Vùng đất cổ ở Vĩnh Phúc có 3 làng Cánh, 9 giếng cổ nước không bao giờ cạn, nay dân vẫn múc lên dùng

Thứ năm, ngày 09/03/2023 15:34 PM (GMT+7)
3 làng Cánh xưa (Hương Canh, Tiên Canh, Ngọc Canh), nay là thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) có 9 giếng cổ. Mặc dù có nhiều đổi thay trong lịch sử cũng như cuộc sống hằng ngày, những giếng cổ này vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.
Bình luận 0

Hiện nay, các giếng cổ ở 2 làng Cánh xưa được nhân dân địa phương trùng tu, tôn tạo nhằm gìn giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống của làng quê Bắc Bộ xưa.

Sáng 27/2/2023, tức ngày 8/2 năm Quý Mão, chúng tôi được đồng chí Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố (TDP) Đông Mướp, thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) mời dự lễ khánh thành trùng tu giếng Mướp. 

Đây là giếng cổ cuối cùng trong số 3 giếng cổ nằm trên địa bàn TDP được trùng tu, tôn tạo. Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương.

Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng TDP Nguyễn Văn Bình đã phát biểu giới thiệu về lịch sử, giá trị về kiến trúc, văn hóa của giếng cổ, về sự cần thiết phải khôi phục, tôn tạo và giữ gìn giếng cổ cho thế hệ sau. Đối với người dân Hương Canh, giếng cổ hiển hiện như một công trình văn hóa, tâm linh, trường tồn theo năm tháng.

Giếng Mướp có hình dạng tương đồng với các giếng khác ở Hương Canh. Nhân dân thôn Đông Mướp đã đóng góp tiền của, công sức để phục dựng lại giếng cổ gồm phần tang giếng và bia ghi tên giếng, ngày tháng trùng tu, tôn tạo.

Theo các tài liệu ghi chép, 3 làng Cánh xưa có 9 giếng cổ: Giếng Treo, giếng Gợ, giếng Chùa, giếng Hạ, giếng Dộc, giếng Mướp, giếng Trong, giếng Giữa và giếng Nội. Các giếng cổ ở Hương Canh không ghi niên đại xây dựng, tuy nhiên, dựa vào kiểu dáng kiến trúc và kỹ thuật chế tác, có thể đoán định những giếng này được làm vào thế kỷ XVIII.

Tương truyền, giếng cổ được khơi lên từ lúc ngôi làng Cánh mới khởi lập do 12 nhà tụ cư đầu tiên của làng hưng công tạo dựng. Các cụ tìm bãi đất bằng, ẩm, quanh năm cỏ mọc xanh rì, ban đêm úp vài cái bát lớn, sáng ra lật lên thấy bát nào có nhiều nước đọng lại thì cắm mốc làm nơi động thổ. 

Việc đào giếng không chỉ dùng sức mà đòi hỏi phải có tri thức và kinh nghiệm. Để chống lún và tránh cát đùn, các cụ lót một lớp cát dày, một lớp sỏi cuội nhỏ rồi lát 12 phiến gỗ dưới đáy giếng.

Vùng đất cổ ở Vĩnh Phúc có 3 làng Cánh, 9 giếng cổ nước không bao giờ cạn, nay dân vẫn múc lên dùng - Ảnh 2.

Phiến đá cổ trước đây dùng làm tang giếng cổ được người dân tổ dân phố Đông Mướp, thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) giữ lại sau khi trùng tu, tôn tạo giếng Mướp.

Để chống trôi trượt, các cụ chọn những hòn đá hình bầu dục đem về xếp xung quanh làm thành giếng. Đá được xếp thành từng lớp, cứ hết một lớp đá lại rải một lớp sợi dây guột và dây bòng bong già; đồng thời, chèn vào khe hở những hòn đá cuội nhỏ, nhồi chặt bằng đất sét vàng. 

Cứ thế, đá được xếp ngay ngắn, chắc chắn từ đáy trở lên tang giếng, qua bao năm tháng không hề xói lở. Tang giếng hình lục giác gồm 6 phiến đá vân xanh có cùng kích thước lắp ghép với nhau bởi mộng đuôi cá.

Nước giếng cổ ở Hương Canh rất trong và mát, khi uống có vị ngọt dịu tự nhiên. Đến nay, các cụ cao niên vẫn thường lấy nước giếng để pha trà, khi uống trà rất ngon và thanh mát. Trước đây, người dân Hương Canh có tục nạo giếng vào cuối năm để hút bùn, cải tạo giếng.

Vào đêm giao thừa, người dân ra giếng lấy nước uống để mong cầu một năm mới may mắn, bình an. Mỗi giếng cổ ở làng thường gắn với một am hoặc điếm thờ, người dân đến đây thắp hương vào mỗi dịp lễ, Tết.

Từ bao đời nay, gia đình cụ Nguyễn Thị Khánh (93 tuổi) ở TDP Lang Bầu (nhà ở cạnh giếng Gợ) vẫn dùng nước giếng cổ để nấu ăn và sinh hoạt. Cụ Khánh cho biết, nước giếng Gợ ngọt và mát, khi uống vào có cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Đặc biệt, giếng chưa bao giờ cạn nước.

Giếng đã được trùng tu, tôn tạo từ tháng 12/2021. Từ đáy giếng lên đến tang giếng được giữ nguyên bản. Phần tang giếng hình bát giác được ghép lại từ 8 phiến đá. Gần mặt giếng có thiết kế tấm chắn bằng thép để đảm bảo an toàn. 

Sân giếng cũng được lát gạch dày kiên cố, có độ dốc lớn để nước thải chảy theo rãnh. Xung quanh khuôn viên giếng cổ có những bức tranh phong cảnh làng quê, có bồn hoa và cây xanh tỏa bóng mát.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) Vũ Thị Thúy Hằng cho biết: "Những chiếc giếng cổ có ý nghĩa lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương. Giếng cổ không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn chứa đựng giá trị văn hóa dân gian sâu đậm, trường tồn theo thời gian.

Hiện nay, nhân dân địa phương đã trùng tu, tôn tạo được 7/9 giếng cổ trên địa bàn. Thời gian tới, địa phương sẽ kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc xếp hạng di tích đối với các giếng cổ làm cơ sở để nhân dân địa phương tiếp tục gìn giữ, bảo tồn giếng cổ cho muôn đời sau".


Bạch Nga (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem