Dân Việt

Dân một làng ở Vĩnh Phúc ngồi nhà làm bánh quê mà "nhận lương", có thứ bánh đặc sản tên nghe lạ lắm

Nguyễn Hường 07/10/2024 05:33 GMT+7
Cùng với việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, các nghề truyền thống như làm bún, bánh cuốn, bánh ngõa đang được chính quyền và người dân xã Lũng Hòa (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) duy trì và phát triển, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Cơ sở làm bánh cuốn của ông Đào Văn Hiển, thôn Hòa Loan hiện cung ứng ra thị trường gần 7 tạ bánh cuốn mỗi ngày. 

Là nghề truyền thống của địa phương, song để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, trong những năm qua, ông Hiển không ngừng đúc rút kinh nghiệm trong kỹ thuật làm bánh, đồng thời đầu tư hơn 100 triệu đồng mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm bánh chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với sự khéo léo, nghiêm túc và chỉn chu với nghề, quy mô sản xuất bánh của gia đình ông Hiển không ngừng được mở rộng. Dù chỉ sản xuất trong nửa ngày, song nghề làm bánh cuốn mang lại cho gia đình ông Hiển khoản thu nhập khoảng 600 - 700 nghìn đồng/buổi.

Cùng với đó, cơ sở làm bánh cuốn của ông Hiển duy trì, tạo việc làm cho gần 10 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng (chỉ làm trong buổi sáng).

Cũng lựa chọn nghề truyền thống của địa phương, song gia đình ông Đường Văn Tuân, thôn Lũng Ngoại lấy bánh ngõa là sản phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Được biết, bánh ngõa vốn là món bánh truyền thống thường xuất hiện trong những ngày lễ, Tết của người dân xã Lũng Hòa. 

Năm 2022, sau khi sản phẩm bánh ngõa của ông Tuân vinh dự giành Huy chương Bạc tại Hội thi bánh dân gian trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX - Cần Thơ năm 2022, ông Tuân bắt đầu manh nha ý định đưa bánh ngõa ra thị trường với mong muốn ngày càng nhiều người biết đến món bánh đặc trưng của địa phương.img

 Bánh Ngõa là đặc sản lâu đời của người dân làng Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng.

Dù sản phẩm bánh ngõa Lũng Hòa hiện chưa thực sự phổ biến và mới chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng, nhưng công việc này đã và đang giúp gia đình ông Hiển có thêm một khoản thu nhập đáng kể.

Cùng với số lượng đơn hàng ngày càng tăng, nhiều hộ trong xã cũng đang mạnh dạn làm theo, thúc đẩy việc đưa sản phẩm bánh ngõa truyền thống của Lũng Hòa ra thị trường.

Trong xã hiện có 29 hộ sản xuất bún, bánh cuốn và gần 10 hộ làm bánh ngõa. Năm 2021, nghề làm bún, bánh cuốn thôn Hòa Loan được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Hòa chia sẻ: “Sự phát triển của các nghề truyền thống như làm bún, bánh cuốn, bánh ngõa đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương”.

Chỉ tính riêng nghề làm bún, bánh cuốn thôn Hòa Loan đang giải quyết việc làm cho gần 150 lao động trực tiếp sản xuất và hàng trăm người đi bán hàng với thu nhập từ 5 -10 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đó, sự phát triển của các nghề truyền thống đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương theo hướng tích cực; đưa giá trị thu từ thương mại - dịch vụ của xã trong 6 tháng đầu năm 2024 lên gần 274 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm.

Tuy vậy, cùng với những lợi ích kinh tế, sự phát triển của các nghề truyền thống ở Lũng Hòa hôm nay cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó hằng năm, UBND xã Lũng Hòa đều yêu cầu các hộ sản xuất ký cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. 

Ngoài các kế hoạch kiểm tra của huyện, xã trong các đợt cao điểm, xã phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Chia sẻ về định hướng phát triển các nghề truyền thống của địa phương, ông Nguyễn Văn Hải cho biết: “Xã sẽ tiếp tục rà soát, tạo điều kiện cho các hộ đủ điều kiện sản xuất tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, các chương trình khuyến công, chương trình OCOP nhằm xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá sản phẩm.

Ngoài ra, để khai thác tốt hơn nữa lợi thế nghề truyền thống góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xã dự kiến đưa vào quy hoạch khu làng nghề bún, bánh cuốn truyền thống với diện tích khoảng 1ha.

Đồng thời, xã đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét công nhận nghề làm bánh ngõa là nghề truyền thống với mong muốn đưa nghề truyền thống này tiếp tục phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương”.