiến đất mở đường thì khu di tích khó trở thành điểm đến để mọi người tham quan. Vì vậy, qua tuyên truyền của chính quyền, người dân đã đồng ý hiến đất làm đường vào khu di tích".
Hơn 20 hộ dân đã chấp nhận, mỗi hộ dân hiến đất từ vài trăm đến vài ngàn mét vuông đất để mở đường. Trong số đó, gia đình ông Vũ Tường Linh Khánh (trú khu phố 8, phường Long Phước) đã hiến diện tích đất nhiều nhất - hơn 6.000m2 đất vườn cây ăn trái, giá trị gần 1 tỷ đồng.
Không có "đất vàng" người dân hiến, khó có giao thông nông thôn
Ông Nguyễn Việt Hoàng - phó Chủ tịch UBND thị xã Phước Long cho rằng: " Chính quyền rất khó hoàn thành chỉ tiêu về đường giao thông nông thôn, trong công tác xây dựng nông thôn mới, nếu không có sự đóng góp về đất đai của người dân".
Ông Hoàng cho biết, thị xã Phước Long đã và đang đầu tư xây dựng 7 công trình giao thông, với hơn 28,2km, vốn đầu tư hơn 305 tỷ đồng.
Thực hiện được các công trình trên, chính quyền phải thu hồi đất của 870 tổ chức và hộ dân, với tổng diện tích hơn 430.000 m2 đất.
Thế là cán bộ từ cấp thị xã xuống đến các xã, phường đã xuống "dân vận" từng hộ dân. Kết quả đến nay, đã có 606/870 hộ dân - tổ chức tự nguyện hiến đất, với tổng diện tích đất đã giải phóng mặt bằng hơn 378.000 m2, trị giá hơn 45,3 tỷ đồng.
Xa hơn, tận 2 xã vùng sâu Phú Trung và Phước Tân (huyện Phú Riềng), có không ít hộ nông dân cũng hiến đất làm đường giao thông nông thôn vô tận các thôn, ấp.
Điển hình như nâng cấp, mở rộng tuyến 753B, nhiều hộ dân tự nguyện hiến hơn 13.000 m2 đất, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Hay như tuyến đường Phú Riềng - Phước Tân, diện tích đất người dân tự nguyện hiến trên 421.600 m2, trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Ngoài ra, ở huyện Phú Riềng, còn có 24 tuyến đường bê tông xi măng, bê tông nhựa trên địa bàn các thôn, chiều dài 14,9km. Trong đó, chính quyền đã vận động người dân hiến trên 240.600 m2, trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng…
Theo ông Bùi Văn Hiếu - phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng: "Huyện Phú Riềng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung, trong các thành tựu về xây dựng nông thôn mới, không thể không có chỉ tiêu về đường giao thông nông thôn.
Không ai khác, chính những người dân đã hiến đất để góp phần làm nên những con đường giao thông nông thôn. Không có "đất vàng" người dân hiến, khó có những con đường giao thông nông thôn".
Năm 2023, xã Bình Sơn - một xã vùng sâu của huyện Phú Riềng, được đầu tư nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Thí dụ: Tuyến giao thông nông thôn vào thôn Bình Minh được đầu tư xây dựng, thảm nhựa rộng 20m, dài 3,5km, là tuyến đường huyết mạch kết nối xã Bình Sơn với xã Long Hưng.
Trong đó, đoạn kết nối giữa 2 xã dài 500m, rộng 20m, tổng diện tích 1 ha đã được 5 hộ nông dân hiến đất làm đường. Ngoài ra, tuyến đường Bình Sơn - Long Hưng trước đây chỉ rộng 5m; năm 2023, được người dân hiến đất hai bên lề để mở rộng 20m.
Theo Ban Quản lý dự án xây dựng huyện Phú Riềng, từ năm 2018 đến nay, để thực hiện 14 dự án xây dựng, mở rộng, nâng cấp đường giao thông, với tổng hơn 120km, đã có 2.687 thửa đất của người dân bị ảnh hưởng. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền, người dân đã tự nguyện hiến 151,8 ha đất, tổng trị giá trên 151,8 tỷ đồng.
Tương tự, ở huyện Đồng Phú, dự án nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn nối kết xã Tân Hòa và xã Tân Lợi. Dự án có 729 thửa đất, với diện tích 19,3 ha bắt buộc phải thu hồi. Riêng xã Tân Hòa có 385 thửa của 250 hộ bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, hầu hết người dân đều đồng lòng hiến đất để nhà nước mở đường.
Hộ ông Nguyễn Văn Hải là một trong những hộ dân điển hình trong phong trào hiến đất làm đường của xã Tân Hòa. Năm 2021, khi được chính quyền xã thông báo về việc triển khai xây dựng tuyến số 2, gia đình anh Hải đã tự nguyện hiến gần 1 ha đất và hơn 515 cây cao su đang thu hoạch để làm đường.
Hộ bà Nội Thị Uyên cũng không thua kém, khi hiến gần 5.000 m2 và cắt bỏ toàn bộ cây trồng trên đất để bàn giao mặt bằng xây dựng đường giao thông nông thôn…
Không riêng gia đình anh Hải, bà Uyên, rất nhiều hộ dân khác cũng sẵn sàng chặt cây, hiến đất, phá bỏ công trình để mở đường. Nhờ đó, hôm nay, trên những mảnh đất người dân hiến tặng (khoảng 25 ha), là 5 tuyến đường, với chiều dài từ 4 - 8 km, chiều rộng từ 43 -62m, tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.