Ba ngôi đình cổ ở Hương Canh của Vĩnh Phúc thờ 6 vị thành hoàng gồm hai ông vua họ Ngô, một bà Thái hậu

Diệu Linh Thứ hai, ngày 10/04/2023 05:18 AM (GMT+7)
Cụm đình Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là những ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc bộ, được xây dựng vào thời Hậu Lê...Cả 3 ngôi đình đều thờ 6 vị Thành hoàng làng, trong đó có vua Ngô Xương Ngập, vua Ngô Xương Văn, bà Linh Quang Thái hậu...
Bình luận 0

Cụm đình Hương Canh không chỉ được biết đến là biểu trưng của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc gỗ vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ, mà còn là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cư dân làm nông nghiệp và gốm thủ công. 

Nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật này, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh, huyện Bình Xuyên giai đoàn 2023-2025, định hướng đến 2030”.

Ba ngôi đình cổ ở Hương Canh của Vĩnh Phúc thờ 6 vị thành hoàng gồm hai ông vua họ Ngô, một bà Thái hậu - Ảnh 1.

 Sau nhiều lần được bảo tồn và trùng tu, đình Tiên Canh, một trong ba ngôi đình cổ cụm đình Hương Canh, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn giữ nguyên được nét ban đầu. Ảnh: Kim Ly

Cụm đình Hương Canh (còn gọi là cụm đình Tam Canh) là 3 ngôi đình cổ của 3 làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh (Tiên Hường), thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên ngày nay.

Đây là những ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc bộ, được xây dựng vào thời Hậu Lê, khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Cả 3 ngôi đình đều thờ 6 vị Thành hoàng làng là vua Ngô Xương Ngập, vua Ngô Xương Văn, tướng Đỗ Cảnh Thạc cùng 3 vị thánh mẫu là Linh Quang Thái hậu, Khả/A Lã Nương Nương và Thị Tùng Phu Nhân.

Trải qua thăng trầm của thời gian, cả 3 ngôi đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng và được Nhà nước quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo. Đình Hương Canh, rồi Ngọc Canh và Tiên Canh đã được tu sửa để trả lại vẻ nghiêm trang ban đầu.

Đình Hương Canh trải qua nhiều lần trùng tu, vào năm 1888; năm 1925-1928 được nâng cao lên 1,5 m để chống lụt và sửa tòa Tiền đường thành Phương đình; từ năm 2007-2010, đình được cải tạo và phục dựng lại tòa hậu cung và xây mới nghi môn.

Đình Ngọc Canh được trùng tu và mở rộng khuôn viên vào năm 2011. Đình Tiên Canh được trùng tu toàn bộ vào năm 2014 và tiếp tục giai đoạn 2 sẽ được xây lại tường bao quanh khu vực đình, cổng, cửa và sân đình, dự kiến thực hiện trong năm 2023.

Trong chiến tranh, đình là nơi chứa lương thực, hội họp thì ngày nay, đình trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội cùng các trò diễn dân gian địa phương. Hằng năm, tại cụm đình Hương Canh, người dân trong vùng thường tổ chức lễ hội vào dịp đầu Xuân để tưởng nhớ công đức to lớn của các Thành hoàng làng.

Trưởng Ban quản lý di tích đình Tiên Canh Nguyễn Hữu Đảng cho biết: “Việc đình làng được quan tâm trùng tu, không những giữ được nét đẹp cổ xưa mà còn nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Cùng với đó, đình làng còn góp phần gìn giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, lề thói, nghệ thuật dân gian kiến trúc, dân ca, trò chơi dân gian… phục vụ cộng đồng”.

Nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh, huyện Bình Xuyên giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030”, giao Sở VH-TT&DL phối hợp UBND huyện Bình Xuyên, thị trấn Hương Canh trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tiến hành kiểm kê di tích và di sản văn hóa phi vật thể có liên quan tại di tích cụm đình Hương Canh.

Lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cụm đình Hương Canh; cắm mốc giới, khoanh vùng bảo vệ, đặt biển chỉ dẫn, giới thiệu các di tích trong cụm đình Hương Canh; hỗ trợ kinh phí tu sửa cấp thiết, sửa chữa, bảo quản định kỳ, chống xuống cấp các di tích trong cụm đình, bảo quản hiện vật, đồ thờ trong các di tích.

Hằng năm, trên cơ sở hồ sơ di tích, tiếp tục khảo sát điền dã, sưu tầm, ghi chép, ghi âm, ghi hình, lưu trữ những lời kể, các tài liệu về di tích có liên quan đến di tích cụm đình Hương Canh; bổ sung, xây dựng hệ thống dữ liệu về di tích hoặc có liên quan đến di tích cụm đình Hương Canh; số hóa dữ liệu, hiện vật về di tích…

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về di tích quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh và các di sản văn hóa có liên quan, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng cách biên soạn lời giới thiệu di tích, dựng bảng/gắn biển giới thiệu di tích; xuất bản tờ gấp tuyên truyền, quảng bá di tích quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh và các di sản văn hóa có liên quan; xuất bản sách “Di tích quốc gia đặc biệt cụm đình Hương Canh” và sách “Di sản văn hóa phi vật thể Kéo song Hương Canh”… Hằng năm, tiếp tục tổ chức lễ hội đình Hương Canh gắn với trò chơi kéo song.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem