"Cú hích" của công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam: Khi người hâm mộ sẵn sàng "vung tiền" vì thần tượng (bài 2)

Yến Thanh Chủ nhật, ngày 27/10/2024 15:06 PM (GMT+7)
Sự phát triển về điều kiện kinh tế cùng nhu cầu thỏa mãn sở thích cá nhân ngày càng cao đã khiến khán giả Việt Nam đang dần thay đổi. Điều này thể hiện ở hai concert "Anh trai" vừa diễn ra.
Bình luận 0

Văn hóa tiếp ứng thần tượng chính thức du nhập Việt Nam

Mới đây, một mẩu trò chuyện giữa SOOBIN (hiện tượng tại Anh trai vượt ngàn chông gai mùa đầu tiên) và cộng đồng người hâm mộ của anh được chia sẻ lại trên nhiều diễn đàn, thu hút hàng ngàn lượt người bình luận. Theo đó, nam ca sĩ thổ lộ anh trân trọng người hâm mộ bất kỳ họ thuộc lứa tuổi, nghề nghiệp nào, luôn biết ơn tình cảm họ dành cho anh, không cần tới những hoạt động tiêu tốn kinh phí. Đáp lại, nhiều người hâm mộ cho biết họ đang "đi Audi"; "hiện đóng thuế rất cao"; "mong anh cứ để chúng em tiêu tiền"…

Tương tự SOOBIN, hội fan của Cường Seven cũng từng nhắn nhủ thần tượng: "Anh cứ để cho chúng em làm việc (tổ chức các hoạt động ủng hộ thần tượng – PV)".

Không chỉ được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật và hiệu ứng truyền thông, hai concert Anh trai vượt ngàn chông gaiAnh trai say hi hôm 19/10 vừa qua còn cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong văn hóa thần tượng. Với lượng food truck (xe đồ ăn) dành riêng cho 63 nam nghệ sĩ bố trí tại địa điểm tổ chức concert, những màn hình LED từ Bắc tới Nam và cả Times Square (New York, Mỹ) quảng bá cho chương trình, standee, xe bus 2 tầng, photobooth check-in (bốt chụp ảnh), người hâm mộ Việt cho thấy họ đã sẵn sàng cho những bước tiến mới của ngành công nghiệp biểu diễn nước nhà.

"Cú hích" của công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam: Khi người hâm mộ sẵn sàng "vung tiền" vì thần tượng (bài 2) - Ảnh 1.

Người hâm mộ SOOBIN chi 80 triệu đồng để mua hẳn một phòng vé tại concert nhằm ủng hộ thần tượng. (Ảnh: FBNV)

Tại Châu Á, văn hóa fandom (cộng đồng người hâm mộ) đã khởi sinh từ thập niên 1970, với sự dẫn đầu của một số nghệ sĩ Hàn Quốc. Sang thập kỷ 1990, cùng với hiện tượng Seo Taiji, những cộng đồng này ngày càng lan rộng, trở thành "cánh tay nối dài" cho sự thành công của thần tượng. Với các kế hoạch quy mô, họ tự tổ chức tuyên truyền cho các buổi concert, bộ phim mới, quyên góp cho những hoạt động nghệ thuật, tích cực bình chọn để tạo nên thành tích và vị thế cho nghệ sĩ mình yêu thích. Văn hóa này dần lan ra nhiều đất nước châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, trở thành cách để người hâm mộ bày tỏ sự yêu mến, quan tâm dành cho nghệ sĩ.

Những thập kỷ qua, không ít nghệ sĩ hàng đầu tại làng giải trí Việt Nam đã tạo được cộng đồng người hâm mộ đông đảo, có thể kể tới Đan Trường ở thập niên 1990, sau đó là Mỹ Tâm, nhóm nhạc 365, Sơn Tùng M-TP... Thế nhưng, chỉ tới khi hai chương trình truyền hình thực tế về Anh trai xuất hiện, những sự kiện đồng bộ, quy mô, mang đậm màu sắc mới được tổ chức, tạo ra sự ảnh hưởng rõ rệt. Có thể nói,  văn hóa tiếp ứng thần tượng (fandom support) đã chính thức lan tỏa tới Việt Nam, với sự tiếp sức của NSX hai chương trình truyền hình thực tế.

Hoạt động hơn một thập niên trong làng nhạc, Đỗ Hoàng Hiệp (một nghệ sĩ trong Anh trai vượt ngàn chông gai) lần đầu tiên có fanclub riêng, được họ tổ chức những hoạt động ủng hộ. Chia sẻ với Dân Việt, anh thổ lộ: "Tôi vô cùng xúc động và hạnh phúc khi được khán giả yêu mến và đón nhận nồng nhiệt tới như vậy. Trước đây, tôi đã hoạt động nghệ thuật khá lâu nhưng chủ yếu là trong lĩnh vực nhạc rock - một thể loại còn khá kén người nghe tại Việt Nam. Tham gia Anh trai vượt ngàn chông gai là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ đối với tôi và thú thật tôi không nghĩ rằng mình sẽ nhận được nhiều sự quan tâm đến vậy. Đối với người làm nghệ thuật như tôi, khán giả luôn là nguồn động lực to lớn để bản thân biết mình cần phải sáng tạo và cống hiến nhiều hơn. Tôi biết ơn vì những gì mình đang được tận hưởng".

"Cú hích" của công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam: Khi người hâm mộ sẵn sàng "vung tiền" vì thần tượng (bài 2) - Ảnh 2.

Các xe đồ ăn của từng nghệ sĩ được người hâm mộ chương trình "Anh trai say hi" trang chí theo phong cách riêng, đứng ở lối vào khu tổng duyệt concert. (Ảnh: Vie Channel)

Khán giả Việt không còn ngại chi tiền cho nghệ thuật?

Hội thảo của tổ chức HILL Việt Nam vào cuối năm 2023 đã chỉ ra rằng những người tham gia fandom thường tìm kiếm những điều mới lạ thú vị mà thông thường họ không thể tìm thấy trong cuộc sống hàng ngày. "Khi thu nhập tăng cao, họ có xu hướng tham gia hoặc thành lập các fandom liên quan đến sở thích và đam mê cá nhân để đạt được cảm giác hoàn thiện hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, nhiều người còn tham gia các nhóm người hâm mộ với mục đích mở rộng các mối quan hệ xã hội bên cạnh những mối quan hệ sẵn có".

Có thể thấy, sự phát triển về điều kiện kinh tế cùng nhu cầu thỏa mãn sở thích cá nhân ngày càng cao đã khiến khán giả Việt Nam đang dần thay đổi. Trao đổi với PV Dân Việt, bà Đặng Thiếu Ngân - Giám đốc đối ngoại của Naver Việt Nam, người mang hàng loạt thần tượng K-pop tới Việt Nam từng khẳng định: "Fans K-pop tại Việt Nam rất nhiều thời điểm dẫn đầu trong bảng xếp hạng cổ vũ, "cày" view nhiệt huyết, giúp các thần tượng K-pop thêm vững niềm tin và nhiệt huyết. Tuy nhiên, đây vốn được coi là một thị trường khó khăn với sao Hàn khi người hâm mộ không có thói quen bỏ tiền mua vé. Những năm gần đây, với sự xuất hiện của thế hệ gen Z, nhiều thay đổi đang diễn trên thị trường, điển hình là việc album, sách ảnh, các sản phẩm khác liên quan đến thần tượng được người hâm mộ Việt Nam tiêu thụ đều đặn".

Nguyễn Hoài Linh (28 tuổi, Quận 2, TP.HCM), một thành viên tích cực của nhóm người hâm mộ rapper HIEUTHUHAI (thuộc chương trình Anh trai say hi) cho biết cô đã có nhiều năm tham gia các hoạt động tiếp ứng cùng với người hâm mộ nước ngoài, tuy nhiên đây là lần đầu tiên dành sự ủng hộ cho thần tượng Việt: "Theo dõi Anh trai say hi, tôi mới nhận ra các nghệ sĩ Việt rất hài hước, thông minh, tận hiến với nghề nghiệp. Sự chuyên nghiệp của BTC cùng nỗ lực của các anh trong chương trình khiến chúng tôi đều muốn làm điều gì đó để ủng hộ. Do đã từng tìm hiểu về những hoạt động này, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc làm quen".

Lấy format gốc từ một gameshow đình đám Trung Quốc, Anh trai vượt ngàn chông gai càng thuận lợi hơn trong việc đưa văn hóa tiếp ứng thần tượng (vốn đã phổ cập nhiều năm nay ở đất nước tỷ dân) về với Việt Nam. Sau những kinh nghiệm từ Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa đầu, NSX của chương trình này cũng tỏ ra chuyên nghiệp hơn trong việc kết nối với người hâm mộ, xử lý các thông tin xung quanh sự kiện.

Chuyên gia truyền thông Trần Hoài Linh nhận định, việc khán giả sẵn sàng chi tiền cho các concert cũng như hoạt động tiếp ứng chính là điều kiện tốt để ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam phát triển. "Chất lượng của các concert nói riêng, thị trường nghệ thuật nói chung chỉ có thể nâng cao khi hai phía cùng có sự thay đổi. Nhà sản xuất, nghệ sĩ chuyên nghiệp, sáng tạo hơn. Trong khi đó, khán giả cũng cần ủng hộ, bỏ chi phí mua vé thưởng thức các chương trình nghệ thuật".

Theo bà Linh, sự tiếp ứng của công chúng không chỉ khiến nghệ sĩ có thêm động lực, mà còn giúp chương trình nghệ thuật nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu cho ngành công nghiệp biểu diễn: "Việc cộng đồng người hâm mộ của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai/ Anh trai say hi khuyến khích nhau tương tác dưới các bài viết của nhãn hàng cho thấy sự thay đổi này mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Việc cần làm hiện tại của các nhà sản xuất là đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ phía khán giả, duy trì được hiệu ứng mà các concert này mang lại" - bà Trần Hoài Linh nhận định.

Kỳ 3: Công nghiệp biểu diễn đã được phát triển tại Hàn Quốc như thế nào?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem