Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng đã giải đáp các thắc mắc của Đại biểu Quốc hội khi giải trình tại phiên thảo luận ở Hội trường ngày 20/11, về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Lần đầu tiên chúng ta triển khai một dự án lớn, phức tạp nên rất cần phải có các cơ chế đặc thù để chúng ta rút ngắn được thời gian".
Việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Hiện, các doanh nghiệp đã và đang tiến hành các phương án từ học hỏi kinh nghiệm, đào tào nhân sự để có thể tham gia thi công xây lắp tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Nói về sự chuẩn bị để tham gia dự án, ông Văn Hồng Tuân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4 mong muốn Chính phủ có cơ chế đặc thù cho các doanh nghiệp tham gia.
Ông Tuấn tiết lộ, ngay khi có chủ trương của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Tập đoàn Cienco4 đã quyết tâm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để trong 2 năm tới có thể tham gia dự án. Trong đó, tập trung chuẩn bị nguồn lực về con người (kỹ sư, đội ngũ công nhân), thiết bị và các điều kiện khác.
"Chúng tôi cũng có ít kinh nghiệm tham gia dự án đường sắt đô thị Metro Bến Thành – Suối Tiên, Cát Linh – Hà Đông", ông Tuân tự tin.
Về đầu tư thiết bị ông Tuân cho rằng: "Các doanh nghiệp cần có sự cấu trúc lại, tái đầu tư để có nguồn lực thiết bị thực hiện thi công được dự án. Doanh nghiệp cần có cơ chế đặc thù khi tham gia".
Tương tự, ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nên áp dụng mô hình tổng thầu EPC để tối ưu thời gian thực hiện.
Về thi công đường ray của dự án, ông Nhận cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng kinh qua ở một số dự án, có thể tiếp cận làm được. Hạng mục đầu máy, toa xe cần hướng đến liên danh, liên kết nước ngoài.
Ông Nhận thông tin, lực lượng kỹ sư của chúng ta có thể đào tạo được nhưng chỉ là số ít. Việc thiếu lực lượng lao động trực tiếp là thực trạng của hầu hết các nhà thầu giao thông Việt Nam hiện nay.
Giải quyết bài toán này, doanh nghiệp đã tính đến phương án tìm kiếm nguồn lao động ở địa bàn phù hợp và tự tổ chức đào tạo. Thuận lợi nhất hiện nay là khoảng cách đối với các địa phương được cho là vùng sâu vùng xa đã dần được thu hẹp sau khi các dự án đường bộ cao tốc dần thông suốt.
Thừa nhận về những điểm yếu của mình, ông Nhận thẳng thắn: "Công nghệ quản lý của chúng ta hiện nay mới mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ đòi hỏi cần cái nhìn tổng thể hơn từ bộ chuyên ngành đến các doanh nghiệp và cần những hành động cụ thể".
"Công tác đúc dầm công nghệ cao nếu chỉ học, chỉ nghe, chưa được cụ thể hoá ở một công trường thì khó có thể làm được", ông Nhận nêu ví dụ.
Theo ông Nhận, công nghệ thi công kết cấu phần dưới không có gì phải bàn cãi nhưng việc đúc dầm và lao lắp dầm là điều cần đặc biệt quan tâm khi ở nhiều công trình, hạng mục dầm nhà thầu giao thông Việt Nam thực hiện chưa phải lớn, khoảng 70 - 80m trong khi việc thi công dầm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đòi hỏi tính liên tục.
Nói về nhân lực vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Hoàng Năng Khang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đang tập trung tái cơ cấu, xây dựng mô hình quản lý để phù hợp với việc vận hành khai thác đường sắt tốc độ cao thời gian tới".
"Chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp trong nước và các đối tác nước ngoài về tất cả những vấn đề liên quan tới công nghệ, nội địa hoá, chuyển giao công nghệ, liên doanh liên kết", ông Khang chia sẻ.
Theo ông Khang, Tổng công ty Đường sắt đã thành lập Ban chỉ đạo có 5 tổ liên quan để thực hiện như xây lắp hạ tầng, bảo trì, phát triển công nghiệp liên quan tới chuyển giao công nghệ, nội địa hoá các thành phần cấu thành nên đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và nhân lực.
Dự kiến, cần khoảng 13.800 nhân lực để khai thác vận hành. Tổ nhân lực có nhiệm vụ đi làm việc với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để sẵn sàng cho nhân lực khai thác vận hành.
Tiêng lực lượng khai thác vận hành như lái tàu, chúng ta không thể đợi xây dựng xong mới đào tạo. Tiêu biểu như lực lượng lái tàu, để làm người lái tàu phải mất 5 năm đào tạo.
Ông Khang nhấn mạnh: "Chúng tôi đã làm việc với các đơn vị nước ngoài, họ mất ít nhất 8 năm để đào tạo. Nếu các lái tàu đang làm việc mà đưa đi đào tạo cũng mất ít nhất 3 năm. Các chức danh nhân viên điều động chạy tàu cũng mất 3 - 5 năm đào tạo".