Nông dân kiệt sức sau bão lũ lịch sử: Tan hoang làng đào Cam Giá (Bài 3)

Trần Quang - Phạm Minh Chủ nhật, ngày 13/10/2024 11:51 AM (GMT+7)
Từng là vùng trồng đào nổi tiếng mang lại thu nhập cao cho người dân, sau trận lũ quét qua, làng đào Cam Giá giờ trắng xóa như hoang mạc. Chứng kiến các gốc đào cổ thụ của mình chết hàng loạt nhưng không có cách gì cứu, khôi phục lại càng khiến bà con ở đây đau xót như "đứt từng khúc ruột".
Bình luận 0

Sau bão lũ lịch sử làng đào Cam Giá bị tàn phá nặng nề.

Giá cây giống leo thang, nông dân không còn vốn tái sản xuất

Đầu tháng 10 đã có gió heo may nhưng thời tiết vẫn nắng như đổ lửa xuống cánh đồng Cam Giá khiến cho khung cảnh nơi đây càng hoang tàn. Chúng tôi lượn xe máy khắp cánh đồng, các ruộng đào chết khô la liệt chỉ có một vài nông dân ra đồng dọn dẹp.

Mấy chục năm làm nghề trồng đào, lần đầu tiên ông Phạm Tiến Trường (54 tuổi) ở tổ 5, phường Cam Giá mới thấy làng đào của quê hương mình bị bão lũ tàn phá khủng khiếp đến thế. Hàng trăm vườn đào đang xanh tốt bỗng hóa thành hoang mạc chỉ sau vài ngày cơn lũ quét qua.

Ông Trường và nhiều hộ dân trồng đào lâu năm ở đây cho biết, làng đào Cam Giá hàng năm vẫn có lũ nhưng nước chỉ vào láng mặt ruộng còn đem theo phù sa, dinh dưỡng cho đất giúp cây xanh tốt hơn. Năm nay, nghe báo đài dự báo có bão to, bà con làm đào đã chủ động gia cố, chằng buộc các gốc cổ thụ, đào huyền, bonsai nhưng khi bão vào gió không đáng kể. 

Bão tan, hoàn lưu mới gây mưa lớn dồn dập khiến nước từ thượng nguồn đổ về như thác nhấn chìm cả cánh đồng đào và ngâm trong nhiều ngày khiến bà con trở tay không kịp, mọi người trong các làng chỉ kịp chạy thoát thân.

Nông dân thiếu thốn đủ bề, kiệt sức sau bão lũ lịch sử:  Tan hoang làng đào Cam Giá (Bài 3) - Ảnh 1.

Ông Phạm Tiến Trường (54 tuổi) ở tổ 5, phường Cam Giá cho biết, hiện các ruộng trồng đào ở phường đa phần bị chết úng do ngâm nước quá lâu, một số cây chết dở có mầm lại nhưng cũng hư hỏng và chết hết sau lũ. Ảnh: TQ

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn đào của gia đình chết hàng loạt sau lũ, giọng ông Trường buồn bã: "Tan hoang hết, cả gia sản tiền tỷ nhiều năm dành dụm tích góp giờ tiêu tan rồi".

Theo ông Trường, năm nay thời tiết mưa nhiều, người trồng đào chăm bón vất vả hơn mọi năm nhưng đổi lại các gốc đào xanh tốt, đẻ cành, nhánh, mắt to đẹp nên ai cũng mừng, chỉ chờ sang tháng mọi người sẽ đón khách đến đặt cọc sớm. Năm ngoái nhuận, đào bung sớm nên gia đình ông Trường để lại gần cả vườn đến mấy nghìn gốc, trong đó có 700 gốc đào cổ thụ trị giá trên 1 triệu đồng/gốc, hứa hẹn năm nay sẽ "bỏ túi" nhiều tỷ đồng.

Nào ngờ, bão lũ ập đến bất ngờ biến làng đào thành biển nước ngâm đến gần 1 tuần không chịu rút đi khiến các cây đào chết chìm. Giờ cả cánh đồng như bình địa.

Ông Trường lo lắng hơn là sau khi nước lũ rút đi, đến giờ gia đình ông và hàng trăm hộ dân trồng đào ở Cam Giá vẫn chưa biết cách khôi phục lại. Bởi lẽ để có được các gốc đào cổ thụ, đầu tháng Giêng hàng năm, người dân phải lên tận các vùng ở Lạng Sơn, Hà Giang... để tuyển chọn gốc đẹp đưa về chăm sóc kỳ công, tạo tán cẩn thận vài năm mới thành hình, thành dáng.

Tuy vậy, sau bão lũ, vừa phần giá cây phôi tăng chóng mặt, vừa phần nông dân không còn nguồn lực đầu tư, đặt mua cây, phân, thuốc, vật liệu để làm lại. Riêng gia đình ông Trường vẫn còn nợ ngân hàng  nửa tỷ đồng, tiền lãi trả hàng tháng, vợ chồng ông vẫn chưa xoay sở được nói gì đến việc khôi phục sản xuất.

Nông dân thiếu thốn đủ bề, kiệt sức sau bão lũ lịch sử:  Tan hoang làng đào Cam Giá (Bài 3) - Ảnh 2.

Cả làng đào xanh tốt giờ như hoang mạc, phế tích khiến nông dân Cam Giá gục ngã. Ảnh: TQ

Bão lũ lịch sử qua đi, nhiều nông dân ở làng đào Cam Giá quay cuồng trong vòng xoáy nợ nần, có hộ nợ ngập đầu nhưng mọi người cầu cứu khắp nơi đều cũng vô vọng. "Sau lũ, các cấp chính quyền có đến thống kê thiệt hại và làm văn bản kiến nghị gửi lên cấp trên đề nghị hỗ trợ nhưng chúng tôi chờ mãi không có phản hồi. Sốt ruột, bà con lên phường hỏi mới biết thông tin: Đào không thuộc diện cây trồng được hỗ trợ.

"Cả một làng đào có truyền thống lâu đời và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh nhiều năm liền. Đáng nói là cây đào đã nuôi sống, mang lại thu nhập cao cho người dân ở Cam Giá nhưng không được nhà nước quan tâm, hỗ trợ rủi ro sau thiên tai thì quá vô lý", ông Trường bộc bạch.

Đến giờ, ông Nguyễn Đức Oanh (73 tuổi) ở Cam Giá vẫn chưa thể tin toàn bộ tài sản mà hai vợ chồng và các con của ông tích góp, kỳ công chăm sóc nhiều năm đã bị lũ cuốn trôi, tàn phá tan hoang hết. Đứng bên vườn đào với vẻ mặt thất thần, ông Oanh bảo: "Đến giờ toàn bộ các ruộng đào, cánh đồng lúa của bà con đang xanh tốt giờ đều bị tàn phá hư hỏng hết. Năm nay, người dân chúng tôi không chỉ mất của mà còn mất hết nguồn lương thực nuôi sống gia đình. Nông dân chúng tôi đã cùng đường rồi".

Nông dân thiếu thốn đủ bề, kiệt sức sau bão lũ lịch sử:  Tan hoang làng đào Cam Giá (Bài 3) - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Oanh (73 tuổi) ở Cam Giá thất thần bên vườn đào của gia đình vừa bị bão lũ tàn phá. Ảnh: TQ

Cần có kế hoạch tập huấn, diễn tập ứng phó với thiên tai, thảm họa

Ông Oanh cho biết thêm, nước lũ rút đi, mấy sào lúa của gia đình ông đang trổ bông cũng bị hỏng hết, lượng thóc còn lại của vụ trước cũng bị ngâm nước lên mầm nên không thể sử dụng. Gia đình ông hiện giờ đều sống vào nguồn hàng cứu trợ từ các đoàn từ thiện.

Để nông dân khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất hiệu quả, ông Trường, ông Oanh và nhiều hộ dân ở Cam Giá rất mong muốn Trung ương và tỉnh sớm có cơ chế đặc thù, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp, linh hoạt để bà con vừa lo cứu đói, vừa có thể tái thiết lại sản xuất hiệu quả.

"Theo chính sách hỗ trợ, mỗi sào lúa bị hư hỏng trên 70% được hỗ trợ có 70.000 đồng là quá thấp. Trong khi bà con phải đối mặt với "rừng" thủ tục, giấy tờ, ký tá nhiều vô kể. Sau đó mọi người lại phải mòn mỏi chờ đợi thành ra chúng tôi không muốn nhận hỗ trợ, vì đến khi có tiền về, bà con đã mất tinh thần, không còn sức để làm lại nữa", ông Oanh nói thêm.

Nông dân thiếu thốn đủ bề, kiệt sức sau bão lũ lịch sử:  Tan hoang làng đào Cam Giá (Bài 3) - Ảnh 4.

Nhiều hộ dân tại Cam Giá đã phá các vườn đào chết chờ hỗ trợ để mua giống, khôi phục lại sản xuất. Ảnh: TQ

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt,  ông Vũ Văn Long - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Giá cho biết, sau lũ địa phương đã thống kê thiệt hại tại các khu vực trồng đào lên đến trên 37ha với khoảng trên dưới 800 hộ dân bị mất sinh kế, trong đó có hàng chục hộ "trắng tay" tiền tỷ.

"Ban đầu chúng tôi thống kê và đề nghị cấp trên hỗ trợ 100.000 đồng/cây đào nhưng do đào là cây đặc thù chưa có trong danh sách hỗ trợ nên không được duyệt. Mới đây, phường tiếp tục làm thủ tục đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ nhưng phải sang tuần tới mới có thông tin phản hồi cụ thể", ông Long khẳng định.

Nông dân thiếu thốn đủ bề, kiệt sức sau bão lũ lịch sử:  Tan hoang làng đào Cam Giá (Bài 3) - Ảnh 5.

Ông Vũ Văn Long - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Giá cho biết, sau trận bão lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho người dân trồng đào tại địa phương. Ảnh: TQ

Phó chủ tịch UBND phường Cam Giá cũng phải thừa nhận do lần đầu gặp trận bão lũ lịch sử nên trong công tác phòng chống bão lũ và cứu trợ tại Cam Giá còn lúng túng.

"Nước lũ về quá lớn nên mọi người trở tay không kịp, trong mấy ngày xảy ra thiên tai, các đoàn cứu trợ, từ thiện cũng đổ về quá nhiều nhưng không có thiết bị chuyên dụng để di chuyển trong lũ nên việc hỗ trợ, trao quà cho người dân rất khó khăn", ông Long nói và kiến nghị Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan cần lên kế hoạch đào tạo, tập huấn và thường xuyên tổ chức diễn tập giúp chính quyền cơ sở, người dân có kiến thức và làm quen với việc ứng phó với các siêu bão bất thường, các thảm họa lớn để chủ động phòng tránh khi có thiên tai xảy ra.

"Biến đổi khí hậu đã làm đảo lộn mọi quy luật, các dạng thiên tai, thảm họa, siêu bão sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều hơn nên chúng tôi, cấp cơ sở rất cần được trang bị kiến thức, thiết bị chuyên dụng để dự phòng, tránh bị động như trong cơn bão số 3 vừa qua", ông Long kiến nghị thêm.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem