Nơi này ở huyện cực Tây của Nghệ An, dân nuôi thứ cá đặc sản, trẻ em ăn cực tốt, bán 150.000-200.000 đồng/kg

Thu-Phúc (Cổng TTĐT tỉnh Nghệ An) Chủ nhật, ngày 03/12/2023 19:09 PM (GMT+7)
Để giúp người dân nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đưa mô hình nuôi cá lăng thương phẩm thí điểm nuôi 0,5 ha tại xã Tà Cạ. Các hộ nuôi cá lăng đặc sản thử nghiệm đều đánh giá, mô hình này ban đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Bình luận 0

Huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) có địa hình núi cao, khí hậu khá lạnh, có nhiều sông, suối tương đối lớn chảy qua nên rất thích hợp cho các loài thủy sản sinh sống, cho chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt là các loại cá đặc sản đắt tiền như cá mát, cá lăng, cá trắm, cá ghé…

Theo ông Ngân Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, (tỉnh Nghệ An), dù có tiềm năng, nhưng do người dân còn giữ tập quán canh tác, đánh bắt truyền thống nên các loài thủy sản, các loài cá đặc sản đang ngày càng suy giảm số lượng, trong đó có cá lăng.

Để giúp người dân tăng thu nhập, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn và phát triển một số loài cá đặc sản, từng bước hình thành làng nghề nuôi trồng các loài cá đặc hữu, giảm tần suất khai thác cá tự nhiên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kỳ Sơn đã đưa mô hình nuôi cá lăng thương phẩm thí điểm tại 10 hộ của bản Cánh, xã Tà Cạ.

Xã Tà Cạ có địa hình trải dài theo sông Nậm Mộ, có nhiều ao nuôi cá với nguồn nước sạch chảy từ các khe nước, con suối, dòng sông rất thích hợp để nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá lăng đặc sản.

Nơi này ở huyện cực Tây của Nghệ An, dân nuôi thứ cá đặc sản, trẻ em ăn cực tốt, bán 150.000-200.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá lăng thương phẩm tại bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: T.P

Ông La Văn Phúc ở bản Cánh, xã Tà Cạ, 1 trong 10 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cá lăng thương phẩm, cho biết, ông nuôi cá lăng trên diện tích 500m2 ao. 

Sau 8 tháng nuôi với nguồn cá lăng giống và thức ăn, kỹ thuật nuôi cá, cách chăm sóc được hỗ trợ miễn phí, cá lăng nuôi trong ao nay đã đạt trọng lượng 1 - 1,5 kg.

“Với trọng lượng cá lăng  như hiện nay gia đình tôi cũng bắt đầu có cá bán ra thị trường. Nếu nuôi đủ 10 tháng thì trọng lượng cá lăng đạt từ 1,5 -3 kg. 

"Giá cá lăng bán từ 150 - 200 ngàn đồng/kg tùy trọng lượng, như vậy, cũng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình” - ông Phúc cho biết.

Mỗi hộ tham gia mô hình nuôi cá lăng được hỗ trợ 100% số lượng cá giống cũng như thức ăn, với kinh phí khoảng 15 triệu đồng. 

Sau 8 tháng nuôi, đánh giá hiệu quả cho thấy, cá lăng thương phẩm trọng lượng trên 1 kg, bắt đầu có thể bán ra thị trường.

Với cách nuôi sử dụng nguồn nước từ khe, suối tự nhiên, các ao nuôi đều có đường dẫn nước vào, ra để điều chỉnh mực nước cũng như đảm bảo độ trong, sạch.

Đây là một trong những điều kiện tự nhiên để cá lăng tại mô hình thí điểm phát triển tốt, thịt săn chắc, thơm ngon.

Với quy mô thử nghiệm tại 10 hộ nuôi cá lăng, tổng diện tích 0,5 ha, kinh phí hơn 173 triệu đồng.

Đánh giá thực tế mô hình nuôi cá lăng thương phẩm ở bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, sau 8 tháng nuôi cho thấy, tỷ lệ cá sống khỏe, tăng trưởng tốt, đạt trên 72%.

Lợi nhuận thu được từ mô hình nuôi cá lăng thí điểm trong ao đất đạt khoảng 154 triệu đồng/0,5ha/10 tháng nuôi, mang lại khoản thu nhập khoảng 15 triệu đồng/hộ/tháng.

Cá lăng là một trong những loài cá bản địa của Việt Nam, cá sinh sống ở các dòng suối, dòng sông miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên....

Cá lăng ngoài việc là một loài cá ngon, chắc thịt, giàu đạm thì cũng là nguồn cung cấp những chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như vitamin A cần thiết với sự phát triển thị giác, collagen hỗ trợ giúp da căng mịn, omega – 3 và DHA cần thiết cho sự phát triển não bộ...

Chính vì cá lăng giàu đạm, giàu vitaminA, giàu collagen, nên cá lăng đặc biệt là đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem