Trước thềm chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam với điểm nhấn là hoạt động bình chọn và tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024, phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi với bà Trần Thị Oanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Oanh cho rằng, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam được Trung ương Hội Nông dân tổ chức 12 năm qua. Thông qua chương trình đã bình xét và tôn vinh những nông dân tiêu biểu làm chủ các mô hình điểm để Hội Nông dân các tỉnh, các cấp nhân rộng.
"Thông qua các mô hình làm giàu tiêu biểu của các Nông dân Việt Nam xuất sắc hàng năm, Hội Nông dân các tỉnh sẽ xem xét để làm cầu nối nhân rộng ra toàn tỉnh. Từ đó, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân học hỏi phát triển kinh tế, làm giàu từ mô hình điểm.
Tại Lâm Đồng, những gương Nông dân Việt Nam xuất sắc và hợp tác xã tiêu biểu hàng năm đều rất năng nổ, hăng hái trong việc xây dựng hoạt động Hội và phong trào nông dân. Họ giống như những "đầu tàu" để phát triển kinh tế và thực hiện các phong trào của Hội Nông dân các cấp", bà Oanh nhận định.
Ngoài ra, trước thềm Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX do Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ NNPTNT chủ trì, bà Trần Thị Oanh cũng thay mặt nông dân Lâm Đồng kiến nghị, đề xuất một số vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bà Oanh cho biết, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần kiến nghị việc cung cấp trứng, tằm giống cho người dân. Hàng chục năm qua, trồng dâu, nuôi tằm tại Lâm Đồng đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, trứng và tằm giống của nước ta vẫn phụ thuộc, nhập khẩu không chính ngạch từ Trung Quốc. Vì vậy, thông qua diễn đàn, người dân tại Lâm Đồng cũng mong muốn Bộ NNPTNT, Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ, triển khai nhập khẩu chính ngạch trứng tằm giống chất lượng để người dân yên tâm sản xuất.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận, đề xuất hàng chục kiến nghị khác của người dân trên địa bàn tỉnh về vốn tái canh cà phê già cỗi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên; Giải pháp để giảm giá thành phân bón, không còn tình trạng sản xuất, phân phối phân bón giả, kém chất lượng; Giải pháp hỗ trợ nông dân tìm đầu ra và ổn định, xuất khẩu trái cây sầu riêng, bơ, thanh long…
Trong khi đó, ông Hồ Gấm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông cho rằng, Đắk Nông có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các loại trái cây, rau củ quả có chất lượng cao, có thể tạo ra sản lượng lớn nhưng hiện nay không có doanh nghiệp lớn trên địa bàn thu mua, sơ chế, chế biến, chế biến sâu ra sản phẩm tiêu dùng, lưu trữ (kho lạnh).
Chính vì vậy, các loại nông sản này rất khó tổ chức sản xuất, giá cả bấp bênh, nông dân dễ bị thiệt hại. Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đề nghị trung ương có cơ chế thu hút các doanh nghiệp lớn đến Đắk Nông để tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.
"Qua nhiều năm triển khai Nghị định 55 và 116 về Chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nhưng kết quả thực hiện ở Đắk Nông đối với nông dân còn rất hạn chế, do các quy định của phía ngân hàng làm nông dân khó tiếp cận.
Đa số nông dân có đất nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó làm tài sản đảm bảo với ngân hàng; hoặc có chứng nhận nhưng đã thế chấp vay phục vụ việc khác (như làm nhà ở, đầu tư cho con đi học, mua thiết bị sản xuất...) nên không vay được. Đề nghị nên mở rộng quy mô vốn vay, mở rộng quy định sang hoàn toàn tín chấp thông qua tổ chức Hội Nông dân", ông Hồ Gấm cho hay.