Phát biểu tại họp báo, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải cho biết, năm 2024, Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi. Loại hình báo điện tử nhận được nhiều tác phẩm dự thi nhất, sau đó lần lượt là loại hình báo in, truyền hình và phát thanh.
Với loại hình báo điện tử, chất lượng khá đồng đều, có nhiều loạt bài công phu. Bài dự thi được trình bày hiện đại, phong phú dưới dạng Mega Story, Emagazine, Longform với đầy đủ các loại hình: text, ảnh, video, đồ họa. Đặc biệt, năm nay có sự xuất hiện của một số bài Podcast mang đến yếu tố mới lạ.
Các tác phẩm có tính phát hiện, tính thực tiễn; đề cập đến các vấn đề về chế độ, chính sách cho nhà giáo, học phí, thu - chi trong trường học; gương người tốt, việc tốt; hợp tác quốc tế trong giáo dục; an toàn trường học; giữ gìn ngôn ngữ dân tộc; nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, cách làm giúp học sinh khó khăn, giáo dục học sinh khuyết tật… Trong đó, loạt bài "Miễn học phí - Có thể hay không thể" đăng trên Báo điện tử Dân Việt của nhóm tác giả: Tào Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Văn Định, Tạ Thị Nguyệt, Vũ Thị Hải, Trần Bé Anh, Bùi Thanh Tùng, Đặng Đức Cường, Nguyễn Xuân Huy đã lọt vào Chung khảo "Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024.
Ở loại hình báo in, các vấn đề giáo dục được phản ánh rất phong phú, trong đó nổi bật liên quan đến thực hiện quy chế dân chủ trong trường học; phân luồng học sinh, hướng nghiệp, dạy học tích hợp, tâm lý học đường, gương người tốt việc tốt…
Nhiều tác phẩm phản biện chính sách, phân tích chuyên sâu để phản ánh những chủ điểm của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện. Một điểm đáng chú ý là năm nay số cơ quan báo chí địa phương có tác phẩm dự thi loại hình báo in phong phú hơn, trải dài từ Bắc đến Nam, như Báo Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu,…
Loại hình Phát thanh - Truyền hình cũng gia tăng số lượng, chất lượng tác phẩm dự thi. Nhiều địa phương vùng khó, xa xôi như Lai Châu, Hà Giang, Sơn La, Cà Mau... gửi tác phẩm dự thi, thể hiện sức lan tỏa ngày càng rộng rãi của Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam".
Theo ông Lâm, sau nhiều buổi làm việc nghiêm túc, công tâm, Ban Giám khảo đã lựa chọn 81 tác phẩm vào chung khảo từ hơn 800 tác phẩm dự thi. Từ đó tiếp tục lựa chọn ra 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình để trao giải, bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, theo nhà báo Triệu Ngọc Lâm, trong 7 năm qua, Giải "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các cơ quan báo chí trên cả nước. Thành công của Giải cũng cho thấy vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.
Những năm tiếp theo, Giải mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước. Về phía Ban tổ chức sẽ tiếp tục tìm tòi, đổi mới để Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" ngày càng có uy tín, chuyên nghiệp và có sức sống lâu dài.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo nhận xét, chất lượng các tác phẩm dự thi khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục.
Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức. Các tác phẩm đi sâu phân tích những vấn đề "nóng" của ngành Giáo dục; ghi nhận thực tế triển khai hoặc phản biện xã hội về những chủ trương, quyết sách của ngành; ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, người học.
Nhiều tác phẩm lan tỏa câu chuyện đẹp của ngành Giáo dục; những tấm gương người tốt, việc tốt; tấm lòng cao cả, sự cống hiến hết mình của người thầy… Trong đó có các thầy, cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện "gieo chữ" ở những nơi xa xôi của Tổ quốc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải, nhà báo Triệu Ngọc Lâm khẳng định Ban Tổ chức luôn quan tâm đến các thầy cô. Bên cạnh hỗ trợ của Ban Tổ chức, những hỗ trợ từ công tác xã hội hóa, với sự lan tỏa từ tác phẩm, các thầy cô cũng nhận được sự quan tâm thiết thực từ đông đảo các nhà hảo tâm trong cả nước.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ một số câu chuyện cụ thể, trong đó có trường hợp cô Trà Thị Thu, giáo viên ở điểm trường Lang Lương - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Cô là nhân vật trong tác phẩm "Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh", đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2020.
Sau 4 năm trở thành nhân vật truyền cảm hứng trong cuộc thi "Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam", điểm trường Tắk Pổ nơi cô Trà Thị Thu công tác có nhiều thay đổi, trong đó có phần quan trọng từ sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp và nhà hảo tâm trên cả nước. Từ lớp học bằng phên gỗ, nơi đây được nhiều nhà hảo tâm đến thăm, hỗ trợ kinh phí để sửa sang trường lớp, mua sắm trang thiết bị hiện đại. Những đứa trẻ thiếu thốn trăm bề cũng có quần áo mới, trắng tinh tươm đến trường.
Với câu hỏi, khi chấm liệu có sự "ưu ái" các tác phẩm báo chí địa phương hơn so với các tác phẩm dự thi đến từ các cơ quan báo chí Trung ương của PV Dân Việt, nhà báo Triệu Ngọc Lâm khẳng định tiêu chí cao nhất là "công bằng" và thông tin thêm: "Năm nay, chất lượng tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương rất tốt, thậm chí có nhiều tác phẩm tốt hơn các cơ quan Trung ương. Bằng chứng là trong giải năm 2024, nhiều tác phẩm cơ quan báo chí địa phương đoạt giải và tỷ lệ cao hơn mùa giả năm trước".
Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam do Bộ GDĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, Giải nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục.
Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 sẽ được tổ chức vào sáng 16/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.