"Miễn học phí-Có thể hay không thể": Cần lựa chọn cách làm và thực hiện theo lộ trình (bài 5)

Xuân Huy Thứ sáu, ngày 20/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
Theo một số đại biểu quốc hội, miễn học phí để tiến tới phổ cập giáo dục phổ thông là chủ trương rất đúng đắn, nhân văn của Nhà nước, nhưng cần có những lộ trình nhất định.
Bình luận 0

 MỜI BẠN ĐỌC ĐÓN XEM CÙNG LOẠT BÀI "MIỄN HỌC PHÍ-CÓ THỂ HAY KHÔNG THỂ?":

"Miễn học phí - Có thể hay không thể?": Chính sách nhân văn, làm nức lòng dân (bài 1)

“Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Không có tiền đóng học phí, phụ huynh cho con nghỉ học (bài 2)

“Miễn học phí - Có thể hay không thể?”: Công nhân, công chức nghèo "vật lộn" với học phí của con (bài 3)

"Miễn học phí-Có thể hay không thể": "Chỉ những lãnh đạo có tầm mới có quyết định táo bạo về giáo dục" (bài 4)

Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7/2022, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GDĐT đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh THCS trên toàn quốc từ năm học 2022 – 2023.

Đề xuất này không mới khi năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ GDĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình. Nhưng thực tế hiện nay, chúng ta chỉ mới miễn phí cho học sinh cấp 1 và miễn phí giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.   

Báo cáo về hoạt động giáo dục và thực hiện ngân sách giáo dục năm 2022 của Chính phủ cho thấy, dự toán chi thường xuyên lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm 2022 là 275.709 tỷ đồng trên tổng số 1.784.600 tỷ đồng chi ngân sách Nhà nước, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15,45% tổng chi ngân sách. Trong khi Nghị quyết 37/2004/NQ-QH11 và Luật Giáo dục nêu rõ: "Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước".

 "Có người miễn một đồng rất quý"

Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TSKH Đào Trọng Thi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết, việc tiến đến miễn học phí là bước tiến rất tốt, là đích đến mà chúng ta phấn đấu. Để làm điều này, các bộ, ban, ngành, trước hết phải đảm bảo cho mọi học sinh được đi học, sau đó mới tiến đến việc miễn học phí. 

"Một số nơi học sinh còn phải đua chen để chọn trường, có những nơi vùng sâu vùng xa học sinh còn phải khó khăn để có thể đến trường thì việc miễn học phí chưa phải mục tiêu số một", GS Đào Trọng Thi nói.

Miễn, giảm học phí cần lựa chọn cách làm và thực hiện theo lộ trình - Ảnh 1.

Theo GS Đào Trọng Thi, để miễn học phí trước tiên phải đảm bảo được việc học sinh nào cũng được tới trường. Ảnh: Q.H.

Theo GS Thi, việc miễn học phí để Việt Nam hướng tới việc phổ cập giáo dục. Đến hiện tại, chúng ta mới miễn học phí cho học sinh cấp 1. Quốc hội cũng từng bàn nhiều về vấn đề này. Tuy nhiên, ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo để có thể thực hiện.

GS Đào Trọng Thi chia sẻ, ông ủng hộ việc những tỉnh, thành nào bố trí được ngân sách, thì có thể miễn học phí tùy theo điều kiện địa phương. 

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói thêm, nếu địa phương không đủ sức hoặc tỉ lệ miễn học phí không cao thì cần cân nhắc đến việc miễn chung cho toàn bộ học sinh hay miễn riêng cho những học sinh thuộc diện cần ưu tiên, như vậy sẽ tốt hơn. 

"Trước đây chúng ta vẫn làm, ví dụ học sinh thuộc diện hộ nghèo thì miễn hoàn toàn học phí, cận nghèo thì có thể giảm học phí một nửa, còn học sinh không thuộc diện gia đình khó khăn đóng học phí bình thường. Việc miễn học phí là chính sách rất tốt, nhưng không phải ai cũng có nhu cầu như nhau, có người vẫn sẵn sàng đóng học phí, thậm chí đóng học phí cao để con em được học hành trong điều kiện tốt nhất. Có người được miễn một đồng thì rất quý, nhưng có những người một đồng không là gì cả", GS Đào Trọng Thi nói.

"Chúng ta là một gia đình không dư dả nhưng có quá nhiều khoản chi"

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thi Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, chủ trương miễn học phí cho học sinh THCS tiến đến phổ cập giáo dục là chủ trương rất đúng đắn, nhân văn của Nhà nước. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp và đúng với lời dạy của Bác Hồ "Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", để làm được điều này thì giáo dục phải được bao phủ toàn dân. 

Để phổ cập giáo dục phổ thông, chúng ta phải theo những lộ trình nhất định. Miễn học phí cho các cấp học đó chính là các bước chúng ta phổ cập giáo dục. Song, miễn học phí đang gặp phải khó khăn nhất định. Theo đó, nếu miễn hoàn toàn học phí, nguồn thu từ học phí sẽ bị thiếu hụt, do đó các địa phương phải trích ngân sách để bù vào. 

Miễn, giảm học phí cần lựa chọn cách làm và thực hiện theo lộ trình - Ảnh 2.

Bà Nga cho rằng nếu miễn học phí sẽ dẫn đến nguồn thu từ học phí sẽ bị thiếu hụt, rất khó để bù. Ảnh: Q.H.

"Cần nhìn nhận vấn đề giống như chúng ta là một gia đình không dư dả nhưng có quá nhiều khoản chi. Tỷ lệ ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, mà không chỉ riêng ngành giáo dục, còn có nhiều ngành khác chúng ta cũng chưa chi đủ theo định mức đề ra", bà Nga nói. 

Nữ Đại biểu Quốc hội chia sẻ thêm, vấn đề miễn học phí là điều còn nhiều trăn trở, do kinh phí các địa phương còn hạn hẹp. Miễn học phí cho học sinh là điều toàn dân mong chờ. Để thực hiện việc này, mỗi địa phương phải xây dựng những kế hoạch khác nhau. Điều kiện mỗi địa phương khác nhau nên không thể áp dụng từ địa phương này cho địa phương khác. 

Bà Nga nhấn mạnh, không thể lấy lý do cần có lộ trình mà trì hoãn, làm chậm trễ việc miễn học phí. Mỗi địa phương phải tập trung phát huy tối đa các nguồn lực để chúng ta có thể thực hiện được việc này trong thời gian ngắn nhất. Và để làm được điều đó, tất cả các bộ, ngành, đều phải tập trung phát huy nguồn lực, không thể chỉ dồn riêng cho ngành giáo dục.

"Trong lúc nguồn lực có hạn, chúng ta phải chi quá nhiều thứ, nhất là dịch bệnh Covid-19 vừa diễn ra, Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, miễn giảm thuế nên số tiền thu được còn rất ít", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nói và cho biết nếu miễn học phí ngay lập tức sẽ dẫn đến việc chi nhiều hơn thu và rất khó thực hiện.

 Cần giải pháp đồng bộ để có nguồn lực thực hiện việc miễn, giảm học phí

Cùng quan tâm đến vấn đề này, khi trao đổi với Dân Việt, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, chúng ta "trước sau như một", xác định giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Hàng năm, Nhà nước đầu tư ngân sách cho giáo dục một khoản rất lớn để hướng tới phổ cập giáo dục, dần hội nhập với các quốc gia trên thế giới. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay nếu không thu học phí, Nhà nước sẽ rất khó để trang trải, tập trung xây dựng phát triển trường, lớp học. Bên cạnh đó, nếu miễn học phí hoàn toàn ở các trường công, các trường tư, các đơn vị doanh nghiệp xây dựng trường theo mô hình xã hội hóa trường lớp sẽ rất e ngại. Do đó, việc thu học phí cũng là một yêu cầu trong lĩnh vực giáo dục.

Miễn, giảm học phí cần lựa chọn cách làm và thực hiện theo lộ trình - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Văn Hòa cho rằng nếu miễn học phí ở các trường công, các trường ngoài công lập sẽ rất e ngại khi vẫn thu học phí. Ảnh: Q.H.

Để miễn học phí với học sinh từ cấp THCS trở xuống, Chính phủ phải có những lộ trình nhất định. Các địa phương cũng phải căn cứ tình hình ngân sách của mình để tính toán cho hợp lý. 

Một số địa phương đã tiến hành miễn hoặc giảm học phí vì điều kiện ngân sách cho phép. Song đa số các địa phương hiện nay vẫn phải thu học phí. Có thể thấy trong điều kiện hiện nay, việc miễn học phí học sinh rất khó thực hiện, đây cần được xem là mục tiêu để hướng tới.

"Tại Quốc hội, tôi đã nói vấn đề này rồi. Những gia đình có điều kiện, họ vẫn đồng tình việc thu học phí. Trong khi đó, có nơi Nhà nước không thu học phí nhưng có thể các dịch vụ kèm theo của nhà trường vẫn thu dẫn đến tình trạng lạm thu", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói và cho rằng cần cân nhắc đến việc nhiều nơi không thu học phí nhưng lại "vẽ" ra các khoản thu khác.

Ông Hòa bày tỏ quan điểm ủng hộ việc miễn thu học phí, nhưng cần căn cứ tình hình thực tế và phải từng bước thực hiện. 

"Những gia đình hộ nghèo thì chúng ta không thu học phí với con em họ rồi, nhưng những gia đình khó khăn mà làm đơn xin miễn, giảm học phí thì nên có phương án", ông Hòa nói thêm.

Miễn, giảm học phí cần lựa chọn cách làm và thực hiện theo lộ trình - Ảnh 4.

Ông Hòa bày tỏ nếu những gia đình có đơn xin miễn, giảm học phí do gia cảnh khó khăn thì cũng nên xem xét. Ảnh: Phạm Hưng.

Theo Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đề xuất của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc miễn học phí đối với học sinh THCS cũng là mong muốn của hàng triệu phụ huynh học sinh và là mục tiêu mà các nghị quyết của Đảng đang hướng tới. Đó là "Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở". 

Nếu học sinh THCS được miễn học phí, phụ huynh sẽ được giảm gánh nặng chi phí học tập, nhất là với các hộ gia đình học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; là nguồn động viên, khuyến khích, tiếp sức cho học sinh có thêm động lực học tập. 

"Qua tiếp xúc cử tri, tôi cũng nhận được nhiều ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi việc miễn học phí cần được các cơ quan nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, xem xét đến điều kiện của đất nước, khả năng ngân sách cả ở Trung ương và địa phương", Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ nói.

Miễn, giảm học phí cần lựa chọn cách làm và thực hiện theo lộ trình - Ảnh 5.

ĐBQH Đinh Công Sỹ cho rằng để miễn học phí cần xem xét đến điều kiện của đất nước, khả năng ngân sách cả ở Trung ương và địa phương. Ảnh: Q.H.

Việc thực hiện miễn học phí là mong muốn rất chính đáng của phụ huynh học sinh và toàn xã hội và cũng phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về phổ cập giáo dục. Theo đại biểu Đinh Công Sỹ, Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện về nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và chi trả chế độ, chính sách tiền lương cho đội ngũ giáo viên. Những chính sách hiện hành trong việc miễn, giảm học phí đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với giáo dục và đào tạo, trong đó có chia sẻ gánh nặng học phí cho nhân dân. Việc miễn học phí cần dựa trên khả năng cân đối ngân sách nhà nước. 

"Theo tôi, để bảo đảm tính khả thi của chính sách miễn học phí, Chính phủ cần có nhiều giải pháp đồng bộ và có thể thực hiện được. Theo đó tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc giảm chi ở một số lĩnh vực quản lý nhà nước thực sự chưa cần kíp; tăng cường công tác quản lý tránh lãng phí trong đầu tư công... để tiết kiệm, ưu tiên cho giáo dục để hướng tới miễn học phí có lộ trình phù hợp", đại biểu Đinh Công Sỹ bày tỏ.

Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục này cho biết, theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về học phí, giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục. Do đó, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với từng cấp học và từng khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. 

"Qua các hoạt động giám sát, khảo sát, tôi nhận thấy ở nhiều địa phương, trong đó có địa phương mặc dù điều kiện ngân sách còn hạn hẹp nhưng đã dành nguồn lực đầu tư đáng kể cho giáo dục và đào tạo, có chính sách miễn, giảm học phí vượt trội. Điều đó cho thấy sự quan tâm, ưu tiên chi đầu tư cho người học, giảm gánh nặng cho phụ huynh, tạo nhiều hơn cơ hội đến trường cho học sinh. Từ những điển hình của các tỉnh, thành đã thực hiện việc miễn, giảm học phí cho học sinh là kinh nghiệm tốt để các địa phương còn lại xem xét triển khai và thực tế cho thấy số địa phương thực hiện miễn học phí cho học sinh đang tăng lên", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem