Sau Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Chuyện kể của nữ tỷ phú với thương hiệu "Banikha" (Bài 1)

Thu Hà Thứ hai, ngày 21/10/2024 08:11 AM (GMT+7)
Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia năm 2024 với chủ đề: “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT lắng nghe nông dân nói”, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của nữ tỷ phú nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Hồng đã gây ấn tượng mạnh với thương hiệu "Banikha".
Bình luận 0

Ý nghĩa của thương hiệu "Banikha"

Giới thiệu với Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan về ý nghĩa của tên "Banikha" trên các dòng sản phẩm của Thiên Phúc, chị Nguyễn Thị Hồng- Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021, Giám đốc Công ty CP Thiên Phúc cho biết: "Banikha có nghĩa là Bách niên khang – bách niên giai lão, đời thêm vương giả. Với ý nghĩa đó, chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu sản xuất, kinh doanh, đầu tư công nghệ hiện đại để đưa những sản phẩm chất lượng nhất, tốt nhất đến tay người tiêu dùng".

Sau Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Chuyện kể của nữ tỷ phú với thương hiệu "Banikha" (Bài 1)- Ảnh 1.

Nữ tỷ phú nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc chia sẻ ý nghĩa của tên "Banikha"- Bách niên khang trên các dòng sản phẩm của Thiên Phúc với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm và các đại biểu tại Diễn đàn.

Với việc tiên phong nghiên cứu và trồng thành công đông trùng hạ thảo, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Hồng không chỉ được biết đến là người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn được biết đến là một người phụ nữ nhạy bén, nhanh nhạy khi áp dụng thành công máy móc, khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp.

Với những thành tích xuất sắc, năm 2021, chị Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc là một trong 63 người được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc. Và nhiều năm nay, chị Hồng luôn là một nông dân tiêu biểu, đại diện cho nông dân TP Hà Nội trong những sự kiện quan trọng.

Chia sẻ về bí quyết nuôi cấy đông trùng hạ thảo thành công, chị Hồng cho hay: "Nuôi cấy đông trùng mọc thành cây khá dễ, nhưng để cây có hàm lượng cao hoạt chất cordycepin lại cực khó. Khi hoạt chất quý càng cao lên thì yêu cầu đầu tư về công nghệ, trí tuệ, giống càng khó hơn nhiều".

Chị Hồng cho biết thêm: Ngoài công đoạn chọn lọc con nhộng khỏe, tốt để nuôi tằm và cấy bào tử nấm vào trong con nhộng tằm là làm thủ công thì hầu hết tất cả các công đoạn nuôi, cấy đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu ở Công ty cổ phần Dược thảo Thiên Phúc đều được tự động hóa.

"Việc nuôi, cấy nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo đòi hỏi người nuôi phải rất tỉ mỉ, chi tiết, rất nhiều quy trình phải tiến hành thủ công. Nhưng từ khi áp dụng dây chuyền tự động từ năm 2014 đến nay sức lao động chân tay được giải phóng, hiệu quả công việc mang lại rất cao", chị Hồng nói.

Theo chị Hồng, trước đây hầu hết các công đoạn tưới nước, thắp ánh sáng, đến sấy khô… cho nấm đều phải làm thủ công. Hàng ngày, công nhân phải dùng bình nước tưới cho nấm bằng tay, nhiều lúc độ ẩm không đều. Nhưng từ khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc, tất cả lại được làm tự động. Công nhân chỉ cần cài đặt độ ẩm, khi độ ẩm giảm, máy sẽ tự động phun sương và ngược lại khi độ ẩm đủ, máy sẽ tự ngắt.

Tương tự, khâu ánh sáng cũng được tự động hóa. Từ nhiều năm nay, chị Hồng đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tự động. Toàn bộ giờ chiếu sáng cho nấm được cài đặt qua hệ thống điện tử, đến giờ thắp sáng hệ thống này sẽ tự bật. Trường hợp nếu dòng diện yếu thì hệ thống chiếu sáng này sẽ tự điều chỉnh bật thêm đèn để đảm bảo cường độ ánh sáng cho nấm phát triển…

Sau Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Chuyện kể của nữ tỷ phú với thương hiệu "Banikha" (Bài 1)- Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc giới thiệu mô hình nuôi trồng đông trùng hạ thảo của Thiên Phúc. Ảnh: Nguyễn Chương

Câu chuyện áp dụng máy móc hiện đại hóa vào sản xuất trong nông nghiệp không phải là chuyện dễ dàng. Để đi đến được thành công, chị Hồng cũng phải "trả giá" không ít. Có những sai lầm phải trả giá bằng tiền mặt.

Theo đó, khi mới bắt tay vào trồng nấm dược liệu, chị đặt mua máy sấy đối lưu trong nước của một đơn vị. Cứ ngỡ máy sấy này sẽ cho ra lò những mẻ nấm ngon lành, nhưng càng sấy sản phẩm của chị càng xấu đi. Sản phẩm sấy ra bị quắt lại, xấu xí, nhiều khách hàng e dè, không lấy nấm. Nhiều mẻ chị phải bán cắt lỗ với giá rẻ mạt. Những lần nhìn sản phẩm thất bại, chị Hồng luôn đau đáu suy nghĩ ở trong đầu. Thế rồi, qua tìm tòi, chị biết đến phương thức sấy "thăng hoa", chị đã đầu tư tiền tỷ nhập máy sấy "thăng hoa" để sấy cho sản phẩm.

"Ngày xưa gần như sấy bằng nhiệt, ở nhiệt độ thấp. Nhưng, bây giờ nhà chị sấy "thăng hoa", sấy nhiệt độ lạnh sâu, âm 35- 65 độ. Sản phẩm đông trùng hạ thảo khi sấy thăng hoa giữ nguyên được màu sắc, hình dạng ban đầu và có giá trị dinh dưỡng rất cao, thời gian bảo quản dài lâu"- chị Hồng cho hay.

Bên cạnh việc nuôi trồng, Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc còn đầu tư công nghệ máy móc hiện đại trực tiếp sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 30 sản phẩm từ đông trùng hạ thảo sử dụng cho đa dạng lứa tuổi. 

Một số sản phẩm tiêu biểu như: Viên nang đông trùng hạ thảo Banikha, Bổ thận Baninkha, cháo gà đông trùng Ngọc Hương, yến sào Thiên Phúc, Bổ phế Banikha, Trà đông trùng hạ thảo Banikha, Nước uống đông trùng hạ thảo Banikha, Viên ngậm bổ phế Banikha, quả thể đông trùng hạ thảo sấy khô, đông trùng hạ thảo quả thể sấy khô thăng hoa, đông trùng hạ thảo nguyên con…

"Muốn đi xa thì đi cùng nhau" và mong muốn được kết nối với các Nông dân Việt Nam xuất sắc

Chị Hồng chia sẻ: "Tôi rất tâm đắc với Diễn đàn nông dân quốc gia "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT lắng nghe người nông dân nói" với thông điệp "Cùng lắng nghe, cùng chia sẻ". Thông qua những lời chia sẻ của những người Nông dân Việt Nam xuất sắc, đại diện các HTX tiêu biểu và đặc biệt là những định hướng, gợi mở tâm huyết của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Lương Quốc Đoàn đã gợi mở cho tôi rất nhiều, từ câu chuyện xây dựng thương hiệu đến liên kết hợp tác cùng phát triển.

Cụ thể, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói về câu chuyện khi ông tham qua gian hàng của chị Hồng trước khi diễn ra Diễn đàn: Tôi thấy có thương hiệu "Banikha" nghe rất hay, tên rất đơn giản, nhưng dễ nhớ, dễ gây ấn tượng. Đôi khi, bà con mình chỉ cần đặt tên một thương hiệu đó thôi, đâu cần gì phải cao xa. Mỗi sản phẩm nông sản, đều có những cái tên riêng như thế sẽ hợp lại thành những thương hiệu nông sản mạnh.

Dưới sự truyền cảm hứng từ Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan về tư duy kinh tế nông nghiệp "muốn đi xa thì đi cùng nhau", nữ tỷ phú Nông dân Việt Nam xuất sắc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ: "Tôi đang chuẩn bị cho kế hoạch mở chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch "Best Farm" là những thực phẩm nông sản tốt nhất, chất lượng nhất từ các nông trại, trang trại của những người nông dân Việt Nam xuất sắc. Chính vì vậy, tôi rất mong muốn được kết nối và hợp tác sản xuất kinh doanh cùng các Nông dân Việt Nam xuất sắc khắp mọi miền đất nước. Được gặp gỡ mọi người tôi thấy được tiềm năng to lớn từ việc kết nối và chia sẻ kinh nghiệm".

Chia sẻ cảm xúc sau Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Diễn đàn được tổ chức ngay sau cơn bão Yagi, một cơn đại hồng thủy ảnh hưởng một phần ba đất nước. Bão lũ qua đi để lại bao đau thương, mất mát. Đau thương nhưng không bi luỵ. Mất vườn tược, chuồng trại, ao lồng, nhưng không mất niềm tin, ý chí, nghị lực của hàng triệu nhà nông. Còn người là còn của, còn thở là còn gỡ. Quá khứ không thể thay đổi, chỉ có tương lai do mỗi người định đoạt ngay từ hôm nay. Sau cơn mưa phía trước sẽ có cầu vồng.

"Thật tự hào về những người nông dân tự mình vượt lên trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn. Những nông dân xuất sắc truyền cảm hứng cho cả xã hội, nhắc nhở mọi người đừng bao giờ bỏ quên người nông dân đâu đó ở một góc nhỏ làng quê. Những thủ lĩnh nông dân đang lan tỏa khát vọng làm giàu cho cộng đồng, làng quê, ngỏ xóm với những sản phẩm OCOP tinh hoa văn hóa Việt"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những giám đốc HTX làm vai trò cầu nối giữa những nông dân với doanh nghiệp và thị trường. Những điển hình tiên tiến trong chuyển đổi số, nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng nông thôn mới, chứng minh nông dân đang phát huy vai trò chủ thể và vị trí trung tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX- năm 2024 diễn ra ngày 14/10 với chủ đề Lắng nghe nông dân nói dưới dự chủ trì của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem