Dân Việt

Hành trình xây dựng nông thôn mới gắn với văn hóa và đô thị hóa ở Đan Phượng

Tùng Lan 26/11/2024 09:15 GMT+7
Huyện Đan Phượng (Hà Nội) không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa mà còn đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị. Đây là một hành trình đầy thách thức nhưng cũng ngập tràn cơ hội, nơi bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và hòa quyện với "hơi thở" hiện đại.

Từ nông thôn mới nâng cao đến nông thôn mới kiểu mẫu

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của nhân dân, Đan Phượng đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ 100% xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ, góp phần tạo nền tảng vững chắc để Đan Phượng sớm đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa-xã hội, xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025” được huyện triển khai đồng bộ. Từ đó, các kế hoạch hành động cụ thể đã đi sâu vào từng thôn, từng tổ dân phố, khơi dậy sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng.

img

Xã viên HTX Đan Hoài (Đan Phượng) ươm trồng hoa lan phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Bá Hoạt

Một trong những điểm nhấn là phong trào “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh” được phát động từ năm 2019. Đan Phượng đã sáng tạo ra nhiều tiêu chí mới trong quá trình tổ chức, thậm chí trở thành hình mẫu để các địa phương khác trong thành phố học tập. Huyện còn tiên phong tổ chức chấm điểm định kỳ hàng tháng, hàng quý, từ đó thúc đẩy phong trào thi đua sâu rộng trong nhân dân.

Từ năm 2021 đến nay, cuộc thi đã huy động hơn 38 tỷ đồng từ sự đóng góp xã hội hóa của người dân để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, vẽ tranh bích họa, trồng cây xanh và hoa. Những nỗ lực này đã mang lại một diện mạo mới cho làng quê, không chỉ sạch đẹp mà còn thể hiện sự văn minh, hiện đại.

Đan Phượng tự hào là huyện dẫn đầu toàn thành phố Hà Nội về hệ thống nhà văn hóa, với 130 nhà văn hóa trên tổng số 129 thôn, tổ dân phố. Những nhà văn hóa này không chỉ đảm bảo số lượng mà còn thực sự phát huy vai trò là trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao ý nghĩa.

img

Không còn cỏ dại um tùm, không còn rác thải, phế thải chất lên mái đê như trước, tuyến đê Hữu Hồng đoạn qua huyện Đan Phượng (Hà Nội) đang khoác trên mình “tấm áo mới”, đó là những khóm hoa kết hợp thảm cỏ xanh rực rỡ, đẹp mắt.

Bình quân mỗi nhà văn hóa tổ chức khoảng 60 buổi tập luyện văn nghệ mỗi năm, cùng các câu lạc bộ thơ ca, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh... Nhiều nhà văn hóa tiêu biểu như thôn Đông Khê, Đoài Khê (xã Đan Phượng) hay La Thạch (xã Phương Đình) đã trở thành hình mẫu cho phong trào văn hóa cộng đồng.

Song hành cùng đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh. Tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện dự kiến đạt 93% vào năm 2025, trong khi tỷ lệ làng văn hóa ước đạt 95%. Những con số này không chỉ phản ánh sự tích cực của người dân mà còn khẳng định hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền.

Hướng đến đô thị hóa bền vững

Đan Phượng còn đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã có thêm 14 di tích được xếp hạng cấp thành phố, nâng tổng số di tích lên 88, bao gồm 37 di tích cấp quốc gia và 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Các di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, hội diều làng Bá Dương Nội, chèo tàu xã Tân Hội tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Điểm du lịch Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ), với đền thờ Thái úy Tô Hiến Thành, chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân, đã trở thành điểm đến tâm linh nổi bật, được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố.

Những giá trị văn hóa không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc địa phương mà còn thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thêm nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, Đan Phượng không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Dự kiến đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện sẽ đạt 86 triệu đồng/năm. Huyện cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, hoàn thiện các trường học liên cấp, đảm bảo không còn hộ nghèo.


img

Diện mạo nông thôn mới khang trang ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Đồng thời, việc thực hiện các Quy tắc ứng xử văn hóa, xây dựng hình ảnh “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã trở thành kim chỉ nam trong mọi hoạt động của địa phương. Những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với lối sống hiện đại, công nghiệp hóa đã giúp Đan Phượng trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định: “Đan Phượng không chỉ là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới mà còn là hình mẫu về gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh đô thị hóa.”

Huyện đang hướng đến mục tiêu trở thành quận đô thị văn minh, với nỗ lực không ngừng trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, đến an sinh xã hội. Những thành tựu đạt được là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, sự sáng tạo của nhân dân Đan Phượng trên hành trình dựng xây một vùng đất phồn vinh và bền vững.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình

xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội