Dân Việt

Những tác giả đặc biệt ở Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam

K.Nguyên 08/12/2024 09:50 GMT+7
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, một cụ bà nông dân ở miền Tây,... là những tác giả đặc biệt đã gửi bài đến dự thi Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II.
Những tác giả đặc biệt ở Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam - Ảnh 1.

Trở về sau chuyến thị sát tình hình phòng, chống bão số 3 YAGI, hỏi thăm tình hình của bà con nông dân bị thiệt hại sau bão ở Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã viết riêng cho Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024 vài viết: "Câu chuyện một chỗ trũng", ghi lại cảm xúc của nhà báo Xích Lô - Bộ trưởng Lê Minh Hoan về cảng Cái Xà Cong (phường Hà Phong, TP Hạ Long, Quảng Ninh), nơi có lẽ là duy nhất ở Quảng Ninh và nhiều tỉnh miền Bắc bình yên sau bão YAGI.

Bài báo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho độc giả một góc nhìn khác sau tất cả những hoang tàn, đổ nát mà bão YAGI gây ra cho nhiều tỉnh phía Bắc, cho thấy tinh thần, nghị lực của những người nông dân Việt Nam đã được hun đúc qua nhiều khó khăn, thăng trầm, tiếp tục được phát huy.

Những tác giả đặc biệt ở Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan thăm hỏi, tặng quà cho nông dân Quảng Ninh sau bão số 3 - YAGI, phía sau là cảng Cái Xà Cong, có lẽ là nơi duy nhất ở Quảng Ninh bình yên sau bão.

"Sau những trận cuồng phong do siêu bão Yagi gây ra, rất mừng là bà con không bị thiệt hại về người và tài sản. Gương mặt những người của biển vẫn rắn rỏi, nụ cười vẫn ngời lên tinh thần hào sảng, lạc quan. Bà con cho rằng một phần nhờ dãy núi che chắn, quan trọng hơn là ngư dân đã cột chặt những chiếc tàu lại với nhau nên không bị va đập. Lấy hình tượng "những chiếc tàu được cột chặt" đã vượt qua giông bão, thì bà con mình cũng cần "tự cột chặt vào nhau" trở thành một cộng đồng của những người sống nhờ biển để có thể giàu từ biển", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra một góc nhìn khác về sự liên kết của người dân.

Từ đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý: "Mỗi khu cảng mới cần có một không gian cộng đồng, nơi bà con sinh hoạt cùng nhau, học tập cùng nhau, nơi lãnh đạo đến thăm hỏi và lắng nghe bà con sau mỗi chuyến ra biển trở về. Những tư liệu lịch sử về những bước chân đầu tiên của bậc tiền hiền khai mở vùng đất trũng này là vốn quý, giáo dục thế hệ mai sau trân quý hơn, tự hào hơn về công sức của bao thế hệ vươn mình ra biển khơi".

Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng lại gửi đến Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024 loạt 8 bài giới thiệu nghìn lẻ một cách làm giàu của nông dân, ở khắp các vùng sinh thái. Nếu như khu vực miền núi bà con trồng măng tre, mắc ca rồi phủ xanh những quả đồi bằng những vườn cây ăn trái thì người dân miền biển đã và đang phát triển các mô hình nuôi cá lồng, rong nho, các loài nhuyễn thể,.... có giá trị kinh tế rất cao; ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng xuất hiện những mô hình rất đơn giản nhưng lại hái ra tiền như: nuôi lươn, nuôi ốc nhồi, rắn mối; trồng rau màu; còn vùng cát trắng Ninh Thuận bà con có thể tìm cơ hội từ phát triển cây neem...

Với giọng văn dung dị, đậm chất ngôn ngữ của nhà nông, không khó hiểu vì sao những bài viết của chuyên gia Nguyễn Lân Hùng lại được bà con nông dân yêu thích đến vậy.

Những tác giả đặc biệt ở Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang với mô hình "nhà trọ xanh" cũng là một trong những tác giả tham gia Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024. Ảnh: TT

Khi tiếp nhận các tác phẩm gửi đến Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam lần thứ II năm 2024, Ban thư ký giải cũng rất ấn tượng với loạt bài về mô hình "nhà trọ xanh" của hai tác giả, đồng thời cũng là 2 mẹ con, đó là bà Nguyễn Thị Thu Thủy (vợ liệt sĩ) và anh Nguyễn Quốc Đạt (là một thẩm phán, con bà Thủy) ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang.

Tác phẩm được đăng trên báo Tuổi trẻ, viết về chính khu trọ của bà Thủy, nơi hơn 10 năm qua, khu nhà trọ với 80 phòng đã trở thành mái ấm của gần 200 cư dân, chủ yếu là công nhân, học sinh và sinh viên.

Điều đáng nói, để quản lý rác thải, bà Thủy đã thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn. Rác hữu cơ được tách riêng để làm phân bón cho cây xanh, trong khi rác thải rắn và nhựa được thu gom để bán ve chai vào cuối tuần. Đặc biệt, số tiền thu được từ việc bán ve chai được đưa vào "quỹ heo đất" - một sáng kiến độc đáo nhằm tạo động lực cho người thuê trọ tham gia phân loại và xử lý rác thải.

Để duy trì động lực và khuyến khích người thuê trọ tích cực tham gia, nhà trọ đã xây dựng một hệ thống khen thưởng đa dạng và hấp dẫn. Hằng tháng, dựa trên kết quả xổ số kiến thiết của tỉnh Tiền Giang, một phòng trọ may mắn sẽ nhận được phần thưởng có giá trị như máy ép trái cây, lò nướng Panasonic hay combo nước giặt Omo. Sau nhiều năm thực hiện, đã có hơn 50 giải thưởng được trao tặng.

"Ngày chủ nhật xanh" là một sáng kiến đặc biệt của nhà trọ, nơi tất cả thành viên cùng tham gia vệ sinh, quét dọn không chỉ trong khuôn viên nhà trọ mà còn mở rộng ra khu vực xung quanh. Họ cùng nhau trồng cây xanh, làm cỏ, thu gom rác và thậm chí trồng lục bình ở các mương rãnh để tự nhiên lọc nước thải.

Những tác giả đặc biệt ở Giải báo chí toàn quốc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam - Ảnh 4.