Huy động toàn bộ lực lượng khuyến nông vào cuộc
Báo điện tử Dân Việt vừa đăng tải loạt bài: Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử phản ánh tình trạng các địa phương, nông dân tại các vùng vừa bị thiên tai đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang vào cuộc như thế nào để giúp người dân khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất?
-Chúng tôi đã kêu gọi tất cả các lực lượng khuyến nông, đặc biệt là lực lượng khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng của tất cả các địa phương đồng loạt ra quân và tiếp cận các vùng đang bị ảnh hưởng, thiệt hại. Tiếp cận đến các vùng sản xuất, làm thế nào để người dân tiếp cận được nhanh nhất các quy trình mà trung tâm đã hướng dẫn, cũng như các vật tư mà đơn vị đã phối hợp với Quỹ thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) đã cấp phát cho các tỉnh, thành phố.
Chúng tôi cũng đề nghị lực lượng khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng phải sử dụng ngay các hóa chất để tiêu độc khử trùng, các thức ăn bổ sung cho gia súc, gia cầm và các giải pháp cho chăn nuôi thủy sản đến tận nơi với bà con nông dân. Đây là các giải pháp mà chúng tôi đánh giá là sẽ giúp bà con tái thiết lại sản xuất nhanh nhất.
Để việc khôi phục sản xuất hiệu quả, ông có khuyến cáo gì với các địa phương và người dân?
- Trong giai đoạn sau bão lũ mọi công việc tái thiết sản xuất sẽ rất khó khăn nên rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, các địa phương và người dân cùng chung tay khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất một cách nhanh và hiệu quả nhất.
Trận bão lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn nhưng giờ thiên tai đã đi qua, chúng ta phải cùng chung tay quay lại để tái thiết lại sản xuất, cuộc sống.
Vừa qua, Chính phủ cùng các bộ ngành, đặc biệt là Bộ NNPTNT đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp vào cuộc hỗ trợ, cứu trợ các địa phương, người dân tại vùng bão lũ. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay các vật tư như giống, phân bón, vật nuôi, hóa chất tiêu độc, khử trùng và chế phẩm sinh học mà các đơn vị đưa về cho các địa phương đã cơ bản đầy đủ.
Trước đây người dân thường sản xuất theo kinh nghiệm cũ nhưng theo tôi, sau bão lũ, bà con cũng cần phải thay đổi, chúng ta phải thích ứng ngay mới có thể khôi phục lại được sản xuất hiệu quả. Đối với các diện tích đất trồng lúa bị bồi lấp sâu phù sa, có nơi có lẫn cả cát đá cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tránh tình trạng, người dân địa phương vẫn cố trồng lại lúa trên các diện tích đất bị bồi lấp sau lũ sẽ rất khó khăn và tốn nhiều công sức, tiền của càng khiến nông dân kiệt sức hơn.
Vừa qua, chúng tôi đã xây dựng các bộ tài liệu, giải pháp đưa về cho lực lượng khuyến nông địa phương hướng dẫn, tổ chức đào tạo, tập huấn giúp bà con cải tạo đúng kỹ thuật và có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như ngô, đỗ tương hoặc trồng cỏ nuôi gia súc sẽ cho hiệu quả nhanh và cao hơn.
Hiện nông dân tại các vùng vừa bị thiệt hại sau lũ rất cần giống, vật tư, trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Bộ NNPTNT đã hỗ trợ bà con như thế nào?
-Hiện các địa phương cũng rất chủ động trong công tác hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp...
Bộ NNPTNT cũng đã và đang thực hiện Chương trình hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu từ các nguồn dự trữ quốc gia, từ các nguồn xã hội hóa... để hỗ trợ bà con tại các địa phương khôi phục lại sản xuất tốt nhất trong vụ đông sắp tới.
Chúng tôi cũng khuyến cáo các địa phương cũng phải xác định cơ cấu giống, lựa chọn các giống tốt, chất lượng cao, rõ nguồn gốc và phù hợp với thực tế để hỗ trợ cho bà con, tránh việc đưa các giống kém chất lượng vào sản xuất không hiệu quả.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải áp dụng quy trình kỹ thuật do lực lượng khuyến nông hỗ trợ để tái thiết lại sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng khuyến nông cơ sở, khuyến nông cộng đồng cần thay đổi phương thức đào tạo, tập huấn. Nếu như trước kia chúng ta thường tổ chức lớp tập huấn tại các phòng ở UBND xã hay trường học, sau lũ, lực lượng khuyến nông phải xuống ruộng, vào chuồng trại hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" cho nông dân áp dụng ngay các giải pháp mới để khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả nhanh nhất.
Ứng phó với thiên tai, thảm họa như thế nào?
Phản ánh với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, nhiều nông dân, lãnh đạo chính quyền địa phương ở các vùng vừa bị thiệt hại sau bão lũ lịch sử cho biết, lần đầu đối mặt với siêu bão, lũ lịch sử nên công tác phòng chống, cứu trợ, cứu nạn còn lúng túng. Theo đó, các địa phương kiến nghị rất mong Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu cần tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập ứng phó với thiên tai, thảm họa, siêu bão?
-Hiện, hệ thống khuyến nông đang tham gia vào xây dựng các giải pháp thích ứng với các loại hình thiên tai. Theo tôi, chúng ta phải nhìn nhận thiên tai, biến đổi khí hậu hay thảm họa là câu chuyện mà mọi người phải đối mặt. Thế nhưng cũng không phải chờ đến khi thiên tai xảy ra mới có giải pháp mà chúng ta phải chủ động xây dựng kế hoạch từ khi trồng trọt, chăn nuôi.
Trong năm tới, chúng tôi phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) sẽ ban ngành bộ giải pháp tài liệu giúp nông dân xây dựng kế hoạch cũng như có phương án sản xuất thích ứng với các loại hình thiên tai tại các địa phương. Ví dụ nơi nào đất trượt, nơi nào lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, bão gió... Chúng tôi sẽ có các bộ giải pháp cụ thể, có thể dùng cơ cấu giống để né tránh, có thể áp dụng giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ...
Xin cảm ơn ông!