Ở Hòa Bình năm nay cây cam đặc sản thấp tè trái ra quá trời, nông dân nói một câu khiến ai cũng mừng
Ở Hòa Bình năm nay cây đặc sản thấp tè trái ra quá trời, nông dân nói một câu khiến ai cũng mừng
Thứ hai, ngày 25/11/2024 05:50 AM (GMT+7)
Ngày cuối tháng 10, chúng tôi trở lại vùng đất Mường Thàng-huyện Cao Phong đầy nắng và gió, thủ phủ trồng cam của tỉnh Hoà Bình. Thời điểm này bắt đầu vào vụ thu hoạch cam niên vụ 2024 - 2025. Cam năm nay được mùa, được giá, niềm vui lấp lánh trong ánh mắt, nụ cười của người nông dân.
Đưa chúng tôi thăm vườn cam lòng vàng sai trĩu quả vào kỳ thu hoạch, ông Phan Văn Tâm, khu 2, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Tĩnh.
Khi trưởng thành tôi đi bộ đội, công tác và lập gia đình tại huyện Cao Phong rồi bén duyên với cây cam nơi đây.
"Năm 2017, khi về hưu tôi bắt đầu trồng cam. Gia đình tôi nhận thầu 4.000m2 ở xã Thu Phong, đến nay đã cho thu hoạch 5 năm. Năm nay, sản lượng đạt khoảng 15 tấn. Giá tại vườn dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tổng doanh thu ước đạt 300 triệu đồng, trừ chi phí thu về khoảng 200 triệu đồng", ông Tâm cho hay.
Cũng theo ông Tâm, tiểu thương là các mối quen vào tận vườn thu mua. Cam vụ này được mùa, được giá, không phải lo lắng về đầu ra, người trồng cam rất phấn khởi.
Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) cho biết: Niên vụ 2024 - 2025, diện tích cây có múi toàn huyện trên 971 ha. Trong đó, cây cam 715,21 ha (diện tích thời kỳ kinh doanh 673,8ha; thời kỳ khai thác cơ bản 41,41ha), năng suất dự kiến đạt 302 tạ/ha, sản lượng dự kiến 20.348 tấn; cây quýt 9,62 ha, năng suất dự kiến 202 tạ/ha, sản lượng dự kiến 194,32 tấn; cây chanh 27,9 ha, năng suất dự kiến 44,6 tạ/ha, sản lượng dự kiến 70,9 tấn...
Diện tích trồng cây bưởi trên địa bàn huyện Cao Phong là 218,82 ha, năng suất dự kiến 169 tạ/ha, sản lượng dự kiến 3.698 tấn. So với năm trước, diện tích cây có múi giảm, nguyên nhân là do một số diện tích cây già cỗi, hết thời kỳ kinh doanh.
Ông Phan Văn Tâm, khu 2, thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) phấn khởi với vườn cam sai trĩu quả, giá cam năm nay lại ở mức tốt.
Với tiềm năng phát triển cây có múi, trong đó chủ lực là cây cam, những năm qua, huyện Cao Phong đã thực hiện nhiều giải pháp định hướng, hỗ trợ người dân phát triển.
Sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cây cam đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện Cao Phong, là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2014; năm 2016 được Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5".
Cam Cao Phong có mặt ở các siêu thị như: Big C, Vinmart, Metro, BRG... tiếp cận với thị trường lớn. Từ năm 2013 đến nay, có những niên vụ, sản lượng cam của huyện Cao Phong đạt trên 30.000 tấn, giá trị thu nhập đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trở nên giàu có sau mỗi vụ cam.
Huyện đã và đang thực hiện các giải pháp giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Trong đó, thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, huyện Cao Phong tập trung thực hiện tái canh cây cam, chú trọng duy trì vùng trồng cam chất lượng cao đạt chuẩn VietGAP, xây dựng cánh đồng mẫu trồng cam kết hợp du lịch tham quan trải nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến, đa dạng sản phẩm từ cam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân chung tay giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi ảnh hưởng đến thương hiệu của địa phương. Với chất lượng đã được khẳng định trong nhiều năm, cam Cao Phong có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và du khách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.