Dân Việt

Khoản lợi siêu khủng của Nguyễn Cao Trí sau khi rao bán lại dự án với giá 27.600 tỷ đồng

Cao Nguyễn Đông Anh 07/11/2024 14:00 GMT+7
Sau màn phù phép tăng vốn ảo để sở hữu Sài Gòn Đại Ninh với giá 3.000 tỷ đồng, Nguyễn Cao Trí đã rao bán lại với giá cực “khủng”… 27.600 tỷ đồng và hưởng lợi bất chính hơn 2.700 tỷ đồng. Nếu Công an không vào cuộc, số tiền hưởng lợi bất chính có lẽ không chỉ dừng lại ở con số này.

Như Dân Việt đã đưa, với màn phù phép, biến hoá, Nguyễn Cao Trí chỉ phải chi 985,28 tỷ đồng để được sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Đầu tư du lịch SGĐN Lavender (Công ty Lavender) – đồng nghĩa, ông Trí sở hữu 51% cổ phần Công ty Cổ phân Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty SGĐN), chủ đầu tư dự án Đại Ninh.

Theo Kết luận điều tra của Bộ Công an, lúc này, Nguyễn Cao Trí đã bắt đầu hướng tới mục đích bỏ túi siêu lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng, chỉ bằng việc chuyển nhượng dự án (thay vì tiếp tục đầu tư, xây dựng dự án). Lấy pháp nhân Công ty Lavender (lúc này đã trở thành công ty của riêng Nguyễn Cao Trí), Trí cho ký bản "Thỏa thuận bảo mật thông tin" ngày 30/5/2022 với Công ty Cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Tập đoàn Novaland), về việc chuyển nhượng dự án Đại Ninh.

Khoản lợi siêu khủng của Nguyễn Cao Trí sau khi rao bán lại dự án với giá 27.600 tỷ đồng- Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Cao Trí tại phiên xét xử đại án Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Giai đoạn 1). Ảnh: T.L

Ngày 12/8/2022, Công ty Lavender và Công ty Thiên Vương (thuộc Tập đoàn Novaland) tiếp tục ký "Hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng cổ phần, với nội dung: Công ty Lavender và các cá nhân, tổ chức là cổ đông đang sở hữu và/hoặc có quyền hợp pháp đối với 200 triệu cổ phần (100% vốn điều lệ) của Công ty Sài Gòn Đại Ninh, sẽ chuyển nhượng 100% vốn điều lệ tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh cho Công ty Thiên Vương, với tổng giá trị giao dịch là 27.600 tỷ đồng, theo 5 đợt thanh toán (giá chuyển nhượng tối đa 27.600 tỷ đồng, phụ thuộc vào các điều kiện liên quan việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, điều chỉnh quy hoạch 1/500 đối với phần sử dụng đất ở tại dự án).

Ngày 30/9/2022, bà Phan Thị Hoa ký tiếp "Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần" để chuyển nhượng tiếp 7% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh cho Công ty Lavender (do Nguyễn Cao Trí đại diện), với giá trị 700 tỷ đồng. Trong đó, Trí đặt cọc thanh toán trước cho bà Hoa 20 tỷ đồng ngày 15/8/2022.

Khoản lợi siêu khủng của Nguyễn Cao Trí sau khi rao bán lại dự án với giá 27.600 tỷ đồng- Ảnh 2.

Một phần dự án Đại Ninh có công trình xây dựng, nhìn từ trên cao. Ảnh: T.L

Về phía Tập đoàn Novaland, để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (thực chất là mua lại dự án Đại Ninh), Novaland đã thanh toán bước đầu cho Công ty Lavender của Nguyễn Cao Trí 2.700 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Lavender đã dùng số tiền 2.700 tỷ đồng vào nhiều mục đích khác nhau như: 

Chuyển trả bà Hoa số tiền 680 tỷ đồng để thanh toán tiền mua 7% cổ phần tại Công ty Sài Gòn Đại Ninh (Hợp đồng ngày 30/9/2022); số tiền còn lại, Nguyễn Cao Trí sử dụng vào việc thanh toán khoản nợ đã vay 1.000 tỷ đồng để trả cho bà Hoa trước đây; và sử dụng cho các hoạt động kinh doanh khác của Công ty Lavender, cá nhân của Nguyễn Cao Trí.

Tổng cộng, Trí và bà Hoa đã ghi nhận với nhau, việc Trí thanh toán 1.700 tỷ đồng để được bà Hoa xác nhận Trí đã sở hữu 58% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh – tức Nguyễn Cao Trí đã "chính danh" chủ sở hữu đầu tư dự án Đại Ninh.

Khoản lợi siêu khủng của Nguyễn Cao Trí sau khi rao bán lại dự án với giá 27.600 tỷ đồng- Ảnh 3.

Toàn cảnh dự án Đại Ninh nhìn từ trên cao. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, đến tháng 7/2020, khi nghe tin dự án Đại Ninh bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi, rồi được tin bà Hoa đang có đơn xin phục hồi, giãn tiến độ dự án, nên Novaland tiếp tục chờ đợi để đàm phán mua lại dự án, khi dự án đã được phục hồi.

Tháng 12/2020, trong quá trình đàm phán, xuất hiện Nguyễn Cao Trí bên cạnh bà Hoa. Theo bà Hoa, dự án Đại Ninh đã chuyển nhượng cho Trí, để Trí đứng tên dự án, Trí sẽ xin phục hồi, gia hạn dự án… Nếu Novaland muốn mua lại dự án Đại Ninh, thì làm việc với Trí…

Khoản lợi siêu khủng của Nguyễn Cao Trí sau khi rao bán lại dự án với giá 27.600 tỷ đồng- Ảnh 4.

Dự án Đại Ninh dù được cấp phép đã 14 năm, nhưng hầu hết đất đai bị bỏ hoang, mới xây được vài tòa nhà như thế này đây. Ảnh: T.L

Tháng 3/2022, phía Novaland được biết dự án Đại Ninh đã được phục hồi, gia hạn… Từ đó, Novaland mới thực hiện các thủ tục nhận chuyển nhượng dự án Đại Ninh như đã nêu trên. Trong đó, ký Thỏa thuận bảo mật thông tin ngày 30/5/2022, với mức phí bảo mật thông tin là 300 tỷ đồng. Ký Hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty SGĐN với tổng giá trị 27.600 tỷ đồng.

Novaland đã chuyển 2.700 tỷ đồng cho Trí, nhưng không đúng theo tiến độ của hợp đồng thỏa thuận, nên Novaland chưa được Trí giao sở hữu cổ phần hoặc có quyền lợi chính thức gì tại dự án Đại Ninh.

Khoản lợi siêu khủng của Nguyễn Cao Trí sau khi rao bán lại dự án với giá 27.600 tỷ đồng- Ảnh 5.

Tại dự án Đại Ninh, một tòa nhà xây dựng hiện trong cảnh bỏ hoang, không có người ở. Ảnh: Hữu Long

Như vậy, sau khi thỏa thuận mua lại dự án Đại Ninh từ bà Phan Thị Hoa, Nguyễn Cao Trí hoàn toàn không nhằm mục đích phát triển, đầu tư, xây dựng dự án. Trái lại, Nguyễn Cao Trí chỉ nhằm mục đích chuyển nhượng, rao bán ngay dự án cho Công ty Thiên Vương (thuộc Tập đoàn Novaland), với mức giá 27.600 tỷ đồng.

Công ty Thiên Vương phải thanh toán đợt 1 cho Công ty Lavender của Trí 5.000 tỷ đồng trước ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, Thiên Vương đã vi phạm tiến độ, đến ngày 7/10/2022, mới thanh toán được 2.700 tỷ đồng cho Lavender.

Khoản lợi siêu khủng của Nguyễn Cao Trí sau khi rao bán lại dự án với giá 27.600 tỷ đồng- Ảnh 6.

Nguyễn Cao Trí tại phiên tòa xét xử đại án Trương Mỹ Lan. Ảnh: T.L

Với hành vi này,  Nguyễn Cao Trí nổi lên với vai trò như một "ông trùm", lợi dụng danh nghĩa doanh nhân, nhà đầu tư, nhưng không vì mục đích phát triển, đầu tư chân chính. 

Theo Kết luận điều tra của Bộ Công an, ở đây, Nguyễn Cao Trí đã bất chấp luật pháp, sẵn sàng dùng chính dự án đang có dấu hiệu vi phạm luật pháp để trục lợi. Với hàng loạt hành vi, thủ đoạn gian dối như: tăng vốn ảo, điều khiển một số cơ quan chức năng, móc nối một số cá nhân…, nhằm cho mình "chính danh" dự án Đại Ninh rồi rao bán với giá siêu "khủng" 27.600 tỷ đồng nhằm trục lợi, kiếm lãi chênh khủng. Qua màn ảo thuật này, Nguyễn Cao Trí hưởng lợi bất chính hơn 2.700 tỷ đồng. 

Nếu cơ quan luật pháp không sớm phanh phui, khởi tố vụ án, thì chắc chắn rằng, số tiền hưởng lợi bất chính của "ông trùm" Nguyễn Cao Trí trong thương vụ mua bán dự án Đại Ninh có lẽ không dừng ở con số này. 

Trong vụ đại án Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Cao Trí đã thỏa thuận bán cho Trương Mỹ Lan 100% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh, với giá 3.000 tỷ đồng. Bà Trương Mỹ Lan đã đặt cọc cho Trí số tiền 1 triệu USD và 127 tỷ đồng.

Sau đó, Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí đã thống nhất chuyển số tiền đặt cọc 1 triệu USD và 127 tỷ đồng sang thanh toán mua 10% vốn điều lệ Công ty cổ phần Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang (một công ty khác của Nguyễn Cao Trí tại TP.HCM).

Nguyễn Cao Trí đã nhiều lần nhận tiền của bà Lan, với tổng cộng 1.000 tỷ đồng. Nguyễn Cao Trí bị tuyên mức án 8 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong vụ án Trương Mỹ Lan - Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.