Trên cơ sở tư liệu của các nhóm mộ này, nhà khảo cổ sẽ nhận diện được đặc trưng văn hóa, các mối quan hệ cũng như niên đại của di tích.
Trong bài viết này, trên cơ sở phân tích các dữ liệu mộ táng, chúng tôi sẽ chỉ ra niên đại và các giai đoạn phát triển của khu mộ táng đặc biệt này.
Năm 2002, khi mới phát hiện, các nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã cho rằng di tích Giồng Lớn có niên đại tương đương Giồng Cá Vồ.
Sau hai lần khai quật vào năm 2003 và 2005, dựa trên tổng thể di tích và di vật tìm được, các nhà khảo cổ cho rằng di tích Giồng Lớn có niên đại muộn hơn Giồng Cá Vồ, khoảng thế kỉ 1 - 2 AD.
Tuy nhiên, đây chỉ là niên đại muộn nhất của di tích, và các tác giả khai quật khi đó cũng chưa phân ra được các giai đoạn sớm muộn của khu mộ táng. Do đó, trong phần này, chúng tôi sẽ bàn cụ thể hơn về những cơ sở để xác định khung niên đại cho di tích cũng như chỉ ra các giai đoạn phát triển của nó.
Mặt nạ vàng qua khai quật khảo cổ ở Giồng Lớn, đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc văn hóa Óc Eo.
Trên cơ sở phân tích các dữ liệu mộ táng, theo chúng tôi di tích Giồng Lớn có hai giai đoạn phát triển như sau:
- Giai đoạn sớm nằm trong khoảng thế kỉ 3 - 2 BC, đại diện bởi nhóm mộ đất có hướng bắc - nam (nhóm mộ 1) và mộ nồi kiểu 1.
Khi nghiên cứu các di tích mộ táng thời đại đồ Sắt ở Nam Campuchia và Nam Việt Nam, các nhà khảo cổ nhận ra một xu hướng chung là các mộ có niên đại trong khoảng thế kỉ 3 - 2 BC thường có đầu quay hướng nam, tức là chôn theo trục bắc - nam như những mộ đất nhóm 1 ở Giồng Lớn.
Bên cạnh đặc điểm về hướng mộ, đồ tùy táng trong các mộ này cũng phản ánh niên đại sớm của nó.
Đồ tùy táng trong các mộ nhóm 1 chủ yếu là đồ gốm, đồ đá và hạt chuỗi thủy tinh. Trong khi đó, đồ sắt, đồ đồng cũng như các loại đồ trang sức bằng mã não, agate, thạch anh rất hiếm gặp, còn đồ vàng hoàn toàn vắng bóng.
Đồ gốm tùy táng chủ yếu là loại hình nồi và bát bồng, làm từ gốm thô pha cát. Loại gốm xương đen áo trắng vốn là đặc trưng của các di tích Óc Eo sớm có mặt rất ít, với 8/51 tiêu bản.
Đồ đá chủ yếu là các vòng ống bằng đá nephrite và những hòn cuội biển. Tuy nhiên, sự có mặt của những hạt chuỗi thủy tinh đơn sắc "Indo-Pacific" cũng cho thấy niên đại của nhóm mộ này không thể sớm hơn thế kỉ 3 BC.
Bên cạnh việc định niên đại bằng phương pháp khảo cổ học, đã có 2 mộ nhóm 1 được xác định niên đại tuyệt đối bằng phương pháp các-bon phóng xạ. Mẫu than lấy từ mộ 03.GL.H2.M1 cho kết quả 2220 ± 70 BP, còn mẫu than lấy từ mộ 03.GL.H2.M2 cho kết quả 2680 ± 55 BP.
Trong khi niên đại tuyệt đối của M1 là khá phù hợp với những hiện vật trong mộ (mộ này có 209 hạt chuỗi thủy tinh) thì kết quả C14 của M2 lại có vẻ quá sớm so với những di vật tùy táng, bởi trong mộ này có chôn theo loại bát bồng làm từ gốm xương đen áo trắng.
Tóm lại, với những đặc điểm vừa nêu, có thể thấy giai đoạn sớm của Giồng Lớn nằm trong khoảng thế kỉ 3 - 2 BC và vẫn thuộc thời đại đồ Sắt.
- Giai đoạn muộn nằm trong khoảng thế kỉ 1 BC đến thế kỉ 1 - 2 AD, đại diện bởi nhóm mộ đất có hướng đông - tây (nhóm mộ 2) và mộ nồi kiểu 2. Nếu như ở giai đoạn thế kỉ 3 - 2 BC những mộ táng thường có xu hướng quay hướng nam thì ở giai đoạn muộn hơn các mộ lại quay hướng đông hoặc tây, như trường hợp di tích Phum Snay ở miền Nam Campuchia.
Đặc điểm này cũng khá giống với nhóm mộ đất ở Giồng Cá Vồ và Giồng Phệt. Đồ tùy táng trong nhóm mộ 2 mang những đặc điểm cho thấy tính chất muộn màng của nó.
Trong nhóm đồ tùy táng bằng gốm, một số loại hình ít thấy ở nhóm 1 bắt đầu trở nên phổ biến (như bình con tiện hay loại bát bồng làm từ gốm xương đen áo trắng) hoặc xuất hiện những loại hình mới (như nắp lõm có núm, ấm, trụ gốm, tượng chim hay bát bồng chân trụ).
Ở đồ đá, nhóm đồ trang sức bằng mã não, agate hay thạch anh bắt đầu xuất hiện và trở nên phổ biến. Đồ sắt cũng hiện diện nhiều hơn trong các mộ. Đồ đồng tuy vẫn ít ỏi nhưng sự có mặt của đồng tiền Ngũ Thù cũng đáng để lưu tâm.
Đáng chú ý nhất là sự có mặt của những đồ tùy táng bằng vàng, với các loại hình như hạt chuỗi, khuyên tai hay mặt nạ. Những đặc điểm này cho thấy nhóm mộ 2 có niên đại không thể sớm hơn thế kỉ 1 BC.
Bên cạnh đó, những yếu tố của văn hóa Óc Eo bắt đầu hiện diện trong sưu tập đồ tùy táng của nhóm mộ này. Những yếu tố Óc Eo sớm có thể được nhận diện qua các loại hình hiện vật sau:
+ Về mặt chất liệu gốm là sự tăng lên của loại gốm mịn, xương đen áo trắng.
+ Sự xuất hiện những loại hình gốm mới như nồi hình giỏ cua có miệng và cổ hẹp; nắp gốm lõm có núm; một số trụ gốm; bát bồng chân trụ.
+ Sự có mặt phổ biến những đồ tùy táng bằng vàng; hiện tượng chôn theo các lá vàng trong mộ táng.
Nắp gốm và trụ gốm ở Giồng Lớn qua khai quật khảo cổ ở xã đỏ Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trái) và trong văn hóa Óc Eo (phải).
Trong sưu tập đồ tùy táng Giồng Lớn giai đoạn này có mặt những tiêu bản nồi xương đen áo trắng có cổ và miệng hẹp, trụ gốm hình con tiện, vốn là những hiện vật thường thấy trong các di tích Óc Eo.
Đáng chú ý là tiêu bản nắp lõm có núm ở Giồng Lớn rất giống với tiêu bản cùng loại ở Giồng Xoài (An Giang).
Chúng ta biết rằng, nắp là một trong những loại hình phổ biến của văn hóa Óc Eo, trong đó loại nắp có vành móc thường xuất hiện ở giai đoạn sớm, còn loại nắp lõm có núm thường có niên đại muộn hơn.
Điều này cho thấy giai đoạn muộn của Giồng Lớn đã hoàn toàn thuộc phạm trù của văn hóa Óc Eo. Sưu tập đồ vàng cũng góp phần củng cố cho nhận định này, bởi lẽ sở thích dùng vàng làm đồ trang sức và chôn theo trong mộ là một đặc trưng của văn hóa Óc Eo.
Đồ trang sức bằng vằng thuộc văn hóa Óc Eo.
Loại khuyên tai có gờ nổi của Giồng Lớn rất giống với tiêu bản cùng loại trong sưu tập của Malleret.
Hình mặt người trên mặt nạ số 05.GL.H1.M1.88 cũng rất giống khuôn mặt in nổi trên một hiện vật vàng mà Malleret thu thập được ở Óc Eo năm 1944.
Những kiểu hạt chuỗi vàng của Giồng Lớn cũng hiện diện trong sưu tập của Malleret.
Bên cạnh đó, mộ nồi kiểu 2 có nắp đậy ở Giồng Lớn cũng có thể so sánh với mộ vò phát hiện trong tầng văn hóa sớm ở địa điểm Ba Thê năm 1998.
Như vậy, qua các đặc điểm về di tích, di vật vừa nêu, có thể thấy khung niên đại từ thế kỉ 1 BC đến thế kỉ 2 AD cho giai đoạn muộn của Giồng Lớn là hoàn toàn hợp lý.
Tóm lại, di tích Giồng Lớn (xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có niên đại từ khoảng thế kỉ 3 BC đến khoảng thế kỉ 2 AD, với giai đoạn sớm có niên đại trong khoảng thế kỉ 3 - 2 BC, đại diện bởi mộ đất nhóm 1 và mộ nồi kiểu 1; giai đoạn muộn tồn tại trong khoảng thế kỉ 1 BC - 2 AD, đại diện bởi mộ đất nhóm 2 và mộ nồi kiểu 2, là giai đoạn cực thịnh của di tích.
Khung niên đại này cho thấy Giồng Lớn phát triển từ cuối thời Sơ sử sang Sơ kì Lịch sử, hay nói cách khác là từ Tiền Óc Eo lên tới Óc Eo - giai đoạn lịch sử mang tính chất bản lề của khu vực.
Sự tương đồng trên một số loại hình đồ trang sức bằng vàng giữa Giồng Lớn (trái) và Óc Eo (phải).
Trương Đắc Chiến
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Thị Hậu 1997. Di tích mộ chum miền Đông Nam Bộ - Những phát hiện mới tại Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh, Luận án Tiến sĩ Sử học, Viện KHXH tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
Vũ Quốc Hiền, Lê Văn Chiến, Chu Văn Vệ 2004. Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học di tích Giồng Lớn (Long Sơn - Vũng Tàu) năm 2003, tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Vũ Quốc Hiền, Trương Đắc Chiến, Lê Văn Chiến 2007. "Khai quật di tích Giồng Lớn lần thứ hai (năm 2005)", Thông báo Khoa học, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tr. 19 - 43.
Ngô Thế Phong, Bùi Phát Diệm 1997. Báo cáo kết quả khai quật di chỉ Gò Ô Chùa (Vĩnh Hưng, Long An), Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Reinecke A., Laychour V., Sonetra S. 2009. The First Golden Age of Cambodia: Excavation at Prohear, Bonn, Germany.
Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Thị Hậu, Ngô Thế Phong, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Lân Cường 1998. Khảo cổ học Tiền sử và Sơ sử thành phố Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh.