Trồng cây cảnh thế lạ, dáng độc, nông dân đất Chờ của Bắc Ninh có tài sản tiền tỷ

Hà Linh Thứ ba, ngày 02/05/2023 12:52 PM (GMT+7)
Gần 30 năm đam mê với cây cảnh nghệ thuật, nghệ nhân Chu Văn Chốt, sinh năm 1953, thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã tạo nên nhiều tác phẩm cây cảnh ấn tượng được giới chơi cây cảnh đánh giá cao và có giá trị kinh tế.
Bình luận 0

Vượt qua những biến động thị trường “lúc bổng, lúc trầm”, phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) vẫn được duy trì, phát triển. Nhiều nghệ nhân bằng tài năng, chịu khó, sáng tác những tác phẩm SVC độc đáo, không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn góp phần làm đẹp môi trường, cảnh quan quê hương.

Trồng cây cảnh thế lạ, dáng độc, nông dân đất Chờ của Bắc Ninh có tài sản tiền tỷ - Ảnh 1.

Vườn cây cảnh, tromg đó có nhiều cây cảnh độc lạ, trị giá hàng tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Tiến, thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Vượt qua những biến động thị trường “lúc bổng, lúc trầm”, phong trào sinh vật cảnh (SVC) ở huyện Yên Phong vẫn được duy trì, phát triển. Nhiều nghệ nhân bằng tài năng, chịu khó, sáng tác những tác phẩm SVC độc đáo, không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn góp phần làm đẹp môi trường, cảnh quan quê hương.

“Từ cầm bay sang cầm kéo”

Đó là lời tâm sự của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiến, thôn Trác Bút, thị trấn Chờ (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) về quyết định chuyển từ nghề xây dựng sang làm cây cảnh. 

Những năm 2000, thời kỳ đất nước đang có bước chuyển mình vượt bậc, tầng lớp khá giả ngày một nhiều, nhu cầu làm đẹp và hưởng thụ cái đẹp nâng lên, đặc biệt là thú chơi cây cảnh ở mọi người, mọi nhà. 

Quyết định chuyển nghề là rất đúng đắn nhưng cũng đầy táo bạo bởi xưa nay ông chỉ cầm thước, cầm bay xây dựng, nay chuyển sang nghề cầm kéo không khỏi bỡ ngỡ. Song bằng sự khéo léo và óc sáng tạo, ngay những năm đầu “bén duyên” với cây, ông Tiến có những giải đặc biệt tại các cuộc triển lãm SVC trong và ngoài tỉnh mà ít ai ngời tới. 

Nổi bật nhất là năm 2018, ông đạt giải Huy chương Bạc tại Hội triển lãm SVC toàn quốc với tác phẩm “Cây sanh ngũ phúc” và giải Vàng tác phẩm “Me thác đổ”. 

Sau gần 20 năm đam mê với việc cắt, tỉa, tạo dáng, thế cho cây, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiến đã nhận được gần 30 tác phẩm đạt giải ở các cuộc triển lãm và mang những “đứa con tinh thần” của mình đi dự tại 4 cuộc Festival toàn quốc…

Ngắm nhìn những cây si, sanh, duối được uốn, tạo dáng thành những kiệt tác mang dáng hình và ý nghĩa khác nhau của ông Tiến, thực sự cảm phục ý chí, tinh thần, sự sáng tạo, tài hoa của người nghệ nhân này. 

Ban đầu không phải cây nào mua về cũng có dáng, hình đẹp đôi khi chỉ là gốc cây trần trụi. Để hình thành ý tưởng, tạo dáng cho cây, nhiều đêm ông mắc đèn thức trắng để “phù phép” cho những tác phẩm cây của mình, những khi chuẩn bị mang tác phẩm đi triển lãm thì thời gian dành cho cây thậm chí cả ngày lẫn đêm. 

Ông bảo: “Giá trị những tác phẩm cây thì khó đong đếm được. Có lần tôi đi tham quan cùng Hội SVC tỉnh đến nhà vườn ở Đồng Nai thấy một cây khá đặc biệt nằm ngoài chậu bò dài, gốc sùi ra, tôi mua và sau khi thanh toán xong cầm kéo cắt 2 nhát để đưa lên chậu thì chủ vườn xin mua lại với giá gấp đôi”.

Từ ngày 30 Tết Quý Mão đến nay, ông Tiến bán được 17 tác phẩm cây nghệ thuật thu gần 150 triệu đồng. Ông Tiến đang sở hữu bộ sưu tập bonsai đáng nể với hàng chục loại cây, như: Nguyệt quế, tùng, si, sanh, duối... cây hạng mini, trung, đại đều có. 

Trong số cây cảnh giá trị, một số bonsai “cổ thụ” được chăm sóc lâu năm với giá bán trên thị trường từ 200 đến 400 triệu đồng. Với ông Tiến, chơi cây cảnh không chỉ nâng cao được đời sống kinh tế gia đình mà còn giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ khi hòa mình vào thiên nhiên.

30 năm ăn, ngủ cùng cây

Gần 30 năm đam mê với cây cảnh nghệ thuật, nghệ nhân Chu Văn Chốt, sinh năm 1953, thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong) đã tạo nên nhiều tác phẩm ấn tượng được giới chơi cây cảnh đánh giá cao và có giá trị kinh tế.

Ông Chốt kể: “Sau khi xuất ngũ trở về, tôi tham gia công tác địa phương, đến năm 1997 mới “bén duyên” cùng cây cảnh. Ban đầu chỉ là sở thích, lựa chọn vài cây phù hợp để chơi, rồi theo thời gian lại trở thành “nghiệp” lúc nào không hay. 

Hồi mới chập chững vào nghề, nhìn những cây người ta uốn “dáng rồng, dáng phượng” thì ngưỡng mộ lắm, nhưng mình bắt tay vào làm thì quả thật rất gian nan, nhiều khi bán cả tấn thóc đi lấy tiền mua cây nhưng về tạo dáng không được như mong muốn, có nhiều cây bị chết do thiết kỹ thuật…. 

Song, ông không nản chí, quyết tâm tìm đến những người đi trước, những “vựa” cây cảnh nổi tiếng của cả nước như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… để học hỏi.

Chịu khó lặn lội, sưu tầm cây, tìm phôi cây rồi kiên trì, tỷ mẩn với khu vườn cảnh, ông Chốt nuôi hy vọng về một ngày mọi người nhận thấy cái đẹp của cây cảnh. Và đúng như tiên đoán của ông, giai đoạn từ 2008 đến 2011 là thời kỳ hoàng kim nhất của những người làm nghề cây cảnh. 

Đi đâu hay làm gì cũng thấy người ta nhắc đến cây cảnh, nhiều cây cảnh đẹp có giá trị đến cả trăm triệu đồng. Nhờ vườn cây cảnh, gia đình ông Chốt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, ông xây được nhà khang trang, nuôi các con trưởng thành. 

Đam mê và yêu cây như chính “con đẻ” của mình, giờ đây ông sở hữu hàng trăm tác phẩm cây khác nhau như mộc hương, mai chiếu thủy, sanh, si…. trị giá vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/cây. Ông đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho 10 tác phẩm cây để trưng bày ở Đền Đô trong tuần tới.

Theo ông Tô Như Khoa, Chủ tịch Hội SVC huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh): ông Tiến, ông Chốt là 2 điển hình trong số gần 500 hội viên SVC tiêu biểu của huyện. Hội SVC huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, trồng, chăm sóc cây cảnh; đẩy mạnh phong trào tìm tòi, sáng tạo các loại hoa, cây cảnh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. 

Phát huy vai trò định hướng kịp thời cho hội viên trong quá trình phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm SVC, trở thành cầu nối, tạo cơ hội để các hội viên giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem