"Cú hích" của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam: Điều gì giúp Hàn Quốc mang về tỷ đô từ các concert? (Bài 3)

Nguyễn Hà Linh (Giảng viên Học viện Ngoại giao) Thứ hai, ngày 28/10/2024 11:17 AM (GMT+7)
Chính sách đầu tư đúng đắn cùng sự chuyên nghiệp của những người tham gia vào ngành công nghiệp biểu diễn đã khiến nền giải trí Hàn Quốc sớm dẫn đầu châu Á.
Bình luận 0

"Hệ sinh thái" đặc biệt của nền giải trí Hàn Quốc

Từ những năm 1960, Nhật Bản đã đặt nền móng cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa bằng việc bắt đầu xuất khẩu văn hóa đại chúng như truyện tranh (manga), phim hoạt hình và phim điện ảnh. Đến những năm 1980 - 1990, sự phổ biến của game online, nhạc đại chúng (J-pop) và các loại hình văn hóa đại chúng khác đã đưa đất nước mặt trời mọc thành cường quốc về công nghiệp văn hoá, bên cạnh việc lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của quốc gia này trên thế giới.

Bắt đầu muộn hơn, vào những năm 1990, Hàn Quốc mới đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp biểu diễn và nhanh chóng đạt được loạt thành tựu rực rỡ. Năm 1994, ngân sách Chính phủ Hàn Quốc đầu tư cho ngành Công nghiệp văn hoá đã lên tới khoảng 5,4 tỷ won (4,1 triệu USD). Hiện nay, Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục đầu tư vào việc phát triển ngành công nghiệp nội dung nói riêng, ngành công nghiệp văn hóa nói chung, nhằm hỗ trợ các dự án văn hoá và nghệ thuật.

Theo báo cáo của Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc (KCTI) đưa ra ngày 24/7, doanh thu của ngành công nghiệp K-pop ở nước ngoài ước đạt 1.2377 tỷ won (khoảng gần 900 triệu USD), tăng 34,3% so với năm 2022. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp K-Pop tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho đất nước mỗi năm.

"Cú hích" của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam: Điều gì giúp Hàn Quốc mang về tỷ đô từ các concert? (Bài 3)- Ảnh 1.

Blackpink - nhóm nhạc tiêu biểu cho thấy sự thành công của công nghiệp giải trí tại Hàn Quốc. (Ảnh: FBNV)

Một câu chuyện điển hình cho thấy sự thay đổi bộ mặt của nền công nghiệp biểu diễn Hàn Quốc chính là hệ thống đào tạo thần tượng (idol) của các công ty giải trí lớn, tiêu biểu như SM Entertainment (SM Ent). Thành lập năm 1995 với các thế hệ thần tượng đầu tiên của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc như H.O.T. (1996), S.E.S. (1997), Shinhwa (1998), Fly to the Sky (1999) và nữ ca sĩ BoA (2000), SM Entertainment là một trong những công ty giải trí đi đầu trong việc xây dựng mô hình đào tạo thần tượng bài bản và chuyên nghiệp từ việc tuyển chọn đến đào tạo và quản lý nghệ sĩ. 

Về tuyển chọn, ngay từ những năm đầu thành lập, họ đã tiến hành nhiều buổi tuyển chọn (audition) khắt khe, tuyển chọn thực tập sinh từ những độ tuổi còn rất nhỏ (10 - 12 tuổi). Các thực tập sinh này được đào tạo bài bản về thanh nhạc, vũ đạo, diễn xuất, ngoại ngữ, kỹ năng biểu diễn... trong nhiều năm. Họ phải tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt và cạnh tranh khốc liệt để có cơ hội ra mắt.

Sau khi chính thức thành lập nhóm nhạc, SM Entertainment trực tiếp tham gia vào việc quản lý chặt chẽ hình ảnh, lịch trình và hoạt động của các nghệ sĩ. Đối với chiến lược sản xuất âm nhạc và quảng bá hình ảnh, SM Entertainment đầu tư mạnh vào việc sản xuất âm nhạc, hợp tác với các nhà sản xuất, nhạc sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. Âm nhạc của họ thường được đầu tư kỹ lưỡng không chỉ về giai điệu, vũ đạo mà còn về cả mặt hình ảnh, concept để tạo nên sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài khu vực.

"Cú hích" của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam: Điều gì giúp Hàn Quốc mang về tỷ đô từ các concert? (Bài 3)- Ảnh 2.

EXO - một trong những nhóm nhạc nam nổi tiếng thuộc đế chế SM. (Ảnh: FBNV)

Bên cạnh việc đào tạo nghệ sĩ và các chiến lược trong sản xuất âm nhạc, quảng bá hình ảnh, SM Entertainment là một trong những công ty giải trí tiên phong và dẫn đầu trong việc xây dựng fandom cho nghệ sĩ. Họ đã phát triển một hệ thống chiến lược bài bản và hiệu quả để tạo ra cộng đồng người hâm mộ trung thành và hùng hậu, góp phần quan trọng vào sự thành công của các thần tượng K-pop. 

Một số điểm nổi bật trong chiến lược xây dựng fandom của SM Entertainment có thể kể đến như: Tạo dựng hình ảnh và cá tính riêng biệt cho nghệ sĩ bẳng những concept độc đáo đến từ phong cách âm nhạc, vũ đạo, thời trang cho đến xây câu chuyện, thế giới quan, thông điệp mà họ muốn truyền tải, chú trọng khai thác cá tính, tài năng riêng của từng thành viên trong nhóm nhạc, giúp người hâm mộ dễ dàng đồng cảm, yêu mến và gắn bó; Chú trọng tương tác và kết nối với fan thông qua các nền tảng fanclub chính thức trên mạng xã hội để tương tác với fan, thành lập fanclub chính thức cho từng nghệ sĩ (cung cấp cho fan nhiều đặc quyền như: mua vé concert ưu tiên, tham gia sự kiện độc quyền, nhận quà lưu niệm,vv), tổ chức các hoạt động giao lưu như các fansign, fanmeeting, concert để tạo cơ hội cho fan gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với thần tượng...

Công ty cũng tập trung vào sản xuất nội dung độc quyền và sáng tạo thông qua các nền tảng nội dung trực tuyến nhằm cung cấp cho fan nhiều nội dung độc quyền (video hậu trường, chương trình thực tế, buổi phát sóng trực tiếp...), phát triển ứng dụng di động cho phép người hâm mộ kết nối với thần tượng, tham gia cộng đồng fan, nhận thông báo mới nhất…

SM còn triển khai chiến lược "fandom economy", tạo ra giá trị kinh tế từ fandom, tạo ra một hệ sinh thái kinh tế xoay quanh fandom (từ bán album, vé concert, goods đến các dịch vụ liên quan như du lịch, quảng cáo...), khuyến khích người hâm mộ tham gia vào các hoạt động quảng bá, ủng hộ nghệ sĩ, tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ giữa fan và thần tượng. Nhờ chiến lược xây dựng fandom bài bản và hiệu quả, SM Entertainment đã tạo ra một cộng đồng fan vững mạnh, góp phần quan trọng vào sự thành công bền vững của các nghệ sĩ và khẳng định vị thế dẫn đầu của công ty trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc.

"Cú hích" của ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam: Điều gì giúp Hàn Quốc mang về tỷ đô từ các concert? (Bài 3)- Ảnh 4.

Bà Nguyễn Hà Linh, Giảng viên Học viện Ngoại giao, Thạc sĩ ngành Quản trị văn hóa và nghệ thuật trường Đại học Chung Ang (Hàn Quốc). (Ảnh: NVCC)

Có nên đầu tư vào những concert nội địa như "Anh trai..."?

Thành công của hai concert Anh trai say hi Anh trai vượt ngàn chông gai là tín hiệu vui cho ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam. Việc cả hai đêm diễn đều "cháy vé" cho thấy khán giả Việt Nam ngày càng sẵn sàng chi trả cho những chương trình giải trí chất lượng cao, được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, âm thanh, ánh sáng và quy mô tổ chức. Thành công của hai show diễn này cũng là minh chứng cho việc năng lực sản xuất, tổ chức sự kiện chuyên nghiệp của các đơn vị trong nước đang dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, sự góp mặt của dàn nghệ sĩ nổi tiếng, tài năng đã thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng, khẳng định sức hút và vị thế của nghệ sĩ trong nước trên chính "sân nhà" của mình.

Thời gian trước đó, không ít concert của nghệ sĩ nước ngoài tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc bán vé, khiến không ít nhà sản xuất phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi đáng kể trong hành vi và thị hiếu của khán giả. Nền kinh tế phát triển kéo theo mức sống người dân tăng lên, đặc biệt là giới trẻ, dẫn đến nhu cầu giải trí, trải nghiệm văn hóa đa dạng hơn. Sự giao lưu văn hóa quốc tế mạnh mẽ cũng khiến khán giả Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với âm nhạc, nghệ sĩ nước ngoài, từ đó hình thành nhu cầu thưởng thức concert trực tiếp.

Ảnh hưởng của việc giao lưu văn hoá toàn cầu dẫn đến việc khán giả/người hâm mộ Việt Nam ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng chương trình, không chỉ về nội dung, âm thanh, ánh sáng mà còn về trải nghiệm tổng thể. Từ đó, họ không ngần ngại chi trả mức giá vé cao hơn cho những concert được đầu tư chuyên nghiệp, mang lại những trải nghiệm đáng nhớ. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, văn hóa fandom, đặc biệt là fandom K-pop, cũng đã lan rộng và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Người hâm mộ Việt Nam hiện nay không chỉ đơn thuần là "người xem" mà còn là một phần của cộng đồng, họ rất tích cực và sẵn lòng tham gia vào các hoạt động ủng hộ thần tượng, bao gồm các hoạt động support cho nghệ sĩ như: chạy các chiến dịch quảng bá online/ offline, mua vé concert, album, goods...

Việc đầu tư vào những concert quốc tế (như trường hợp của Blackpink vào năm 2023) và phát triển concert nội địa (như Anh trai vượt ngàn chông gai/ Anh trai say hi) đều có những tiềm năng và thách thức riêng. Về tiềm năng phát triển, ưu điểm của concert quốc tế là thu hút khách du lịch quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, tạo nguồn thu ngoại tệ lớn. Nhưng đồng thời, hạn chế của concert quốc tế là chi phí tổ chức cao, phụ thuộc vào thị trường quốc tế, khó kiểm soát rủi ro (như việc Blackpink từng gặp sự cố về bản quyền trước concert ở Hà Nội).

Đối với concert nội địa, ưu điểm là chi phí tổ chức thấp hơn, chủ động trong việc tổ chức khi không phải "phụ thuộc" vào các nhà sản xuất quốc tế, góp phần phát triển ngành công nghiệp giải trí trong nước, xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp biểu diễn, tạo đà phát triển lâu dài, thay vì phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như sức hút của nghệ sĩ quốc tế.

Tuy nhiên, về hạn chế, sức hút của concert nội địa có thể chưa bằng concert quốc tế, doanh thu phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường nội địa trong khi concert quốc tế có thể thu hút được lượng lớn khán giả nước ngoài đến Việt Nam xem biểu diễn.

Những gì đang cản trở sự phát triển của công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam?

Ngành công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam tuy đang có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập có thể kể đến như cơ sở hạ tầng, chúng ta thiếu những sân khấu trong nhà và ngoài trời với quy mô lớn, các nhà hát hiện đại, đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của các chương trình biểu diễn chất lượng cao; chúng ta thiếu nhiều đặc biệt về nguồn nhân lực, đội ngũ sản xuất, quản lý, kỹ thuật viên chất lượng cao được đào tạo chuyên nghiệp và bài bản.

Về nội dung, một số chương trình còn nghèo nàn về nội dung, thiếu sự sáng tạo, đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Ngoài ra, vấn đề bản quyền tác giả, tác phẩm chưa được quan tâm đúng mức, gây khó khăn cho việc hợp tác quốc tế; các chiến lược quảng bá, marketing vẫn còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả các kênh truyền thông, mạng xã hội để tiếp cận khán giả.

Để giải quyết những bất cập này, chúng ta cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía: Từ nhà nước - trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ban hành chính sách hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường thắt chặt quản lý về bản quyền; từ các doanh nghiệp - trong việc nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào nội dung, chú trọng quảng bá, marketing, hợp tác quốc tế; từ các nghệ sĩ - trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo trong nghệ thuật, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và từ khán giả - trong việc nâng cao nhận thức và ý thức về bản quyền, ủng hộ tích cực các chương trình giải trí trong nước với chất lượng cao.

Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp biểu diễn với nguồn nhân lực trẻ, năng động và sự quan tâm ngày càng lớn từ công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ thế hệ MZ. Sự thành công của các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc gần đây là một minh chứng rõ ràng cho việc công chúng Việt Nam có thái độ rất tích cực đối với việc tiếp nhận nội dung văn hóa và nghệ thuật nước nhà, sẵn sàng ủng hộ cho sự phát triển của nền công nghiệp giải trí, miễn là những nội dung ấy thực sự "chạm" được đến họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem