Màn ảo thuật biến hoá dòng tiền ảo để sở hữu Sài Gòn Đại Ninh của Nguyễn Cao Trí
Màn ảo thuật biến hoá dòng tiền ảo để sở hữu Sài Gòn Đại Ninh của Nguyễn Cao Trí
Cao Nguyễn Đông Anh
Thứ năm, ngày 07/11/2024 09:45 AM (GMT+7)
Bộ Công an vừa công bố bản kết luận điều tra vụ án hình sự vụ án Sài Gòn Đại Ninh. Kết quả điều tra vụ án cho thấy vai trò trung tâm của bị can Nguyễn Cao Trí trong vụ án này, đặc biệt là chuỗi hành vi chuyển nhượng với dòng tiền ảo, biến "không" thành "có để sở hữu dự án Đại Ninh và trục lợi.
Hồi sinh dự án Đại Ninh bị thu hồi bằng chiêu chuyển nhượng
Theo hồ sơ của Bộ Công an, xuất phát điểm, dự án Đại Ninh do Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty SGĐN) làm chủ đầu tư. Ở thời điểm thành lập, bà Phan Thị Hoa giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Công ty Sài Gòn Đại Ninh có vốn điều lệ ban đầu (năm 2010) là 300 tỷ đồng, năm 2017, tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2019, bà Hoa còn thành lập, làm giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư du lịch SGĐN Lavender (Công ty Lavender), vốn điều lệ 800 tỷ đồng.
Ngày 30/12/2010, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được cấp phép đầu tư dự án Đại Ninh, với diện tích 3.595,45ha, tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, thời hạn từ năm 2010 – 2018. Tuy nhiên, năm 2019, dự án vẫn chưa nhúc nhích, vì Công ty Sài Gòn Đại Ninh không có năng lực tài chính để triển khai dự án.
Ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kết luận thanh tra số 929, kiến nghị thu hồi đất, chấm dứt hoạt động đầu tư dự án Đại Ninh.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, biết rất rõ dự án Đại Ninh bị kiến nghị thu hồi, tuy nhiên, Nguyễn Cao Trí vẫn tự tin lao vào… kiếm tiền, bằng chính dự án đang bị kiến nghị thu hồi này. Bằng các quan hệ quen biết với các quan chức, cán bộ cao cấp từ trung ương xuống địa phương, Nguyễn Cao Trí đã dùng nhiều thủ đoạn, hành vi… "phù phép" để hà hơi, tiếp sức cho dự án Đại Ninh "sống" lại, không bị thu hồi.
Không đề cập tới các thủ đoạn hối lộ tiền tỷ cho các quan chức, chỉ đề cập riêng việc hà hơi "ảo", tiếp sức "khống" dòng tiền qua lại giữa các đối tác liên quan tới dự án Đại Ninh, cho thấy bị can Nguyễn Cao Trí thật sự đáng sợ.
Cụ thể: Dù biết rất rõ dự án Đại Ninh bị kiến nghị thu hồi, nhưng Trí vẫn thản nhiên ký Thỏa thuận đặt cọc ngày 2/10/2020 với bà Phan Thị Hoa để mua lại 100% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh với giá 3.000 tỷ đồng (không bao gồm khu A) và đặt cọc trước 119,8 tỷ đồng. Việc mua bán cổ phần này, thực chất chỉ là bình phong, để Nguyễn Cao Trí mua lại dự án Đại Ninh.
Tiếp theo, ngày 2/12/2020, hai bên ký Hợp đồng chính thức chuyển nhượng 100% cổ phần Công ty SGĐN, với giá 5.000 tỷ đồng (tăng thêm 2.000 tỷ so với thỏa thuận). Theo đó, Nguyễn Cao Trí thanh toán trước 1.000 tỷ đồng cho bà Hoa, để được sở hữu 51% cổ phần của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Màn tăng vốn ảo để sở hữu Sài Gòn Đại Ninh của Nguyễn Cao Trí
Từ đây, bắt đầu hàng loạt hành vi, thủ đoạn biến hóa khôn lường, biến "không" thành "có", với dòng tiềng qua lại hàng trăm tỷ đồng. Đầu tiên, Nguyễn Cao Trí và Hoa thống nhất tăng vốn điều lệ "ảo" cho Công ty Lavender từ 800 tỷ lên 1.530 tỷ đồng. Bằng việc Trí sử dụng 360 tỷ đồng huy động được từ Tập đoàn Bến Thành, rồi quay vòng 5 lần rút, nộp liên tục cùng ngày 22/12/2020 qua các tài khoản (bà Hoa > Công ty Lavender > bà Hoa) tại Ngân hàng Sacombank.
Mục đích của hành vi rút – nộp tiền trên là tạo doanh số chuyển tiền 1.530 tỷ đồng (thực chất xoay vòng chỉ có 360 tỷ đồng tiền thật), để hợp thức hóa việc bà Hoa góp 100% vốn. Ngày 23/12/2020, Công ty Lavender thay đổi kinh doanh tăng vốn điều lệ lên 1.530 tỷ đồng và thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Hoa sang cho Nguyễn Cao Đức (em ruột của Trí).
Kế đó, Trí và Hoa thống nhất tạo dựng Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, lấy lùi ngày ký là 20/2/2020 (thực tế ký ngày 2/12/2020), chuyển nhượng 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh đứng tên bà Hoa sang cho Công ty Lavender với giá 1.530 tỷ đồng (100% vốn điều lệ Công ty Lavender).
Hai bên cùng ký hợp đồng ngày 18/12/2020 chuyển nhượng 51% vốn cổ phần của Công ty Sài Gòn Đại Ninh từ Công ty Lavender cho Công ty TNHH Capella Hospitality (Công ty của Nguyễn Cao Trí), với giá 1.530 tỷ đồng.
Ngày 28/12/2020, Trí và Hoa tiếp tục thống nhất một lần nữa, dùng số tiền 360 tỷ đồng từ nguồn tiền của Trí huy động ở trên, "chạy" dòng tiền để thể hiện Công ty Capella Hospitality "thanh toán" 645 tỷ đồng cho bà Hoa.
Qua đó, nhằm chứng minh vốn tự có, để Công ty này được vay vốn của Ngân hàng Sacombank thanh toán tiếp cho bà Hoa số tiền 1.530 tỷ đồng. Mục đích là để hợp thức cho việc Trí sở hữu 100% vốn Công ty Lavender và nắm giữ 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh (đồng nghĩa Trí sở hữu toàn bộ dự án Đại Ninh).
Ngày 28/12/2020 và 5/2/2021, từ nguồn vốn vay được Sacombank giải ngân, Trí đã thanh toán thêm cho bà Hoa 865,45 tỷ đồng. Từ đây, người đại diện pháp luật từ bà Phan Thị Hoa đã được thay đổi hoàn toàn sang cho Nguyễn Cao Trí. Và, từ đây, Trí mới "chính danh" lo các thủ tục cho dự án Đại Ninh được giãn tiến độ, không bị thu hồi.
Như vậy, từ ngày 2/10/2020 (ký Thỏa thuận đặt cọc) đến ngày 5/2/2021, bà Hoa đã được Trí thanh toán tổng cộng 985,28 tỷ đồng (gồm 119,83 tỷ đồng đặt cọc tiền mặt và 865,45 tỷ đồng vay vốn của Sacombank) để mua 100% vốn điều lệ Công ty Lavender và sở hữu 51% cổ phần Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Mặc dù mới thanh toán 985,28 tỷ đồng, nhưng bà Hoa và Trí lại thống nhất đã thanh toán đủ 1.000 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch 15 tỷ đồng, bà Hoa ủng hộ Trí làm tự thiện, đối ngoại tỉnh Lâm Đồng. Thậm chí còn hào phóng hơn, ngày 4/6/2021, bà Phan Thị Hoa còn biếu thêm cho Nguyễn Cao Trí 20 tỷ đồng để ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.