Tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Doanh nghiệp Việt Nam cần điều kiện gì?
Tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Doanh nghiệp Việt Nam cần điều kiện gì?
Thế Anh
Thứ ba, ngày 19/11/2024 09:51 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có các hạng mục công trình xây dựng rất lớn. Vì vậy, việc chuẩn bị về nguồn lực, việc tìm kiếm các đối tác, nhà thầu mạnh ở nước ngoài để liên danh, liên kết tham gia các gói thầu là điều các nhà thầu Việt Nam cần cân nhắc.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 767/TTr-CP do Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thay mặt Chính phủ trình bày
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phù hợp với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đến nay, dự án đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận, từ các doanh nghiệp, nhà thầu trong nước đã sẵn sàng chuẩn bị mọi nguồn lực, nhân sự, công nghệ để tham gia dự án. Tuy nhiên, công nghệ thi công dự án đang là câu hỏi cần được các cơ quan quản lý, nhà thầu giải đáp.
Thông tin về năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Chu Văn Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, quá trình nghiên cứu, tư vấn đã rà soát, đánh giá về phần kết cấu hạ tầng, các doanh nghiệp trong nước cơ bản đáp ứng được yêu cầu về xây dựng công trình cầu, hầm, đường.
Theo ông Tuân, tại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có các hạng mục công trình xây dựng rất lớn. Vì vậy, việc chuẩn bị về nguồn lực, việc tìm kiếm các đối tác, nhà thầu mạnh ở nước ngoài để liên danh, liên kết tham gia các gói thầu là điều các nhà thầu Việt Nam cần cân nhắc.
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ông Tuân cho biết, kinh nghiệm của các nước cho thấy, có nhiều phương án chuyển giao công nghệ.
"Việc chuyển giao có thể thực hiện từng phần như Indonesia thành lập một liên danh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để triển khai", ông Tuân nêu ra ví dụ.
Cũng theo ông Tuân, tại Trung Quốc, họ tổ chức lực lượng trong nước nghiên cứu, phát triển công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ. Tỷ lệ, thời gian chuyển giao công nghệ phụ thuộc trình độ trong nước và quan điểm phát triển công nghệ của quốc gia.
"Việt Nam làm chủ ở mức độ nào còn liên quan đến chi phí đầu tư, sản phẩm có giá trị công nghệ cao sẽ có giá thành, mức độ chuyển giao cụ thể", ông Tuân cho hay.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp về chip, mạch điện tử như VNPT, Viettel hay sản xuất ô tô như Trường Hải đều có thể tham gia được. Đối với việc sản xuất nội thất hay thanh ray, Tập đoàn Hoà Phát cũng có thể làm được, các doanh nghiệp này không chỉ sản xuất các linh kiện điện tử, phụ kiện hay ô tô mà có thể làm công nghiệp phụ trợ đường sắt.
Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao
Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 bày tỏ, quá trình xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà thầu, nếu yêu cầu doanh nghiệp đã từng tham gia một công trình tương tự sẽ là trở ngại cho các doanh nghiệp trong nước, bởi ở Việt Nam chưa có một tuyến đường sắt tốc độ cao.
"Các cơ quan quản lý cần căn cứ quy mô doanh nghiệp trong nước, quy mô dự án, tính chất công việc để xây dựng tiêu chí phù hợp, tạo điều kiện cho các nhà thầu giao thông Việt tham gia", lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 kiến nghị.
Đối với việc Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ thế nào sau khi đầu tư đường sắt tốc độ cao, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Năng Khang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt cho rằng, Việt Nam có thể nhận chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao ở một mức độ nhất định bởi có những vật tư, thiết bị thuộc công nghệ vật liệu, thuộc công nghệ lõi mà các nhà cung cấp sẽ giữ bí quyết.
Ông Khang nêu ra vấn đề: Về sản xuất ray, về định hình ray, Việt Nam làm được, nhưng bí quyết công nghệ của nhà cung cấp là về công nghệ vật liệu, về luyện thép thì chưa chắc họ chuyển giao. Như Hàn Quốc có nền công nghiệp rất mạnh cũng phải mất 20 năm mới làm chủ được sản xuất đoàn tàu tốc độ cao, nhưng vẫn chưa thể làm chủ 100%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.