Sau Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Cần quy hoạch hài hòa giữa điện gió và khu nuôi trồng thủy sản (Bài 5)
Sau Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Cần quy hoạch hài hòa giữa điện gió và khu nuôi trồng thủy sản (Bài 5)
Hoàng Hạnh
Thứ năm, ngày 24/10/2024 13:00 PM (GMT+7)
Cần có quy hoạch chi tiết và tích hợp giữa các dự án năng lượng tái tạo và khu vực nuôi trồng thủy sản (NTTS). Các khu vực lắp đặt điện gió cần được lựa chọn và đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường (TĐMT), đặc biệt đối với các khu vực "nhạy cảm" như các vùng NTTS ven biển.
Đó là nhận định của ông Phạm Văn Mười – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu xoay quanh sự cố rơi cánh quạt trụ tuabin gió tại nhà máy điện gió Hòa Bình 5 vào ngày 1/3 vừa qua, làm thiệt hại 15 ao cá nuôi của nông dân huyện Hòa Bình.
Đây cũng là vấn đề được nông dân kiến nghị tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX- năm 2024 với chủ đề: Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lắng nghe nông dân nói diễn ra ngày 14/10 vừa qua. Theo đó, một số nông dân có nêu vấn đề: Hiện nhiều khu vực ven biển đang phát triển các cột điện gió trùng với các khu vực NTTS của ngư dân. Từ đó, dẫn tới việc mỗi khi có dông sét, thường đánh vào các cột điện gió nhiều hơn và truyền xuống các ao NTTS làm chết cá, thủy sản của người dân.
Tạo sự hài hòa giữa phát triển điện gió và lợi ích của nông dân
Trước đó chưa lâu, nông dân Nguyễn Văn Kiên (ngụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) – chủ 15 ao cá nuôi thương phẩm bị thiệt hại sau sự cố rơi cánh quạt trụ tuabin gió tại nhà máy điện gió Hòa Bình 5 vào ngày 1/3.
Sau sự cố này, ông Kiên yêu cầu Công ty cổ phần năng lượng Hacom Bạc Liêu (chủ đầu tư) bồi thường hơn 160 tỷ đồng tiền thiệt hại do cá bị chết. Song nông dân này chỉ được nhận bồi thường khoảng 500 triệu đồng.
Trao đổi với Dân Việt, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Mười cho rằng: Sự cố cánh quạt điện gió rơi làm chết cá dứa ở Bạc Liêu không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của người dân nuôi cá.
Sự cố này làm dấy lên những lo ngại về tính an toàn và tác động môi trường của các dự án điện gió hiện nay trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó đặt ra những thách thức đối với việc cân bằng giữa phát triển năng lượng tái tạo và ngành NTTS.
Theo ông Mười, để hài hòa lợi ích giữa 2 lĩnh vực này, cần xem xét một số cơ chế, chính sách và giải pháp về quy hoạch như:
Cần có quy hoạch chi tiết và tích hợp giữa các dự án năng lượng tái tạo và khu vực NTTS. Các khu vực lắp đặt điện gió cần được lựa chọn và đánh giá kỹ lưỡng về TĐMT, đặc biệt đối với các khu vực nhạy cảm như các vùng NTTS ven biển.
Quy hoạch cần được thực hiện trên cơ sở phân vùng sử dụng không gian biển, với việc ưu tiên các hoạt động sản xuất quan trọng như NTTS trong khu vực nhất định, đồng thời dành ra những vùng phù hợp để phát triển điện gió.
"Cần phân chia rõ ràng các khu vực dành cho điện gió và NTTS để tránh xung đột. Quy định khoảng cách tối thiểu giữa các tuabin gió và các khu vực nuôi trồng thủy sản", ông Mười nói.
Ngoài ra, trước khi phê duyệt dự án điện gió, cần có quá trình đánh giá TĐMT toàn diện, nghiêm ngặt, với sự tham gia của các chuyên gia về thủy sản và môi trường. Quá trình này cần tập trung vào việc đánh giá ảnh hưởng của việc xây dựng và vận hành điện gió tác động đến môi trường, đặc biệt là các khu vực NTTS. Đồng thời, nếu phát hiện các nguy cơ tiềm tàng, cần áp dụng biện pháp giảm thiểu hoặc điều chỉnh dự án để giảm thiểu ảnh hưởng xấu.
Phó Giám Đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cũng cho rằng, cần phải có cơ chế bồi thường thiệt hại kinh tế cho người NTTS khi có sự cố liên quan đến các dự án điện gió.
Nghĩa là các doanh nghiệp điện gió cần chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn và đền bù nếu xảy ra sự cố ảnh hưởng đến hoạt động NTTS. Ngoài ra, có thể xem xét cung cấp các gói hỗ trợ tài chính hoặc kỹ thuật cho người dân nếu các khu vực NTTS bị ảnh hưởng do dự án phát triển năng lượng tái tạo.
"Cũng cần áp dụng công nghệ giám sát và cảnh báo sớm trong các dự án điện gió để phát hiện và giảm thiểu các nguy cơ tiềm ẩn cho NTTS", ông Mười nói và cho biết, trong đó bao gồm các hệ thống theo dõi hoạt động của các trụ điện gió, nhằm phát hiện các dấu hiệu trước khi sự cố xảy ra để xử lý kịp thời.
Cần nghiên cứu, đánh giá tác động của dự án điện gió ảnh hưởng đến NTTS
Theo ông Mười, đến nay ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết chưa ghi nhận các hiện tượng bất thường ảnh hưởng lớn đến NTTS quanh khu vực điện gió.
Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của các trụ điện gió cũng có khả năng gây ra một số ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản như: Một số khu vực ven biển được quy hoạch cho các dự án điện gió đã chiếm một phần diện tích mặt nước, dẫn đến việc thu hẹp không gian NTTS. Điều này buộc các cơ sở NTTS phải di dời hoặc giảm quy mô sản xuất.
Để tìm ra cách xử lý hài hòa, ông Phạm Văn Mười – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, cần có sự nghiên cứu đánh giá tiếng ồn và rung động từ các cột điện gió trong quá trình vận hành có thể ảnh hưởng đến các đối tượng nuôi.
Hay hệ sinh thái quanh các khu vực điện gió có thể bị biến đổi gây mất cân bằng trong quần thể sinh vật hay không.
Ngoài ra, cột điện gió có thể làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của nước biển, gây giảm lượng dinh dưỡng cung cấp cho các khu vực NTTS. Đặc biệt là các vùng nuôi nghêu ở bãi bồi ven biển, ảnh hưởng đến sự phát triển của thủy sản…
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu khẳng định: Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và cộng đồng.
Đồng thời, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới là vô cùng cần thiết. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng một tương lai năng lượng bền vững, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói, trình bày trước Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nông dân Trần Kim Phi đến từ thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: "Tôi là người đang nuôi cá lóc trong bể lót bạt trên vùng cát Lệ Thủy của Quảng Bình. Là nghề mới, nuôi cá lóc trên cát ở Quảng Bình đang tạo việc làm, thu nhập tốt hơn cho chúng tôi. Nói đến cồn cát, nhiều người nghĩ đến phải rộng mênh mông, muốn nuôi ở đâu thì nuôi. Nhưng thực tế, chúng tôi đang gặp khó khăn về mở rộng mô hình bởi thiếu quỹ đất. Thêm vào đó, vào ngày dông bão, sét đánh vào các cột điện gió ở địa phương gây cho cá chết hàng loạt".
Theo ông Phi, việc nhận xét cá lóc chết do ảnh hưởng từ các cột điện gió mỗi khi có dông, sét đó là bằng cảm quan, kinh nghiệm của bản thân, chưa có nghiên cứu khoa học nào. Vì vậy, nông dân trên địa bàn rất muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục cho bà con.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.