Sau Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Trà Ngọc Thúy cấp đông, vịt bầu Minh Hương-khi nông dân tự làm thương hiệu (Bài 3)
Sau Diễn đàn Lắng nghe nông dân nói: Trà Ngọc Thúy cấp đông, vịt bầu Minh Hương-khi nông dân tự làm thương hiệu (Bài 3)
Vũ Ly - Bình Minh
Thứ tư, ngày 23/10/2024 08:07 AM (GMT+7)
63 Nông dân Việt Nam xuất sắc và 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024 không chỉ được biết đến với ý chí, nghị lực vươn lên trong lao động, sản xuất mà trong mỗi họ đều đang là "sứ giả" lan tỏa những sản phẩm đặc sản của địa phương mình, trong số đó có chè, vịt suối Tuyên Quang, trà hoa cúc chi Hưng Yên...
"Trà Ngọc Thúy cấp đông" - cái tên mỹ miều ở xứ Tuyên
Tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024, tôn vinh 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc và 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024, tôi có dịp biết đến với HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đến từ phường Mỹ Lâm, TP. Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) với sản phẩm đặc biệt mang một cái tên rất mỹ miều "Trà Ngọc Thúy cấp đông".
Trò chuyện với Dân Việt, anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sử Anh - người được ví như "người mang sứ mệnh lan tỏa giá trị cây chè xứ Tuyên" cho biết, trà Ngọc Thúy cấp đông không chỉ đơn thuần là một sản phẩm, mà còn là niềm tự hào của HTX. "Ngọc Thúy là tên gọi được chọn từ giống chè đặc sản có nguồn gốc từ Đài Loan. Tên gọi này không chỉ đẹp, mà còn thanh tao, phù hợp với hương vị nhẹ nhàng, tinh tế của chè. Từ lâu, tôi đã mê cái tên này, nên quyết định dùng cho sản phẩm của mình", anh Sử chia sẻ.
Theo anh Sử, trà Ngọc Thúy cấp đông mang một hương vị đặc trưng, thoang thoảng hương trà ô long nhưng lại được sản xuất theo hướng trà mạn. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt. Những búp chè thơm ngát, đậm đà, thanh tao đã làm say lòng người thưởng trà.
Nhớ lại những tháng ngày khó khăn khi đại dịch Covid-19 bùng phát, anh Sử cho biết, việc tiêu thụ chè trở nên khó khăn và sản phẩm dễ hư hỏng, từ đó anh đã mày mò nghiên cứu và đưa ra giải pháp cấp đông cho chè - một bước tiến sáng tạo mà ít ai ngờ tới. Theo đó, anh đã tìm cách "đóng băng" từng ngọn chè tươi mơn mởn, giữ lại gần như 80% hương vị và dinh dưỡng so với ban đầu. "Chè của tôi dù cấp đông nhưng vẫn thơm, vẫn ngon như khi vừa mới hái", anh Sử tâm sự.
"Quy trình cấp đông chè rất cầu kỳ, từ việc chọn giống, chăm sóc đến thu hái và chế biến. Chè khô thông thường chỉ bảo quản được 12 tháng, nhưng với công nghệ cấp đông, sản phẩm có thể giữ hương vị, dinh dưỡng trong vòng 3-5 năm mà không bị biến đổi", anh Sử chia sẻ. Công nghệ cấp đông giúp chè Ngọc Thúy trở nên khác biệt và độc quyền trên thị trường, đưa sản phẩm của HTX Sử Anh đến gần hơn với người tiêu dùng.
Theo anh Sử: Chè của HTX Sử Anh được trồng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP do Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn. Không chỉ có thể, hiện sản phẩm chè của HTX còn đạt tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tất cả quy trình từ trồng, chăm sóc đến sơ, chế biến đều tuân thủ tuyệt đối các quy định về an toản vệ sinh thực phẩm.
Anh Sử cho hay, mặc dù trà Ngọc Thúy có nguồn gốc từ Đài Loan, nhưng HTX sản xuất theo cách riêng để giữ được nét đặc trưng của chè Việt. Trà Ngọc Thúy cấp đông không chỉ là một loại thức uống thơm ngon mà còn được yêu thích vì mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Những tách trà giúp giảm căng thẳng, tăng cường sức đề kháng, chống cảm mạo và thậm chí giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, xơ cứng động mạch.
Đằng sau mỗi gói trà là một câu chuyện dài về sự kiên trì, sáng tạo và khát vọng. Từ những bước đi chập chững ban đầu, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh đã đưa trà Ngọc Thúy cấp đông ra khắp các tỉnh thành như Hà Nội, Bắc Giang, Hà Giang... Và ước mơ không dừng lại ở đó, anh Sử vẫn nuôi khát vọng vươn ra thị trường quốc tế, mang tách trà Việt ra thế giới.
Loại trà được làm từ "cúc tiến vua" ở làng dược liệu nghìn năm tuổi
Với mong muốn lan tỏa hình ảnh của làng dược liệu Nghĩa Trai có tuổi đời nghìn năm tuổi, chị Đỗ Thị Hoa, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) đã trồng và liên kết hàng chục ha hoa cúc chi để chế biến làm trà.
Được biết, thôn Nghĩa Trai là làng nghề truyền thống trồng và chế biến cây dược liệu lâu đời. Nơi đây cung cấp ra thị trường nhiều vị thuốc quý có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe trong y học cổ truyền. Trong đó, có sản phẩm trà hoa cúc chi.
Trò chuyện với Dân Việt, chị Hoa cho biết, mỗi năm vào dịp tháng 12 dương lịch, những cánh đồng hoa cúc chi ở Tân Quang nở vàng ruộm. "Cúc chi mỗi năm chỉ có một vụ. Hoa được trồng từ khoảng tháng 6 dương lịch, đến cuối tháng 11 bắt đầu nở, báo hiệu mùa thu hoạch rộ trong tháng 12 cho đến Tết Dương lịch", chi Hoa nói.
Vào vụ thu hoạch, mỗi người có thể hái 23 kg hoa tươi/ngày. Bông hoa cúc chi sau đó được mang về sấy khô rồi đem bán. Ở dạng sấy sạch (sấy than củi) giá khoảng 500 nghìn/kg hoa khô. Bên cạnh đó, cũng có thể bán hoa tươi, nhưng giá khá rẻ, chỉ 35 nghìn/kg.
Trên tổng diện tích cây dược liệu thì có đến 70% diện tích của thôn Nghĩa Trai dành để trồng cây cúc chi. Công dụng chủ yếu của hoa cúc chi là làm trà và dược liệu sau khi sấy khô. Hoa cúc chi có vị đắng, hơi ngọt, hương thơm dịu, dễ chịu, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể sử dụng chữa các bệnh hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất ngủ...
Đặc sản "vịt bầu Minh Hương" đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng
Nếu ai có dịp đến xã Bình Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) được thưởng thức vịt bầu Minh Hương nuối ở suối thì chắc chắn sẽ nhớ mãi về hương vị của nó. Chị Nông Thị Lịch - Giám đốc Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương bảo: "Nếu lên Hàm Yên nếu chưa thưởng thức đặc sản vịt bầu Minh Hương thì coi như chưa đến".
Chị bảo, với người Tày nơi đây, vịt là một trong những con vật thiêng, được người Tày quý trọng, được lựa chọn làm làm quà biếu ngày lễ Tết.
Đặc biệt vào rằm tháng Bảy - lễ “Pây Tái”, con gái và con rể người Tày thường đem lễ về thăm và biếu nhà ngoại đôi vịt béo để thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.
Từ xa xưa, vịt bầu Minh Hương nổi tiếng khắp vùng. Đây là giống vịt bản địa, được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối của cánh rừng đặc dụng Cham Chu. Vịt được nuôi tự nhiên nên thịt rất chắc, thơm, ít mở và tỷ lệ nạc, cùng với giá trị dinh dưỡng cao, mang hương vị đặc trưng mà không nơi nào có được.
"Vịt tròn lẳn, chỉ uống nước suối, ăn thức ăn từ núi rừng, cho chất lượng thịt thơm ngon khiến người ta nhớ mãi khi đã được thưởng thức. Do đó, dân bản khắp vùng cứ vào dịp lễ Tết thường tìm mua giống vịt ngon này để làm mâm cỗ, quà biếu tặng.
Nhưng không phải hộ nào cũng có thể tìm mua được vì số lượng vịt bầu Minh Hương trong dân rất hạn chế. Mỗi nhà chỉ nuôi vài ba con, tự sản tự tiêu là chính", chị Lịch nói.
Để liên kết, cùng người dân duy trì, bảo tồn giống vịt bầu Minh Hương, chị Lịch đã thành lập HTX Vịt bầu Minh Hương năm 2018. Đến nay, sau 6 năm đi vào hoạt động, tổng đàn lên đến trên 71.000 con, sản lượng thịt xuất chuồng hàng năm đạt 130 tấn.
Theo chị Lịch, vịt nuôi đến đâu đều có nhà hàng, khách sạn đăng ký về tận nơi thu mua. HTX cũng mở rộng sang dịch vụ giết mổ, đóng gói hút chân không để nâng cao giá trị và chất lượng.
Sản phẩm vịt bầu Minh Hương được tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, nhà hàng và được đảm bảo kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi. Nhờ đầu ra thuận lợi, doanh thu hàng năm của HTX là khoảng 3 tỷ đồng từ bán vịt con giống, vịt thịt thương phẩm.
Tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2024 tổ chức ngày 14/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cũng đã nhắc đến câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản của bà con nông dân, HTX. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có những thương hiệu tưởng chừng rất đơn giản nhưng mỗi sản phẩm, mỗi cái tên đều chứa đựng những ý nghĩa riêng.
Các thương hiệu nông sản của các HTX, bà con nông dân hiện nay hầu hết đều đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và đảm bảo tuân thủ tốt về quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và thế giới. Nhiều sản phẩm đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông sản an toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.