Chúng tôi đi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái - ông Trần Văn Lợi đến thăm mô hình trồng bí xanh của anh Trần Văn Hải. Hiện ra trước mắt là cánh đồng bí xanh mướt, lúc lỉu quả…
Anh Hải kể, từ một lái xe chuyên đi thu gom nông sản - mà chủ yếu là bí xanh để bán cho các tiểu thương ở TP Vinh và các tỉnh phía Bắc, anh có nhiều cơ hội để tìm hiểu, trải nghiệm tại các vùng trồng bí. Từ đó, anh say mê tìm hiểu đặc tính của cây bí để mở ra cơ hội mới cho bản thân.
"Ở quê tôi sinh sống, đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều nên nếu cây bí phù hợp với thổ nhưỡng địa phương sẽ mở ra cơ hội cho bản thân cũng như tạo việc làm cho người lao động. Kể cả việc nếu mình thành công thì bà con cũng có thể học tập và mở rộng mô hình" - anh Hải cho hay.
Từ ý nghĩ đó, anh Hải đã bắt tay vào thử sức ở lĩnh vực mới mà suốt nhiều năm tuổi trẻ, anh chưa bao giờ nghĩ tới.
Năm 2022 anh Hải triển khai xây dựng mô hình trồng bí trên mảnh đất của quê mình. Được sự trợ giúp của các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND xã Nam Thái đã cùng đồng hành từ việc thu gom các mảnh ruộng nhỏ lẻ trước đây giao khoán cho dân nhưng nay đã bị bỏ hoang hóa thời gian dài, đến việc hỗ trợ chi phí thuê đất, động viên, khuyến khích… đã giúp anh Hải có điều kiện sản xuất.
Để cây bí mang lại hiệu quả, năng suất cao, anh Trần Văn Hải đã tiến hành trồng theo luống dài với hệ thống giàn lưới chữ U thay thế dần dàn chữ A, bởi nếu được trồng ở dàn chữ U sẽ cho quả nhiều, đẹp hơn và số lứa thu hoạch nhiều hơn trồng ở giàn chữ A.
Theo anh Hải, đất trồng bí xanh phù hợp là đất cát pha, thuận lợi cho tưới tiêu. Sau trồng cần phải tưới nước bảo đảm đủ ẩm cho cây mau bén rễ hồi xanh, phát triển sinh trưởng bình thường. Giai đoạn cây ra bông, đậu trái và phát triển quả cần nhiều nước.
Khi mới bắt đầu với mô hình này, anh Hải chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích 2ha. Qua vụ đầu cây bí phát triển tốt, năng suất cao, quả đẹp, tiêu thụ thuận lợi… nên đến vụ tiếp theo anh mạnh dạn mở rộng diện tích trồng. Đến nay tổng diện tích trồng bí của Hải anh lên tới hơn 4,3ha.
Tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động địa phương
Việc anh Trần Văn Hải trồng thành công bí xanh trên đất Nam Thái theo hướng hàng hóa đã mở ra triển vọng mới trong việc tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện đề án nâng cao thu nhập xây dựng nông thôn mới của xã. Tuy nhiên, nếu mô hình được nhân rộng, người dân vẫn cần liên kết sản xuất -tiêu thụ sản phẩm để cây bí xanh được phát triển bền vững.
Việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong quá trình chăm sóc cây bí sẽ giúp cho sản lượng tăng đáng kể.
Anh Hải cho hay: Mặc dù thời tiết miền Trung khá khắc nghiệt nhưng cây bí cho năng suất vượt trội nếu người trồng nắm rõ đặc tính sinh trưởng của cây.
Trung bình năng suất 1ha đạt khoảng 50 tấn, với giá bán hiện tại 8.000 đồng/kg, trừ chi phí 1 vụ từ giống, phân bón, màng phủ, cọc, công chăm sóc… dao động từ 120 - 140 triệu đồng, thì tính ra anh Hải còn về hơn 200 triệu đồng.
Bình quân mỗi năm anh Hải trồng 2 vụ bí, nhưng vụ hè thu trùng mùa vụ với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La nên giá bán bí sẽ thấp hơn, không được giá như vụ đông xuân, tuy nhiên gia đình anh Hải vẫn thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.
Đối với vụ đông xuân, cây bí cho thu hoạch sau 3 tháng từ khi trồng, còn vụ hè thu cho thu hoạch sớm hơn khoảng 2,5 tháng vì thời tiết nắng ấm cây sinh trưởng tốt.
Để cây bí mang lại hiệu quả, năng suất cao, anh Hải đã tiến hành trồng theo luống dài với hệ thống giàn lưới chữ U thay thế dần dàn chữ A, bởi nếu được trồng ở giàn chữ U sẽ cho quả nhiều, đẹp hơn và số lứa thu hoạch nhiều hơn so với trồng ở giàn chữ A. Nguyên nhân là làm giàn chữ U cây bí có điều kiện vươn rộng hơn, ngọn cây bí không bị gập lại như ở giàn chữ A.
Anh Hải cũng cho hay: Trồng bí nếu được mùa, được giá thì lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên cây bí cũng là loại cây trồng dễ nhiễm các loại bệnh như bệnh sương mai (nấm), thán thư (loại bệnh khó chữa) ảnh hưởng lớn đến năng suất. Vì thế, việc trông nom, sát sao với vườn cây mỗi ngày luôn là vấn đề cần được quan tâm.
Cây bí từ ngày gieo hạt cho đến lúc thu hoạch chiếm khá nhiều ngày công, bởi thế hơn 4,3ha bí của anh Hải cần 10 lao động cả thời vụ và thường xuyên để chăm sóc và thu hoạch, với lao động thường xuyên có mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết, xác định đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian quan, chính quyền đã luôn có những chính sách khuyến khích, động viên để phong trào ngày một lan tỏa.
Từ đó, trên địa bàn xã Nam Thái xuất hiện nhiều mô hình lập nghiệp mới, hiệu quả, khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trên mặt trận phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
"Mô hình trồng bí của anh Trần Văn Hải có thể đem lại nhiều triển vọng tại địa phương trong việc vận động nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế.
Có thể nói, anh Trần Văn Hải là một trong những mô hình tiêu biểu của tuổi trẻ Nam Thái nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương nói chung và của bản thân anh Hải nói riêng.
Từ thực tế thành công của cá nhân anh Hải càng khẳng định rằng tư duy sáng tạo, tinh thần lao động cần cù của người trẻ là yếu tố rất quan trọng góp phần vào quá trình đổi mới kinh tế - xã hội của địa phương" - ông Trần Văn Lợi cho biết thêm.