Dân Việt

OCOP Bình Phước ngày càng có thêm đặc sản, sản vật nông nghiệp, nông thôn

Hải Đăng 26/11/2024 13:17 GMT+7
Mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) đã thật sự trở thành chương trình làm thay da đổi thịt bộ mặt nông thôn mới (NTM) ở tỉnh Bình Phước. Ngày càng có nhiều thêm các đặc sản, sản vật nông nghiệp, nông thôn ở Bình Phước lọt sao OCOP...

Lấy thế mạnh của địa phương tạo ra sản phẩm OCOP

Có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cũng như tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu. Tháng 10/2020, Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, được thành lập với 9 thành viên. Đến nay, HTX phát triển lên 16 thành viên, canh tác 32 ha hồ tiêu.

HTX Lộc Quang ra đời, không chỉ hoàn thành tiêu chí số 13 - hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM ở xã Lộc Quang. Nó còn đặt nền móng cho việc hình thành 10 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao. Từ đó, sản phẩm hồ tiêu Lộc Quang đã có mặt ở hầu khắp các thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang Phạm Thanh Chung chia sẻ: "Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Sản phẩm được chứng nhận OCOP, chúng tôi còn phải đầu tư lớn về nhân, vật lực, tài chính. Rồi xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, nên khá tốn kém.

Động lực phát triển nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước, nhìn từ OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm hồ tiêu của HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao. Ảnh: Hải Đăng

Và, phải mất thời gian dài, HTX mới tìm kiếm được một số khách hàng trong, ngoài nước tin tưởng nhập hàng, đưa vào hệ thống siêu thị toàn quốc. Cùng với đó, sản phẩm OCOP còn là thành quả của việc sản xuất công phu, nghiêm ngặt, canh tác theo quy trình hữu cơ và liên kết với các HTX bạn trên địa bàn tỉnh".

Thật vậy, các sản phẩm hữu cơ sinh học mang thương hiệu đặc trưng riêng có của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ra đời đã tạo nên sự đa dạng về chủng loại sản phẩm.

Chất lượng sản phẩm hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang đã được khẳng định; tuy nhiên, thị phần tiêu thụ trong nước không nhiều, nên HTX đang đẩy mạnh chuyển đổi số, gắn mã vùng trồng để mở rộng thị trường ra ngoài nước.

Nhờ chuyển đổi số, hệ thống tưới nước tự động IOT giúp tiết kiệm 35% lượng nước tưới,tiết kiệm khoảng 32 công lao động, giảm 26 công lao động bón phân trên một năm. Do tích hợp bộ chăm phân, nước, thuốc tự động, giúp thu thập dữ liệu nhiệt độ độ ẩm không khí.

Động lực phát triển nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước, nhìn từ OCOP - Ảnh 2.

HTX tiêu hữu cơ Lộc Quang là gương điển hình sản xuất tiêu sạch, chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hải Đăng

Ông Chung cho biết, năm 2025 HTX sẽ đăng ký mã vùng trồng sản phẩm hồ tiêu. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc và  các nước Hồi giáo. Bởi ngành hồ tiêu trong nước, có nhiều đơn vị sản xuất hồ tiêu, thị phần quá thấp, sản lượng tiêu có khi dôi dư, không tiêu thụ hết, giá cả phập phù…Vì vậy, việc hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc tế sẽ gia tăng số lượng, sản lượng sản phẩm và tiêu thụ nhiều hơn ra ngoài nước.

"Để mở rộng thị trường quốc tế, tiến tới chúng tôi xây dựng các chứng chỉ, chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu. Thí dụ như thị trường Hà Lan đang rất tiềm năng và ngành gia vị phù hợp với sản xuất, chế biến hồ tiêu.

Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp cận cơ chế, chính sách và đầu tư xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục cần thiết" - Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang nói.

Động lực phát triển nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước, nhìn từ OCOP - Ảnh 3.

Sản xuất rượu tại Cơ sở Tửu Bất Bại. Ảnh: Hải Đăng

Cũng tận dụng lợi thế, thế mạnh về vùng nguyên liệu dồi dào, sản phẩm gạo chất lượng tốt của địa phương, năm 2022, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Lượng ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh đã thành lập Cơ sở sản xuất rượu mang tên Tửu Bất Bại. Ngoài mong muốn sản xuất ra sản phẩm chất lượng thật, cung ứng cho thị trường, việc này còn là tiền đề, để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng riêng của Bình Phước.

Anh Nguyễn Hoàng Lượng cho biết: "Rượu là văn hoá của người Việt Nam từ xa xưa. Tuy nhiên, thị trường hiện nay đa phần là rượu không có nguồn gốc, không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, bà con dòng họ, người thân, cộng đồng mình sẽ có người cần dùng đến. Nên tôi mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, khoẻ, an toàn khi sử dụng và tạo thương hiệu cho tỉnh nhà".

Hiện mỗi ngày, Cơ sở Tửu Bất Bại sản xuất 120 lít rượu từ gạo nếp và gạo tẻ. Ngoài rượu trắng, cơ sở còn chế biến sâu, ngâm vào chum sành, chai thuỷ tinh tạo ra 16 sản phẩm các loại, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.

Động lực phát triển nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước, nhìn từ OCOP - Ảnh 4.

Kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, quy trình sản xuất rượu tại Cơ sở Tửu Bất Bại đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Ảnh: Hải Đăng

Đáng nói, để có sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, quy trình sản xuất được cơ sở thực hiện công phu, bài bản. Rượu được chế biến thô bằng cách: nấu chín gạo, lên men, chưng cất áp dụng công nghệ mới nhất bằng tháp 3 tầng, thử andihit bằng máy lão hoá rượu.

Hàng năm, Cơ sở Tửu bất bai thường xuyên mang mẫu rượu đi xét nghiệm tại Trung tâm Quatest 3, xét nghiệm đủ tiêu chí theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Tuỳ theo người sử dụng để chế biến sâu thành nếp đục, nếp cẩm, hoặc rượu ngâm các thảo mộc. Với sản phẩm chất lượng thật, mang đặc trưng riêng của địa phương, nên dù chưa được khách hàng biết đến nhiều, nhưng với Cơ sở Tửu Bất Bại "cung" vẫn không đáp ứng đủ "cầu".

Động lực phát triển nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước, nhìn từ OCOP - Ảnh 5.

Sản phẩm yến sào Ngọc Dung đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, ở xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh. Ảnh: Hải Đăng

Thời gian tới, chủ cơ sở cho biết, sản phẩm rượu đã được hoàn thiện thủ tục chờ cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Khi được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, cơ sở sẽ mở rộng sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại ra thị trường toàn quốc.

Năm 2024, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh sẽ là một trong 2 xã của tỉnh Bình Phước phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu. Nên cùng với các chỉ tiêu, tiêu chí khác, xã Lộc Thái rất quan tâm, chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP.

Phát triển HTX cho sản phẩm OCOP, còn hạn chế gì ?

Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước có 136 sản phẩm OCOP từ 3 - 5 sao. Trong đó, huyện Lộc Ninh có 32 sản phẩm được UBND tỉnh, UBND huyện công nhận đạt chuẩn OCOP 3, 4 sao.

Các sản phẩm OCOP hình thành, ra đời, phần lớn từ kinh tế tập thể. Trong đó, có mô hình HTX. Các HTX đã đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh Chương trình "mỗi xã một sản phẩm", nâng cao thu nhập cho các thành viên. Nhờ tích cực tham gia chương trình OCOP, các HTX đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, tạo chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Động lực phát triển nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước, nhìn từ OCOP - Ảnh 6.

Tại Hội chợ nông sản tỉnh Bình Phước năm 2024 diễn ra vào giữa tháng 3/2024, nhiều sản phẩm OCOP đã được trình làng. Ảnh: Đông Anh.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh: Việc thành lập HTX, đem lại những lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, nhiều HTX hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất, nguồn vốn tiếp cận hạn chế, hiệu quả thấp, lợi ích kinh tế tập thể mang lại cho các thành viên chưa nhiều, một số nơi thành viên tham gia chỉ mang tính hình thức, chưa đầy đủ và chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm.

Năng lực hoạt động của các HTX không đồng đều, khả năng cạnh tranh thấp, hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.  HTX hoạt động thường không có tài sản chung, thiếu tính bền vững, không ổn định. 

Một số HTX thành lập, nhưng chưa huy động được vốn của thành viên, chưa lập quỹ dự phòng, quỹ đầu tư phát triển theo quy định của Luật HTX.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang Phạm Thanh Chung cho rằng: " Muốn thành công thì con người và tài chính đóng vai trò quyết định. Trong quá trình hoạt động của HTX, phải xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Xây dựng chiến lược phát triển bài bản, thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư. Bởi vậy cần đoàn kết, phát huy các thế mạnh sẵn có như nhân, vật lực, nguyên liệu, thị trường, công nghệ, chuyển đổi số. Và nếu làm được như vậy thì nhất định sẽ thành công".

Tính đến ngày 15/9/2024 trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 136 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP đạt hạng 3 sao đến hạng 5 sao; trong đó có 3 sản phẩm hạng 5 sao;

55 sản phẩm hạng 4 sao, 78 sản phẩm đạt hạng 3 sao với 83 chủ thể tham dự, gồm: 37 Doanh nghiệp, 17 HTX, 29 hộ/cơ sở . Sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng về chủng loại như nông sản tươi, nông sản chế biến, thực phẩm, đồ uống,

thảo dược, hàng thủ công mỹ nghệ, … Ðể chuẩn hóa quy trình sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, các sở ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chủ thể số hóa sản phẩm OCOP.