Từ câu chuyện của một đại điền tiên phong làm lúa hữu cơ ở Ninh Bình
Là một trong những người khởi xướng phong trào đại điền tại Ninh Bình, ông Trịnh Viết Chiến (hơn 60 tuổi) ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã và đang tích tụ rất nhiều ruộng đất để làm cánh đồng mẫu lớn.
Nói chuyện với chúng tôi, ông Chiến cho hay: Tôi nằm trong số những người đầu tiên ở miền Bắc và là người đầu tiền ở tỉnh Ninh Bình sắm được máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Chỉ cần một người đứng một chỗ điều chỉnh điện thoại là có thể điều khiển thiết bị phun được hàng chục ha lúa/ngày. Nhưng chỉ dùng được 1 năm thấy thiết bị gặp nhiều sự cố, tôi lại mua sắm máy bay mới thông minh hơn trị giá hơn 600 triệu đồng để phục vụ cánh đồng mẫu lớn của gia đình.
Máy bay thế hệ mới của tôi có thể tự định vị được vị trí phun, rải phân. Khi phun và rải phân xong, máy sẽ quay về vị trí hạ cánh. Theo ông Chiến, trong số các khâu trồng lúa, việc phun thuốc trừ sâu luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho người nông dân nhiều nhất. Chính vì vậy, dùng máy bay phun thuốc trừ sâu, giải phóng sức lao động cho con người được nông dân hết sức ủng hộ.
"Với máy bay nông nghiệp điều khiển từ xa, chúng tôi sẽ không còn tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu, sự tiếp xúc duy nhất với thuốc trừ sâu là khi đổ thuốc pha vào máy bay, điều này là tối thiểu. Chúng tôi chỉ cần đứng trên bờ, xa vị trí cần phun và bấm nút, máy bay sẽ cất cánh, bay đến điểm phun và xịt thuốc tự động, đồng đều cho cây trồng.
Bên cạnh việc đưa thuốc BVTV sinh học và áp dụng máy bay không người lái vừa giúp bảo vệ sức khỏe cho người đi, vừa giúp việc phun thuốc có độ chính xác cao hơn. Việc dùng máy bay phun sẽ cần ít thuốc hơn và làm giảm lượng thuốc tồn dư chảy ra sông suối gần đó và gây ra tác động ngoài ý muốn đối với môi trường", ông Chiến bộc bạch.
Sau nhiều năm liên tục sắm máy, đến nay, ông Chiến đã sở hữu hàng chục loại máy móc khác nhau gồm 2 máy làm đất, 2 máy cấy, 2 máy bay, 2 máy gặt đật liên hợp… Mới đây, gia đình ông lại đầu tư thêm máy làm đất đa năng trị giá 400 triệu đồng có thể làm được ở các loại ruộng, địa hình khác nhau.
Ông Chiến cho hay: "Dù tự chủ tiền mua máy với chi phí lớn nhưng đổi lại máy móc giúp ích cho công việc sản xuất của gia đình rất nhiều. Hơn nữa, riêng tiền dùng máy làm thuê phục vụ bà con ở địa phương mỗi năm chúng tôi có thể hoàn vốn rất nhanh.
Nhờ có máy móc mà đến nay, chúng tôi đã chủ động được mọi khâu trong trồng lúa. Từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, sấy, bảo quản nên việc sản xuất lúa rất nhàn. Nhiều hộ dân còn cấy nói chi phí mỗi sào lúa đến khi thu hoạch phải cỡ 1 - 1,2 triệu đồng nhưng tôi chỉ làm hết 600.000 đồng".
Đặc biệt hơn, nhiều năm nay, ông Chiến đã dần chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ. Hàng năm, gia đình ông nhập hàng trăm tấn phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học để phục vụ công việc trồng lúa. Theo ông Chiến, so với trồng lúa truyền thống, sản xuất lúa hữu cơ đầu tư chi phí cao hơn nhưng đổi lại giúp đất đai mầu mỡ hơn.
Điều chúng tôi ấn tượng hơn tại mô hình trồng lúa liên kết của ông Chiến là việc thâm canh cá và nuôi vịt để tận thu hết các lúa rơi, rạ sau thu hoạch và dùng vịt để tiêu diệt các thiên địch như ốc bươu vàng, sâu…
"Mỗi năm tôi làm 2 vụ lúa, xen kẽ giữa 2 vụ lúa, cho ruộng nghỉ chúng tôi lại tranh thủ nuôi cá, thả vịt cũng rất hiệu quả. Trung bình mỗi năm, chúng tôi thu khoảng gần chục nghìn vịt thịt và hàng chục tấn cá mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Cái lợi lớn hơn khi nuôi cá, vịt giúp phân hủy hết các rơm rạ trên ruộng và tiêu diệt hết các loại thiên địch như ốc bươu vàng, sâu hại giúp chúng tôi giảm được nhiều chi phí cải tạo đồng ruộng, thuốc BVTV, phân bón...", ông Chiến tiết lộ.
Tại Vĩnh Phúc, anh Nguyễn Tiến Lộc, nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đang dần chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn. Dẫn phóng viên Báo điện tử Dân Việt đi thăm dây chuyền chế biến sữa bò tươi của công ty, Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Tiến Lộc cho biết: "Hiện nay, công ty đã nhập ngoại thiết bị đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.
Quy trình sản xuất được thực hiện khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2018. Khi đầu tư được công nghệ, máy móc hiện đại vào chế biến, giá trị sản phẩm sữa tươi của bà con nông dân đã được nâng lên rất nhiều".
Mô hình sản xuất chế biến sữa của công ty ra đời sau nên tôi luôn xác định cần xây dựng mô hình đồng bộ, tạo ra những sản phẩm nổi bật so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Sản phẩm "Sữa Vĩnh Tường" sử dụng nguồn nguyên liệu 100% từ sữa bò tươi nguyên chất.
Đặc biệt, quy trình sản xuất được xây dựng dựa trên nguyên tắc 100% không sử dụng chất bảo quản, chất tạo vị, tạo hương, phẩm màu hay bất kỳ chất phụ gia nào khác. Toàn bộ sản phẩm đều được lên men tự nhiên, sử dụng hệ thống men vi sinh riêng, tạo hương vị đặc trưng cho sản phẩm".
Anh Lộc cũng chia sẻ thêm: "Do sản phẩm "Sữa Vĩnh Tường" hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản nên quá trình chế biến thực sự quá vất vả. Năm đầu sản xuất, chế biến, có những mẻ sữa sản xuất xong tôi phải đổ bỏ. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến ngày hôm nay, chúng tôi đã khắc phục một cách triệt để và kiểm soát được quy trình sản xuất, chế biến sữa.
Năm 2023, các sản phẩm của Công ty gồm: Sữa tươi thanh trùng không đường, Sữa tươi thanh trùng có đường, Sữa chua Vĩnh Tường, Sữa chua nếp cẩm Vĩnh Tường, sữa chua uống… vinh dự được vinh danh là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và đạt chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Vĩnh Phúc.
Đầu năm 2024, các sản phẩm của Công ty được vinh danh là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Khu vực.
Mong được tiếp sức
Chia sẻ thêm về kế hoạch trong tương lai, anh Lộc cho hay: Sắp tới, chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng sản xuất và xây dựng dây chuyền tuần hoàn từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, chúng tôi rất mong các bộ ngành trung ương và tỉnh xem xét hỗ trợ quỹ đất đủ rộng, đủ điều kiện để doanh nghiệp xây dựng mô hình tuần hoàn theo chuỗi.
"Chúng tôi và nhiều nông dân, doanh nghiệp rất mong các ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi, trong đó, các ngân hàng cần đơn giản hóa thủ tục vay vốn để các đơn vị tiếp cận vốn nhanh và thuận lợi hơn", anh Lộc kiến nghị.
Kỳ vọng trước thềm Diễn đàn Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Lắng nghe nông dân nói diễn ra ngày 15/11, anh Lộc rất mong Bộ trưởng Bộ TNMT và tỉnh hỗ trợ cơ chế, chính sách giúp đơn vị của anh có thêm diện tích đất đai đủ lớn để đầu tư vào dây chuyền tuần hoàn.
Cũng theo anh Lộc, hiện nay khái niệm nông nghiệp xanh, tuần hoàn đang được nhắc đến khá nhiều, trong đó, sản xuất xanh đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển nông nghiệp xanh. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về sản xuất nông nghiệp xanh cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để từ đó thay đổi tư duy, phương thức, mục tiêu sản xuất.
Cùng kiến nghị với anh Lộc, ông Trịnh Viết Chiến đề nghị các ngành chức năng cần bố trí nguồn vốn ưu tiên, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hằng năm để hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã đăng ký quy trình, hoàn thiện nhãn mác, bao bì và tem truy xuất, góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản; xây dựng, triển khai sàn giao dịch chuyên về nông sản an toàn để kết nối giữa nhà sản xuất, hợp tác xã với người tiêu dùng.
Là đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ lâu năm ở Ninh Bình, bà Phạm Thị Phương, một HTX ở Yên Khánh cho rằng: Có thể thấy những năm gần đây, khi vấn nạn thực phẩm bẩn ở mức báo động, người tiêu dùng ngày càng quan tâm những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ để bảo vệ sức khỏe. Theo đó, giá nông sản hữu cơ thường có giá cao gấp 2-3 lần so với nông sản cùng loại giúp các HTX, doanh nghiệp đơn vị tham gia sản xuất đều thuận lợi trong tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, ở một số nơi, do nông sản hữu cơ cung không đủ cầu nên dẫn đến tình trạng giả mạo; nhưng cũng có nơi, nông sản hữu cơ phải nhổ bỏ đi vì không thể tiêu thụ được. Một trong nhiều nguyên nhân là người dân chưa biết nhiều và hiểu sâu về nông sản hữu cơ.
Theo đó, bà Phương cho hay: Chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần được công bố bằng những tiêu chí rõ ràng, để khi đến tay người tiêu dùng, họ có thể biết được rằng sử dụng sản phẩm hữu cơ đích thực. Để người tiêu dùng chấp nhận tiêu dùng sản phẩm hữu cơ với giá cao cũng cần có sự trợ giá trong thời gian nhất định. Và như thế mới tác động ngược trở lại đối với các doanh nghiệp, HTX sản xuất.
"Một khi người tiêu dùng biết đến nông sản hữu cơ nhiều hơn, lượng nông sản hữu cơ tiêu thụ sẽ ngày một nhiều hơn chứ không chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn như hiện nay, chỉ hơn 10% nông sản của cả nước. Và khi đó, bài toán khuyến khích nhiều các doanh nghiệp, HTX, nông dân tham gia canh tác nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp xanh sẽ được giải quyết.
Trong khi chờ đợi những cơ chế quản lý và chế tài từ Nhà nước để bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, quyền lợi người tiêu dùng, mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông minh", bà Phương nói thêm.