Dân Việt

Làng trồng cau nhiều nhất Nam Định: Giá cau tươi tăng chóng mặt, dân trúng lớn, nhà nào cũng vui (bài 1)

Mai Chiến 09/10/2024 15:30 GMT+7
Hải Đường là xã trồng cây cau với diện tích, số lượng lớn nhất tỉnh Nam Định. Đây là cây làm giàu ở xã này. Năm nay, ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá cau tươi đã tăng chóng mặt. Người trồng cau ở xã Hải Đường, huyện Hải Hậu liên tục trúng lớn, cả làng vui như Tết đến nơi.

Giá cau tươi tăng chóng mặt

Ở xã Hải Đường, hầu như gia đình nào cũng trồng cau, nhà trồng ít thì vài chục cây, nhà trồng nhiều thì lên đến cả nghìn cây. 

Người dân tận dụng triệt để khoảng đất trống để trồng cau, họ trồng từ đầu ngõ cho đến sau nhà. Vì lẽ đó, mà xã Hải Đường được coi là "thủ phủ" cau ở Nam Định nói riêng, miền Bắc nói chung.

Giá cau tươi tăng chóng mặt, dân trúng lớn, ai nấy đều vui như Tết  - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Nhưỡng (xóm 6, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) trồng gần 1.000 cây cau, hiện đang cho thu hoạch. Ảnh: Mai Chiến.

Theo người dân, việc trồng cau mang lại 2 lợi ích. Một là, tạo cảnh quan môi trường, không gian xanh nơi làng quê; hai là tạo ra nguồn thu rất lớn cho người dân, trồng 1 lần rồi cho thu mãi, không cần chăm sóc nhiều.

Gần 1 tháng nay, những vườn cau cao chót vót ở xã Hải Đường bắt đầu cho thu hoạch trái, bởi thế dịp này về "vựa" cau lớn nhất tỉnh Nam Định không khó bắt gặp cảnh các thương lái đi "săn lùng" từng ngõ ngách, vào từng nhà trồng cau để đàm phám giá, thu mua quả.

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Phạm Văn Nhưỡng (xóm 6, xã Hải Đường) những ngày qua tất bật hẳn lên, thương lái rầm rập vào nhà hỏi mua cau tươi. Điện thoại của ông đổ chuông liên tục, đầu dây bên kia là những khách hàng hỏi mua quả cau tươi, cây giống.

Nhiều năm nay, gia đình ông Nhưỡng duy trì ổn định khoảng 1.000 cây cau đang cho thu hoạch. Nói không ngoa, gia đình ông sở hữu vườn cau có số lượng cây lớn nhất nhì ở làng Hoành Đồn, xã Hải Đường. Trong số đó, có hàng trăm cây tuổi đời gần 40 năm, song vẫn đơm hoa, kết trái, buồng sai trĩu quả.

Giá cau tươi tăng chóng mặt, dân trúng lớn, ai nấy đều vui như Tết  - Ảnh 2.

Ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá cau tươi đã ở mức cao ngất ngưởng, trên 80.000 đồng/kg. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Nhưỡng cho hay, sản lượng và giá bán cau tươi năm nay cao hơn nhiều so với cùng kì năm ngoái. Ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá cau tươi đã tăng chóng mặt, hiện đang ở mức cao, đang dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, tùy vào từng buồng, mẫu mã quả.

"Giá cau năm nay tăng phi mã, nên ai cũng vui, phấn khởi. Dự kiến giá cau tươi sẽ tiếp tục còn lên nữa, vì nguồn cau tươi hiện không đáp ứng đủ nguồn cung cho các lò sấy cau ở địa phương", ông Nhưỡng chia sẻ.

Theo ông Nhưỡng, giống cau mà gia đình ông đang canh tác gọi là cau mùa, đây là giống cau chịu gió bão tốt, cây khỏe; buồng sai quả, mã xanh đen, vỏ mềm, vị ngọt và quả nhiều tua tóc.

Cau mùa cho thu hoạch từ giữa tháng 8 và kết thúc vào cuối tháng 12 âm lịch. Trung bình, mỗi cây cau cho thu hoạch 3 - 5 buồng cau, sản lượng trên 10kg quả/cây/năm.

Toàn xã có hơn 100 ha trồng cau

Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết, hiện tại mùa cau ở địa phương đang vào kỳ thu hoạch, không khí thu hái, mua bán nhộn nhịp khắp các vườn cau.

Giá cau tươi tăng chóng mặt, dân trúng lớn, ai nấy đều vui như Tết  - Ảnh 3.

Nhiều lò sấy ở xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) thuê công nhân về bẻ cau, phân loại. Ảnh: Mai Chiến.

Qua khảo sát, ngay từ đầu vụ thu hoạch, giá cau tươi đã ở mức cao, hiện trên 80.000 đồng/kg. Nếu so với cùng kì năm ngoái, năm nay giá cau tươi cao hơn nhiều, nên người trồng cau trên địa bàn xã rất phấn khởi.

"Với mức giá như thế này, người trồng cau ở địa phương đã có lãi", ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Đường nhấn mạnh.

Ông Chiến thông tin thêm, toàn xã Hải Đường có trên 100 ha trồng cau, được trồng ở hầu hết các xóm. Trong đó, diện tích trồng cau nhiều nhất tập trung ở xóm 5 và xóm 6.

Trước đây, ở Hải Dường trồng cau với quy mô ít, chủ yếu để ăn và bán cho thương lái đưa đi thiêu thụ các tỉnh, thành lân cận, phục vụ lễ hội, cưới xin... Nhờ chất lượng cau ngọt, mềm, ít địa phương nào trồng được nên quả cau ở Hải Đường được thương lái tìm mua rất nhiều.

Giá cau tươi tăng chóng mặt, dân trúng lớn, ai nấy đều vui như Tết  - Ảnh 4.

Cau được người dân xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) tận dụng trồng ở ven đường, ven sông... Ảnh: Mai Chiến.

Khoảng 20 năm trở lại đây thì nghề trồng cau thương mại ở Hải Đường phát triển mạnh mẽ, diện tích trồng cau tăng lên trông thấy, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình.

Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư lò sấy cau, sau đó bán cau khô cho thương lái Trung Quốc. Đến thời điểm hiện tại, cả xã Hải Đường có trên 20 lò sấy cau tươi, với công suất khoảng 10 tấn/lò/mẻ, một số lò đã áp dụng công nghệ sấy hơi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề trồng cau và chế biến cau xuất khẩu ở Hải Đường đang trên đà phát triển nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn. Hiện đầu ra cho cau sấy vẫn lệ thuộc lớn vào thương lái nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc), dẫn đến thị trường và giá bấp bênh, dễ bị ép giá.

"Giá cau tươi ở Hải Đường cũng bị biến động theo từng năm, có năm thì giá bán rất cao, nhưng có năm thì giá tụt đáy, chỉ còn dưới 20.000 đồng/kg cau tươi", ông Chiến thổ lộ.