Với giá bán tại vườn khoảng 70-90 ngàn đồng/kg, gia đình ông thu về 3,7 tỷ đồng. Từ thành công trong phát triển kinh tế, gia đình ông được bình xét là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
“Trồng sầu riêng Dona đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Gia đình tôi canh tác vườn cây theo hướng an toàn sinh học để phát triển bền vững”-ông Lăng cho biết.
Không chỉ sản xuất giỏi, với kinh nghiệm của mình, ông Lăng còn nhiệt tình hướng dẫn người dân trong thôn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sầu riêng để đạt hiệu quả cao.
Ông Trần Văn Duân (thôn Hoàng Yên) cho biết: “Ông Lăng là người đầu tiên đưa cây sầu riêng Dona về vùng đất này. Từ sự thành công của ông Lăng, nhiều hộ dân thôn Hoàng Yên nói riêng, xã Ia Phìn nói chung đã chuyển từ cây cà phê, hồ tiêu, điều năng suất kém sang trồng sầu riêng Dona.
Ông Lăng nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ bà con ký kết hợp đồng, thời điểm chốt giá bán sầu riêng để mọi người cùng có lợi. Bà con ở đây rất quý trọng ông Lăng”.
Tương tự, gia đình anh Võ Văn Long (thôn 4, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) và hàng trăm hộ dân địa phương cũng đổi đời nhờ cây sầu riêng. Anh Long cho biết: Sau khi lập gia đình, bố mẹ cho vợ chồng anh 1 ha đất để làm ăn. Nhờ chịu khó lao động, vợ chồng anh đã tích lũy được nguồn vốn để mua đất mở rộng sản xuất.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 5.800 ha sầu riêng, trong đó có trồng giống sầu riêng Dona, hiện có khoảng 3.000 ha đã cho thu hoạch. Ảnh: H.C.
Hiện nay, gia đình anh đã có 7 ha đất trồng xen 800 cây sầu riêng Dona cùng 1.400 cây cà phê và các loại cây ăn quả khác như chôm chôm, bưởi da xanh, mít Thái…
Vụ thu hoạch mới đây, 800 cây sầu riêng đã mang lại nguồn thu hơn 1,8 tỷ đồng. Dự tính cuối năm nay, khi các loại cây trồng khác bước vào thu hoạch, gia đình anh thu thêm khoảng 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, vườn cây của anh Long mang lại lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.
Nói về vợ chồng anh Long, ông Vũ Ngọc Yêu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 4-cho hay: “Vợ chồng anh Long còn trẻ mà đã gây dựng được cơ ngơi thật đáng khâm phục.
Thu nhập cao nên anh chị có điều kiện đầu tư thâm canh vườn cây, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Với sự thành công của anh, nhiều người đã tìm đến học hỏi và làm theo”.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 5.800 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 3.000 ha đã cho thu hoạch.
Những huyện có diện tích sầu riêng lớn gồm: Chư Prông, Chư Sê, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Pưh, Đak Đoa.
Các giống sầu riêng được trồng chủ yếu là Dona, Musangking, Ri6 và một số giống địa phương. Trong đó, người dân chú trọng sử dụng giống sầu riêng Dona vì dễ trồng, dễ chăm sóc, chất lượng quả tốt, bán được giá.
Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai-thông tin: “Mỗi giống sầu riêng có đặc điểm hình dáng và hương vị khác nhau. Giống sầu riêng Dona thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, ra trái to, cơm dày, vị ngọt đậm, được thị trường ưa chuộng.
Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến khích người dân trồng sầu riêng phù hợp với quy hoạch, tham gia chuỗi liên kết, có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững”.