Thành công của concert Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai vừa qua là những tín hiệu tích cực đối với ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam. Tuy vậy, rất khó để đưa ra những nhận định quá lạc quan tại thời điểm này, khi thực tế cho thấy vẫn còn hàng loạt tồn tại đang cần giải quyết, nhằm tạo nên một thị trường giải trí chuyên nghiệp, quy mô và đồng bộ.
Bên cạnh các concert thành công, thời gian qua, vẫn có hàng loạt sự kiện âm nhạc gây thất vọng, tạo nên các trải nghiệm tiêu cực với khán giả. Cuối năm 2023, đại nhạc hội K-pop ở Mỹ Đình (Hà Nội) quy tụ nhiều tên tuổi đình đám của showbiz Hàn, nhưng bị hủy trước giờ diễn vỏn vẹn một ngày, lý do được đưa ra là không thể đáp ứng công tác tổ chức. Đáng nói, sau khoảng 4 tháng, những người đã mua vé show diễn vẫn không được hoàn tiền. Trong thông báo được đưa ra, đơn vị tổ chức cho biết: "Hiện tại, công ty gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất về tài chính, nên dẫn đến việc chậm trễ".
Cũng trong năm 2023, show nhạc EDM Weekend Voyage Vietnam đột ngột thông báo hủy bỏ, nghệ sĩ quốc tế đã tới Việt Nam nhưng phải về nước. Lý do được BTC đưa ra là "do những tình huống không lường trước được, chúng tôi không thể đảm bảo kinh phí cần thiết để thực hiện sự kiện theo kế hoạch". Đáng chú ý, giá vé cao nhất để tham dự sự kiện này lên đến 145 triệu đồng (gói Diamond – VIP dành cho nhóm 8 người).
Tháng 4/2024, cựu thành viên ban nhạc Backstreet Boys Nick Carter đăng tải thông tin về việc tổ chức concert tại Việt Nam trong khuôn khổ chuyến công diễn toàn thế giới. Tuy nhiên, khi khán giả chưa kịp vui mừng, ê-kíp của anh đã lặng lẽ gỡ bỏ điểm đến này. Theo những thông tin bên lề, phía Nick Carter không thể đàm phán với Việt Nam về công tác tổ chức.
Bên cạnh những lùm xùm từ các show diễn không thành, một sốc chương trình đã diễn ra cũng gặp không ít rắc rối. Tháng 11/2023, ê-kíp sản xuất world tour The Wild Dreams Tour của nhóm nhạc Westlife tại SVĐ Thống Nhất (TP.HCM) nhận hàng loạt chỉ trích bởi thiếu chuyên nghiệp trong việc dựng khán đài, không làm vệ sinh khu vực ghế ngồi, quảng cáo tiền ảo xô bồ và trái phép.
Những ví dụ trên cho thấy, bên cạnh các sự kiện âm nhạc "ghi điểm", nền công nghiệp biểu diễn Việt Nam hiện vẫn "loay hoay" trên con đường đi tới sự chuyên nghiệp. Loạt concert thành công từ các gameshow như: Ca sĩ mặt nạ, Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi... vẫn mang tính hiệu ứng, phần nào chưa cho thấy tính bền vững, thống nhất của thị trường nghệ thuật.
Chia sẻ với PV Dân Việt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV khẳng định: "Việc xây dựng hình ảnh văn hóa và thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động biểu diễn không chỉ là cách để Việt Nam khẳng định bản sắc độc đáo, mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Mỗi chương trình biểu diễn, mỗi sân khấu được dàn dựng công phu không chỉ mang đến trải nghiệm giải trí mà còn truyền tải những thông điệp sâu sắc về văn hóa, con người và sức sáng tạo của đất nước. Đây chính là những viên gạch đầu tiên, bền vững, để Việt Nam xây dựng hình ảnh văn hóa hiện đại, cởi mở nhưng vẫn mang đậm dấu ấn truyền thống, tạo nền tảng cho một chiến lược phát triển văn hóa bền vững".
Đánh giá cao những thành công của các concert vừa qua, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam đang đứng trước một tiềm năng tươi sáng, khao khát những bước đi táo bạo và sâu sắc để tạo dựng dấu ấn riêng trong bản đồ văn hóa khu vực. Để các chương trình biểu diễn quy mô lớn có thể nở rộ, ngành văn hóa cần những chính sách hỗ trợ vững vàng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó mở lối cho những sự kiện đầy cảm hứng, để khán giả cảm nhận sâu sắc hơn giá trị nghệ thuật mà họ trải nghiệm.
"Cơ sở hạ tầng, những không gian biểu diễn hiện đại được trang bị tối ưu, sẽ là nền tảng đầu tiên để các buổi biểu diễn thăng hoa. Đó không chỉ là nơi để biểu diễn, mà sẽ trở thành biểu tượng văn hóa hiện đại của đất nước.
Để hành trình này trở thành hiện thực, cần có sự hỗ trợ về tài chính – từ những ưu đãi thuế cho các thiết bị, đến các gói hỗ trợ phát triển nghệ thuật biểu diễn quy mô lớn. Điều này không chỉ giúp nghệ sĩ tự do sáng tạo mà còn khuyến khích sự hợp tác công tư, một cánh cửa mở để các đối tác từ mọi miền có thể cùng nhau gầy dựng nền công nghiệp biểu diễn đậm chất Việt Nam" – ông Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhận định, truyền thông là cánh tay mạnh mẽ để đưa các chương trình biểu diễn Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. "Để Việt Nam không chỉ là một điểm đến du lịch mà còn là điểm đến của những buổi hòa nhạc, những lễ hội âm nhạc mang dấu ấn Việt. Những chiến dịch quảng bá sáng tạo, những câu chuyện hậu trường và hình ảnh sống động về các sự kiện biểu diễn sẽ khiến bạn bè thế giới háo hức đón chờ và mong muốn được đặt chân đến, để tự mình cảm nhận không khí văn hóa sôi động và gần gũi.
Một yếu tố không thể thiếu là bản quyền – quyền lợi của người sáng tạo nghệ thuật cần được bảo vệ để mỗi sản phẩm nghệ thuật đều được tôn trọng, mỗi sáng tạo đều được đền đáp xứng đáng. Sự bảo vệ chặt chẽ này sẽ không chỉ bảo vệ các nghệ sĩ, mà còn xây dựng lòng tin cho các đối tác quốc tế, một tín hiệu mạnh mẽ rằng, Việt Nam nghiêm túc với nghệ thuật và sáng tạo" – ông Sơn nêu ý kiến.
Đồng ý với những quan điểm trên, ông Hồng Quang Minh – chuyên gia truyền thông, người từng tham gia sản xuất nhiều chương trình truyền hình thực tế lớn cho rằng: "Sức hút của các concert như Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai chắc chắn có thể bền vững, nhưng để đạt được điều này, chúng ta cần nhiều hơn là sự bùng nổ tức thời từ các gameshow. Như đã đề cập, nền tảng bền vững của công nghiệp giải trí tại các nước phát triển thường đến từ các công ty giải trí có hệ thống đào tạo, lộ trình phát triển và chiến lược lăng-xê rõ ràng.
Ở Việt Nam, để duy trì sức hút của các concert, điều quan trọng là xây dựng một hệ sinh thái giải trí mạnh mẽ, nơi nghệ sĩ không chỉ tỏa sáng qua một show mà còn có hành trình phát triển dài hạn. Cần có sự đầu tư dài hạn vào việc xây dựng hình ảnh và phong cách âm nhạc của nghệ sĩ, từ đó mang lại sự khác biệt và giữ chân khán giả trong thời gian dài. Việc chỉ dựa vào các gameshow có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng, nhưng không đảm bảo tính ổn định và bền vững.
Các công ty giải trí tại Việt Nam cần học hỏi mô hình lăng-xê nghệ sĩ một cách bài bản hơn, đầu tư vào nghệ sĩ không chỉ qua các chương trình truyền hình mà còn qua các chiến lược phát triển dài hạn, từ sản xuất album, tổ chức tour diễn cho đến các hoạt động tương tác với người hâm mộ. Chính điều này sẽ tạo ra một nền công nghiệp biểu diễn bền vững, không chỉ phụ thuộc vào sức hút tức thời của các gameshow".