Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam từng làm Thứ trưởng, có vợ là Anh hùng lao động, con trai cực nổi tiếng

Tuệ Lâm Thứ tư, ngày 23/10/2024 13:05 PM (GMT+7)
Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên là người hiếm hoi trong làng âm nhạc Việt Nam được phong Giáo sư, từng làm Thứ trưởng Bộ VHTTDL, có vợ là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và con trai là nhạc sĩ cực kỳ nổi tiếng.
Bình luận 0

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên - người có nhiều đặc biệt nhất làng âm nhạc

Trong giới âm nhạc, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên không chỉ là cánh chim đầu đàn của thanh nhạc Việt Nam, người thầy vĩ đại của các giọng ca tên tuổi mà còn là người có một lý lịch rất đặc biệt.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam từng làm Thứ trưởng, có vợ là Anh hùng lao động, con trai cực nổi tiếng- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên là giọng ca hàng đầu của dòng nhạc cách mạng. Ảnh: TL

Ông là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới (1905 – 1943). Cha ông hoạt động cách mạng, bị bắt và mất sớm trong tù nên ông mồ côi cha từ nhỏ. Học hết lớp 12, ông thi đỗ vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nhưng mẹ ông không đồng ý cho ông theo nghiệp ca hát. 

Vì là người thân của nhà cách mạng nổi tiếng nên đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh đã ghé thăm nhà và động viên bà nên cho con trai đi học ngành mà con mong muốn. Chính lời khuyên của Tổng Bí thư Trường Chinh mà mẹ của Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên đã đồng ý cho ông theo học thanh nhạc.

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên đã 3 lần được cử sang Liên Xô học tập, vào những năm học Đại học (1960–1942), Cao học (1970) và trường Đảng. Các năm sau đó, ông và các nghệ sĩ lập đoàn văn công đi biểu diễn khắp các chiến trường. Ông từng tham gia biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới, đoạt huy chương vàng trong các cuộc thi hát ở Đức, Bulgaria... Trong thời gian học tập tại Liên Xô, ông đã xin phép tác giả Raimonds Pauls phổ thơ của nhà thơ lớn Andrey Voznesensky, Việt hóa thành công ca khúc Triệu đóa hồng - bài hát làm nên tên tuổi của ca sĩ Ái Vân.

Với chất giọng nam cao hiếm có, ông đã để lại dấu ấn với hàng loạt ca khúc: Đất nước trọn niềm vui, Cô lái tàu, Tình ca, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Quà tháng Năm dâng Người, Bài ca Trường Sơn, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người... Ông từng là ca sĩ đầu tiên của Việt Nam trình diễn 5 bản Romance của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc vào năm 1978. Ông cũng là người đã đặt lời Việt cho 300 ca khúc Nga.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam từng làm Thứ trưởng, có vợ là Anh hùng lao động, con trai cực nổi tiếng- Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên là người thầy lớn của ca sĩ Phạm Thu Hà và nhiều ca sĩ nổi tiếng. Ảnh: FBNV

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ông là Nghệ sĩ Nhân dân hiếm hoi làng âm nhạc được phong hàm Giáo sư. Ông cũng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú đợt đầu tiên năm 1984 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2021. Ông còn được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba.

Trong sự nghiệp giảng dạy, ông là thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Lan Anh, NSƯT Phương Nga, Ninh Đức Hoàng Long, Trọng Tấn, Lê Anh Dũng, Phạm Thu Hà, Bích Hồng, Đinh Trang...

Chia sẻ về thầy mình, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hưng – Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bày tỏ với Dân Việt: "Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên là người thầy rất tâm huyết với nghề giáo. Sau khi nghỉ hưu, dù sức khỏe giảm sút nhưng thầy vẫn đều đặn dạy học, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình tốt nghiệp.

Thậm chí, kể cả sau khi bị đột quỵ, ông cũng vẫn dạy học, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho nền âm nhạc Việt Nam. Thầy sở hữu một giọng nam cao hiếm có, nhưng thầy cũng dạy cả giọng nữ cao, thậm chí cả giọng nam trầm thầy vẫn dạy. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên có đóng góp rất lớn trong công tác đào tạo, nhiều học trò của thầy sau này đều là những nghệ sĩ nổi tiếng".

Hai người vợ tuyệt vời

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên gặp gỡ nghệ sĩ Thanh Nga khi ông là thành viên ban nhạc đồng ca Rạng Đông, còn bà trong ban nhạc Tuổi Xanh. Sau đó, hai ban nhạc này sáp nhập thành ban đồng ca của Thành Đoàn thanh niên Hà Nội. Hai người kết hôn và có một con trai là nhạc sĩ Quốc Trung. Từ bé, nhạc sĩ Quốc Trung đã là "học trò đặc biệt" của chính bố mình. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên hướng cho con trai Quốc Trung theo con đường âm nhạc từ rất sớm. Thời bao cấp, kinh tế khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm… nhưng ông đã dám mạnh tay đầu tư cho con trai một chiếc piano tập đàn.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam từng làm Thứ trưởng, có vợ là Anh hùng lao động, con trai cực nổi tiếng- Ảnh 4.

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên và con trai Quốc Trung. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên dạy con trai nghiêm khắc hơn cả học trò. Thời đó, nhiều người không hiểu vì sao ông thường đánh đòn con trai khi Quốc Trung đánh nhau với bạn hoặc dứt khoát không cho Quốc Trung chạy xe máy đi chơi. Hóa ra ông làm mọi thứ để giữ lại đôi tay tài hoa cho con trai. Vì chỉ một tai nạn hay chấn thương, giấc mơ nghệ sĩ của con trai ông sẽ mãi mãi bị hủy hoại.

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên từng hướng con trai theo con đường âm nhạc cổ điển, nhưng anh lại thích nhạc nhẹ, nhạc hiện đại. Hiểu nguyện vọng của con trai, ông bằng lòng cho con rẽ sang đam mê khác. Trong nhiều năm, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên vừa là cha, vừa là bạn đồng hành của con. Ông cũng dành nhiều thời gian chăm sóc các cháu khi Quốc Trung và Thanh Lam "đường ai nấy đi".

Năm 2000, nghệ sĩ Thanh Nga qua đời sau 7 năm chống chọi với căn bệnh ung thư, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên phải trải qua một thời gian chống chếnh. Suốt những năm tháng nghệ sĩ Thanh Nga bị bệnh, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên vừa hoàn thành xuất sắc chức trách Thứ trưởng ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chăm vợ, chăm cháu nội mà không hề than thở. Vì thế, dẫu chống chọi với ung thư 7 năm, nghệ sĩ Thanh Nga đã sống những ngày tháng cuối đời hạnh phúc với tình yêu, sự động viên của chồng.

Mãi sau ngày người vợ hiền đi xa, ông mới tìm lại niềm vui tuổi già với Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bạch Thu Hà. Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà là con gái của Nghệ sĩ Nhân dân Thái Thị Liên và nhà cách mạng Trần Ngọc Danh (em trai của Tổng Bí thư Trần Phú), chị gái của nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Đặng Thái Sơn. Bà được phong Giáo sư âm nhạc học, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và từng giữ chức Giám đốc Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nghệ sĩ Nhân dân duy nhất Việt Nam từng làm Thứ trưởng, có vợ là Anh hùng lao động, con trai cực nổi tiếng- Ảnh 5.

Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên, cháu nội Thiện Thanh (con gái Thanh Lam - Quốc Trung) và Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà. Ảnh: TL

Đến với nhau ở tuổi không còn trẻ nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên và Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà rất gắn bó, hòa hợp. Cả hai gắn kết nhiều phương diện nhưng có lẽ đơn thuần nhất là hai người bạn đời nương tựa, ủi an nhau tuổi xế chiều. Cả hai luôn dành cho nhau sự trân trọng, ngưỡng mộ như những người tri âm tri kỷ.

Giống chồng, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà tuy rất thành công trong sự nghiệp nhưng cũng là người phụ nữ của gia đình. Bà rất vun vén, đặc biệt dành nhiều tình yêu cho con và cháu của chồng. Bà dạy các cháu đàn, chăm chút việc học hành, bảo ban nghiêm khắc.

Có lẽ vì thế mà Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên luôn khâm phục và biết ơn người vợ đã chịu thiệt thòi khi đến với mình. Có lẽ sự biết ơn ấy sẽ được ông mang theo cùng với tình yêu dành cho người ở lại khi rời thế gian.

Nhìn vào 3 thế hệ gia đình Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên có thể thấy nhiều điều, đặc biệt nhất là truyền thống nghệ thuật. Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên dạy dỗ và dưỡng nuôi tình yêu âm nhạc trong Quốc Trung, Quốc Trung lại dạy dỗ và thắp lên ngọn lửa ấy trong các con Thiện Thanh, Đăng Quang theo đúng cách ngày xưa bố dạy mình. Và Đăng Quang đang thể hiện tiềm năng với đôi tay tài hoa trên cây đàn Piano; trong khi Thiện Thanh sẽ theo nghiệp giảng dạy thanh nhạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem