Chia sẻ với Dân Việt, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, ông đã biết tận dụng công nghệ và AI (trí tuệ nhân tạo) để phục vụ công việc từ lâu. Và một số năm trở lại đây, khi trí tuệ nhân tạo phát triển lên những tầm cao mới đã giúp con người rất nhiều trong giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả công việc. Và con người cũng không tội gì bỏ qua sự ưu việt và tân tiến này.
"Gần đây, khi tôi ngồi với nhà báo – nhà thơ Hữu Việt, anh ấy có khoe với tôi là ra lệnh cho AI tạo ra một bức tranh để làm bìa báo Tết. Và AI đã tạo ra một bức tranh rất ấn tượng. Bìa báo Tết đó đã nhận được giải thưởng tại Hội Báo Xuân 2024.
Sau đó, tôi có khoe với nhà thơ Hữu Việt về quán phở mà tôi rất thích ở phố Bảo Khánh (Hà Nội), bên cạnh báo Nhân Dân và đề nghị nhà thơ Hữu Việt ra lệnh cho AI viết một bài về quán phở này. Thật bất ngờ, chưa đầy 2 giây sau, tôi đã nhận được một bài viết đầy đủ và ấn tượng về quán phở này rồi.
Tôi đã nhờ anh Hữu Việt cài cho tôi phần mềm để sử dụng. Phần mềm này cho phép sử dụng thử miễn phí nhưng tôi trả tiền luôn 1 năm để dùng hàng ngày. Ngay khi cài đặt xong, tôi đã ra lệnh cho AI viết một bài về văn hóa trà đạo để tặng cho nghệ nhân trà đạo Hoàng Anh Sướng. Hoàng Anh Sướng đọc bài viết này xong thì cho 10 điểm và thú nhận bản thân không thể viết xuất sắc được như AI.
Tôi lại tiếp tục ra lệnh cho AI viết một bản điếu văn. Ấy là vì chúng tôi nằm trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam nên rất phải thường xuyên viết điếu văn cho các hội viên. Tuy nhiên, "món" điếu văn này thực sự rất khó vì đòi hỏi phải có sự am hiểu rất sâu sắc về người đã mất viết mới xúc động được. Nhưng nếu ra lệnh AI viết điếu văn cho ai đó mà câu chuyện này lọt ra ngoài thì người ta lại trách mình sao đùa ác độc thế. Nên tôi ra lệnh cho AI viết luôn điếu văn cho chính mình.
Tôi đưa ra gợi ý: "Lão già Trần Đăng Khoa vừa tắt thở ngày hôm qua, hãy viết cho tôi điếu văn dài khoảng 800 chữ về Trần Đăng Khoa". Ngay sau 2 giây, AI đã đưa cho tôi một bản điếu văn cực kỳ đầy đủ và ấn tượng. Điếu văn nhắc đầy đủ các tác phẩm của tôi, trong đó có những tác phẩm từ thời nảo thời nao mà tôi còn không nhớ rõ.
Tôi cho một người bạn của tôi xem điếu văn này và cô ấy đã vô cùng ngạc nhiên pha lẫn thán phục. Cô ấy bảo AI viết hay không thể tưởng tượng được.
Sau bản điếu văn này, tôi còn ra lệnh cho AI viết một truyện vừa về thôn Làng Nủ sau trận lụt kỷ lục. Và thật bất ngờ, AI đã viết thành một truyện vừa dài khoảng 100 trang. AI thông minh tới mức viết xong chương I đã đưa cho tôi đọc và hỏi xem có gợi ý gì hoặc cùng với nó viết tiếp chương II. Tôi thử copy một đoạn trong truyện do AI viết để seach xem nó có "ăn cắp" truyện của ai đó không nhưng hoàn toàn không có", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông đã chuẩn bị sẵn cho cái chết của mình nên bản điếu văn này sau này sẽ không dùng đến.
"Tôi đã có một bài sắp xếp về cái chết của mình rồi. Tức là, lão Khoa chỉ là Khoa khi lão còn đang sống (tức thở ra và hít vào), khi nào lão ấy không còn hít thở nữa thì đó không phải là lão. Vì vậy, lão ấy sẽ không chịu trách nhiệm về đống bầy hầy trong quan tài. Đó không phải lão. Dứt khoát không phải lão. Vì thế không nên nhìn vào. Ghê chết đi được. Tốt nhất thiêu ngay rồi cho vào cái niêu đất chôn dưới gốc khế. Vì xưa nay, chó mèo chết đều như thế cả. Trước khi cho lão vào bếp lò, thì đọc giúp lão bài thơ vái biệt như "Giã biệt", trong đó có mấy câu thế này:
"Bao năm ròng mệt mỏi
Xuống xứ này rong chơi
Giờ ta làm ngọn khói
Õng ẹo bay về giời".
Tôi dự kiến, sau này tôi "thăng thiên", mọi người đến tiễn đưa chỉ mở những bài hát mà tôi yêu thích rồi mời mọi người đi uống bia. Chẳng cần điếu văn gì hết. Các con tôi nói lời cảm ơn là được. Tất nhiên là tôi dự kiến thế thôi chứ khi tôi nằm xuống rồi, mọi người tổ chức thế nào cho mình thì mình không biết được", nhà thơ Trần Đăng Khoa trải lòng thêm.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa trăn trở rằng, sự phát triển của AI đã ít nhiều đe dọa những người sáng tạo văn học, trong đó, sát nhất là những người viết văn. Vì AI viết văn thì rất tốt, hơn hẳn nhiều nhà văn bình thường, nhưng lại không thể làm thơ như những nhà thơ.
Dẫu vậy, điều này cũng đặt ra một vấn đề là các nhà văn thời 4.0 – 5.0 sẽ phải sáng tạo như thế nào, tìm đề tài ra sao, trăn trở với từng trang văn như thế nào để viết ra được những tác phẩm mà AI không thể bắt chước được, không thể với tới được. Chỉ có như thế, con người mới giữ được vai trò kiểm soát và điều khiển máy móc, nếu không thì sẽ bị trí tuệ nhân tạo lấn lướt.