Bộ vương miện bằng vàng là báu vật của Hoàng tộc Champa hiện lưu giữ ở tỉnh nào của nước ta?
Bộ vương miện bằng vàng là báu vật của Hoàng tộc Champa hiện lưu giữ ở tỉnh nào của nước ta?
Bùi Phụ
Thứ sáu, ngày 21/04/2023 05:30 AM (GMT+7)
Nhân dịp Tết Ramưwan, phóng viên Báo Dân Việt theo chân đoàn du khách đến tham quan Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Trung tâm là nơi trưng bày bộ vương miện bằng vàng-báu vật của Hoàng tộc Champa....
Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm ở xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là nơilưu giữ 1.000 hiện vật cổ, lưu lại đời sống, tinh thần, vật chất quý giá của dân tộc Chăm từ xa xưa…
Vương miện bằng vàng của Hoàng tộc Champa
Đứng trước cổng, chúng đã ấn tượng trước một tòa nhà hai tầng, có lối kiến trúc độc đáo, mô phỏng kiến trúc tháp Chăm cổ kính từ thời xa xưa, pha thêm lối kiến trúc hiện đại …
Cách trưng bày các cổ vật bên trong cũng không kém phần hấp dẫn. Du khách vào đây được chiêm ngưỡng các cổ vật quý giá và đẹp ít nơi nào có như bộ Vương miện bằng vàng của Hoàng tộc Chăm, những báu vật linh thiêng của người Chăm cổ, có từ hàng nghìn năm trước với nét chạm trổ hoa văn tinh xảo.
Các hiện vật trưng bày được chia theo 6 chủ đề chính, đó là: Sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm; các hình ảnh và cổ vật; nông cụ và ngư cụ truyền thống; hiện vật và trình diễn chế tác các sản phẩm gốm Chăm; các loại nguyên liệu, công cụ, sản phẩm dệt thủ công cổ truyền và kết quả nghiên cứu các sản phẩm văn hoá phi vật thể.
Trao đổi với Dân Việt, ông Ức Viết Vòng - Trưởng Ban quản lý Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm cho biết, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện báu vật của Hoàng tộc Chăm thời vua Po Klong Mơnai (1622 - 1627).
Đặc biệt là bộ Vương miện được xem là báu vật của Hoàng tộc Chăm, búi chụp tóc của hoàng hậu Po Bia Sơm thời xưa được chế tác bằng vàng với đường nét hoa văn tinh xảo. Hoa văn trên Vương miện mô phỏng Makara (nửa thú nửa cá).
"Tuy nhiên, Vương miện ở đây chỉ là bản "sao y" để trưng bày tại Trung tâm. Còn bản chính hiện lưu giữ ở khu nhà Hoàng tộc Chăm ở thôn Tịnh Mỹ, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình do con cháu Hoàng tộc Chăm trông coi cẩn thận. Đây là báu vật được xem là quý giá nhất trong cộng đồng người Chăm hiện nay ở Bình Thuận...", ông Ức Viết Vòng chia sẻ.
Trước đây, bà Nguyễn Thị Thềm, được người dân xem là "công chúa", hậu duệ dòng vua Po Klong Mơnai được quyền thừa kế trông coi khu nhà Hoàng tộc Chăm (Hoàng tộc Chăm duy nhất còn lại ở Việt Nam). Năm 1995, bà Nguyễn Thị Thềm qua đời và quyền quản lý được chuyển lại cho bà Nguyễn Thị Đào (cháu bà Thềm)…
Dấu ấn lịch sử văn hóa Chăm
Chúng tôi tình cờ gặp đoàn giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Thuận cũng đến tham quan Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm. Cả đoàn tỏ ra ấn tượng trước những bộ trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa, các phi tần và cung nữ thời đó còn lưu giữ đến hôm nay.
Clip: Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm ở huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận, nơi lưu giữ nhiều cổ vật thuộc văn hóa Champa, nơi đang trưng bày bộ vương miện bằng vàng-báu vật của Hoàng tộc Champa. Thực hiện: Bùi Phụ - Đức Cường.
Theo quan sát của chúng tôi, tất các trang phục xưa trưng bày tại đây, được thêu bằng chỉ vàng, điểm xuyết hoa văn tinh tế trên nền vải trắng được dệt bằng chất liệu độc đáo của người Chăm thời xưa.
Bên cạnh đó là những tượng đá trưng bày tại trung tâm này và nhiều vật dụng làm nông nghiệp của dân tộc Chăm như bình nước, xe bò, cối đá… có từ thế kỷ thứ IX – X...
Đặc biệt, là mô hình phục dựng nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như sân khấu hóa lễ hội Katê, lễ hội Rija Inâgar - đạp lửa, nghi thức hát lễ…
Theo ông Ức Viết Vòng, hàng năm có 12.000 lượt khách tham quan nhưng thời gian dịch Covid-19 vừa qua, số khách đã giảm xuống chỉ còn khoảng 8.000 lượt.
Đông nhất là các dịp lễ Katê, Tết Nguyên đán, ngày nghỉ lễ, mùa du lịch... Không chỉ người dân mà các nhà nghiên cứu đều rất thích thú khi đến tham quan. Bởi nơi đây cũng là địa điểm tổ chức lễ hội ẩm thực Chăm, làng nghề Chăm, văn học- nghệ thuật Chăm, cùng những hoạt động sôi nổi, hấp dẫn khác thu hút mọi người, tất cả đều vào cổng miễn phí...
Cũng theo ông Vòng, người dân sống trên địa bàn xã Phan Hiệp là người Chăm Bàlamôn (Ahier) nên dịp Katê người dân tập trung về đây dự lễ hội và sinh hoạt văn hóa rất đông.
Còn xã Phan Hòa, Phan Thanh người Chăm theo đạo Bà Ni nên Tết Ramưwan, bà con chú trọng phần lễ hơn phần hội. Trong dịp Tết Ramưwan này, bà con chú trọng các lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên, lễ chay niệm tại thánh đường…
Theo Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, trung tâm là nơi trưng bày các cổ vật, hiện vật phản ánh đời sống tâm linh, tinh thần, đời sống vật chất của người Chăm cổ xưa và nay. Những giá trị văn hóa vật chất, đến phi vật chất ở đây, đều có giá trị lịch sử to lớn trong sự hình thành, phát triển của tỉnh Bình Thuận.
Tết Ramưwan kéo dài 1 tháng
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, Tết Ramưwan của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bàni ở Bình Thuận kéo dài 1 tháng. Bà con bắt đầu đón Tết Ramưwan từ ngày 23/3 đến hết ngày 23/4/2023 (nhằm ngày 2/2 đến hết ngày 4/3 năm Quý Mão).
Bình Thuận là tỉnh có nhiều dân tộc, tôn giáo, với 34 thành phần dân tộc anh em, có 8 tôn giáo khác nhau. Trong đó, dân tộc Chăm là một dân tộc có sắc thái riêng xét trên phương diện lịch sử, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng – tôn giáo. Dân tộc Chăm ở Bình Thuận tin theo 2 tôn giáo, trong đó có Chăm Ahier (người Chăm theo đạo Bàlamôn), Chăm Awal (người Chăm theo Hồi giáo Bàni).
Nét đặc trưng của dân tộc Chăm là yếu tố dân tộc quyện chặt với yếu tố tôn giáo, trong đó yếu tố dân tộc luôn mang tính vượt trội, với nhiều luật tục, lễ nghi mang đậm nét tín ngưỡng dân gian, văn hóa truyền thống dân tộc. Các làng Chăm mang sắc thái đặc trưng riêng, có quan hệ qua lại với nhau trong các dịp lễ hội. Trong đó Katê là lễ hội dành riêng cho người Chăm Bàlamôn, còn người Chăm Bàni có Tết Ramưwan.
Tết Ramưwan (hay còn gọi là tháng Chay - niệm) mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có nhiều hoạt động với ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất.
Những ngày Tết Ramưwan bà con thực hiện lễ tảo mộ tại các nghĩa địa, cúng tại gia, mời ông bà tổ tiên về với con cháu, cũng là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành. Bà con cầu nguyện cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt.
Chính vì vậy, Tết Ramưwan là sản phẩm văn hóa, tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc.
Đây cũng là sự kiện quan trọng của Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh do tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào ngày 25/3 tại khu NovaWorld Phan Thiết (xã Tiến Thành - TP. Phan Thiết).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.