Đào khai quật 60 cái hố tại một miếng đất rộng 6.000m2 ở Hoài Đức, phát lộ 100 mộ táng, có di cốt 4.000 năm

Thùy Trang Chủ nhật, ngày 27/10/2024 05:24 AM (GMT+7)
Mới đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện hơn 100 mộ táng thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn (có niên đại từ 2.500 năm-4.000 năm trước) tại phía tây Di chỉ Vườn Chuối, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Bình luận 0

Những phát hiện mới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp các nhà khoa học chứng minh rõ về thời đại Hùng Vương dựng nước bằng những chứng cứ khảo cổ.

Đào khai quật 60 cái hố tại một miếng đất rộng 6.000m2 ở Hoài Đức, phát lộ 100 mộ táng, có di cốt 4.000 năm - Ảnh 1.

Mộ táng còn dấu tích di cốt phát hiện tại Di chỉ Vườn Chuối, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội (Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp)

Giữa tháng 10, Đoàn khai quật từ Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Hà Nội và Trường Đại học KHXH&NV công bố phát hiện 70 mộ táng thời kỳ tiền Đông Sơn (khoảng 4.000 năm trước) và 40 mộ táng thời kỳ Đông Sơn (khoảng 2.500 năm về trước). Cuộc khai quật được tiến hành từ cuối tháng 3 trên diện tích hơn 6.000 m2 với 60 hố khai quật.

Bên trong Di chỉ Vườn Chuối là dấu tích các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn. Sườn ngoài Di chỉ là nơi chôn cất người chết, ở góc Tây Bắc có mật độ chôn cất rất cao tạo thành một bãi mộ tiền Đông Sơn nằm tập trung. Khả năng di tích được hình thành trong giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, là lớp cư dân đầu tiên đến cư trú ở khu vực này.

Một đặc điểm quan trọng để chứng minh mộ táng có niên đại từ thời tiền Đông Sơn là tục nhổ răng cửa ở người trưởng thành. 

Đến thời Đông Sơn, tục lệ này không còn nữa. Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn đưa đến những hiểu biết sâu hơn về nhân chủng học, di truyền, bệnh lý, vận động chế độ dinh dưỡng... của người Việt cổ.

Đào khai quật 60 cái hố tại một miếng đất rộng 6.000m2 ở Hoài Đức, phát lộ 100 mộ táng, có di cốt 4.000 năm - Ảnh 2.

Toàn cảnh khu vực khai quật khảo cổ Di chỉ Vườn Chuối rộng 6.000 m2, ở huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. (Ảnh: Đoàn khai quật cung cấp).

Ngoài ra, các nhà khảo cổ đã phát hiện hố chôn cột nhà, cho phép phỏng đoán người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài tương tự nhà dài của một số dân tộc ở khu vực dãy Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn còn sử dụng đến ngày nay.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Trường Đại học KHXH&NV cho biết: “Phát hiện này mở ra triển vọng mới về việc tìm hiểu kiến trúc nhà ở thường nhật trong ngôi làng Việt cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng”.

Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Di chỉ Vườn Chuối, Di chỉ Làng Cả (phường Thọ Sơn, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) là di chỉ thuộc nền văn hóa Đông Sơn lớn nhất được biết đến với 336 mộ táng được phát hiện qua 3 lần khai quật.

Các di chỉ có giá trị đặc biệt, mang trong mình câu chuyện về 4.000 năm dựng nước, giúp các nhà khoa học nghiên cứu, làm rõ về thời đại Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang xưa bằng những chứng cứ khảo cổ học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem