Sáng ngày 16/11, tại Nhà Hát lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2024. Đây là sự kiện thường niên do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực thực hiện.
Giải được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục; qua đó tuyên truyền, tôn vinh đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Năm 2024 - năm thứ 7 tổ chức - Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi ở 4 loại hình: báo giấy, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.
Sau nhiều buổi làm việc nghiêm túc, công tâm, Ban Giám khảo đã lựa chọn từ hơn 800 tác phẩm dự thi 81 tác phẩm vào chung khảo, từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải; bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cho biết, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay được nhận định khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục.
Nhiều tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề "nóng" của ngành; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành Giáo dục; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học. Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục; trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện "gieo chữ" ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.
Tại Lễ trao giải này, loạt bài "Miễn học phí - Có thể hay không thể" đăng trên Báo điện tử Dân Việt của nhóm tác giả: Tào Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Văn Định, Tạ Thị Nguyệt, Vũ Thị Hải, Trần Bé Anh, Bùi Thanh Tùng, Đặng Đức Cường, Nguyễn Xuân Huy đã đoạt giải Nhì.
Nhóm tác giả cho biết, loạt bài này được thực hiện vào tháng 10/2023, khi năm học mới 2023-2024 bắt đầu được hơn một tháng và câu chuyện về học phí 'nóng' từ trong nhà đến mọi diễn đàn trên mạng xã hội.
Đây cũng là thời điểm sau đại dịch Covid-19, đời sống người dân bị ảnh hưởng, nhiều người thất nghiệp, công việc bấp bênh; đặc biệt là các gia đình nghèo, ở vùng nông thôn, vùng sâu xa… vẫn gặp nhiều khó khăn về kinh tế.
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, hiện tại chỉ có đối tượng học sinh tiểu học trường công lập và một số đối tượng học sinh khác được miễn học phí. Do vậy, bài toán học phí cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ em gian nan hơn trên con đường đến trường, thậm chí có em phải nghỉ học.
Từ đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về miễn học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc năm 2022; dựa trên phương hướng, mục tiêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương, thực tế có một số địa phương đã miễn học phí cho học sinh được dư luận hết sức ủng hộ.
Miễn học phí là chủ trương hết sức nhân văn, có thể triển khai rộng trên phạm vi cả nước chứ không chỉ dừng lại ở một số tỉnh thành khi đó là Hải Phòng, Đà Nẵng, đặc biệt là Quảng Bình – một tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Được sự chỉ đạo, đốc thúc của BBT Báo Nông thôn Ngày Nay/Báo điện tử Dân Việt, nhóm phóng viên Giáo dục của Báo điện tử Dân Việt đã khẩn trương lên đề cương và thực hiện loạt bài 5 kỳ "Miễn học phí – Có thể hay không thể".
Loạt bài này có sự đầu tư công phu từ khâu lên ý tưởng, với sự tham gia của ban chuyên môn ở Hà Nội và phóng viên ở các văn phòng đại diện với các góc nhìn đa chiều từ phụ huynh, nhà trường, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia và là diễn đàn để phụ huynh chia sẻ mong muốn, tâm tư nguyện vọng về vấn đề học phí của con em mình.
Theo nhà báo Vũ Thị Hải, nhóm tác giả đã lên đề cương, phối hợp cùng các phóng viên vùng miền triển khai. Khi đó, không ai nghĩ đến việc dự thi hay giải thưởng gì mà chỉ đơn giản là hoàn thành bài một cách nhanh nhất bởi đây là một quyết sách lớn lao, có tầm ảnh hưởng và thực sự nhân văn.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm đặt ra câu hỏi: Tại sao những tỉnh thành mạnh về kinh tế, học sinh lại được miễn học phí, còn những nơi nghèo cần miễn học phí lại không? Làm sao để học sinh khó khăn không còn nỗi lo học phí để tự tin đến trường? Giải pháp cho các tỉnh thành là gì?
Có một câu của một vị chuyên gia, từng làm trong Bộ GD&ĐT chia sẻ rằng: "Một chính quyền tốt thì phải đáp ứng được sự hài lòng của người dân".
"Tôi hi vọng, sau loạt bài này, sẽ có thêm phụ huynh, học sinh các tỉnh thành khác đón nhận tin vui miễn học phí. Thực tế, hiện nay đã có khoảng 10 tỉnh thành miễn học phí cho học sinh", nhà báo Nguyễn Văn Định trao đổi thêm.
Nói thêm về hành trình thực hiện tuyến bài về miễn học phí, nhà báo Tào Thị Thanh Nga chia sẻ, thuận lợi của nhóm tác giả là được rất nhiều chuyên gia giáo dục, đại biểu quốc hội khi được phỏng vấn cũng đều ủng hộ chính sách này.
Các chuyên gia khẳng định, việc miễn học phí là bước đầu tiên trong kế hoạch dài hơi nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các địa phương và "chỉ những người lãnh đạo có tầm mới có những quyết định táo bạo về giáo dục".
"Việc miễn học phí đang gặp phải khó khăn nhất định vì nguồn thu từ học phí sẽ bị thiếu hụt khiến các địa phương phải trích ngân sách để bù vào. Qua loạt bài này, chúng tôi mong muốn sẽ góp một tiếng nói để chính sách này có thể mở rộng đối tượng được miễn học phí khi xã hội phát triển, nguồn ngân sách Nhà nước ổn định hơn. Thật đáng mừng sau khi đăng tải loạt bài, nhiều tỉnh thành đã quyết định miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh đến hết lớp 12", nhà báo Tào Thị Thanh Nga cho hay.