Tham gia Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản Việt Nam – Trung Quốc sáng 3/12 tại Lạng Sơn, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã trong nước đã bày tỏ thắc mắc liên quan đến những quy định về xuất khẩu nông lâm thủy sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc; những quy định về thực hiện hợp đồng thương mại với Trung Quốc; những vấn đề trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế; những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông lâm, thủy sản của Việt Nam…
Cũng tại diễn đàn này, nhiều đại diện các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận với mong muốn thúc đẩy giao lưu và hợp tác sâu rộng hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Ông Châu Binh, Tuần thị viên cấp 2 Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, kim ngạch thương mại giữa thành phố Sùng Tả và Việt Nam đạt 129,26 tỷ Nhân dân tệ, tăng 8,6% so với cùng kỳ, chiếm 65% tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam.
Trong đó, trái cây Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích. Từ đầu năm 2024 đến nay, trái cây Việt Nam nhập khẩu qua cửa khẩu của thành phố Sùng Tả đạt 710.000 tấn, trong đó sầu riêng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh, đạt 403.000 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ, chiếm 57,4% tổng lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam của Trung Quốc...
Ông Châu Bình mong rằng, trong thời gian tới, hai bên cần phát huy vai trò cầu nối, duy trì cơ chế thăm viếng qua lại, xây dựng nền tảng hợp tác sâu sắc hơn với các doanh nghiệp Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của thương mại sản phẩm nông - lâm - thủy sản hai nước.
Bên cạnh đó, hai bên cần tích cực thúc đẩy hợp tác giữa Khu công nghiệp Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc và Khu công nghiệp Lạng Sơn Việt Nam. Hai bên cùng nhau hợp tác trong các lĩnh vực như thu hút đầu tư, chế biến thương mại, kinh tế thương mại quốc tế, quản lý khu công nghiệp, giới thiệu các doanh nghiệp đến đặt trụ sở tại khu công nghiệp của nhau, cung cấp dịch vụ chất lượng cho các doanh nghiệp tại khu công nghiệp của cả hai bên.
Còn theo ông Lý Duệ - Phó Thị trưởng, Chính quyền nhân thành phố Nghĩa Ô (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) những năm gần đây, thương mại xuất nhập khẩu của Nghĩa Ô đã phát triển nhanh chóng. Trong 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố Nghĩa Ô với Việt Nam là 893 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.
Hiện nhiều sản phẩm Việt Nam như bánh đậu xanh, kẹo dừa, hạt điều, vải sấy khô, sầu riêng, mít, thanh long... được bày bán tại thành phố Nghĩa Ô và nhận được sự yêu mến của người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm nông sản như hồi, quế của thành phố Lạng Sơn đã được trưng bày ở triển lãm quy mô lớn bậc nhất Chiết Giang.
Do đó, Nghĩa Ô rất sẵn sàng tích cực thực hiện những thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước, thảo luận và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế của cả hai nước.
Tại diễn đàn, ông Lý Duệ đưa ra 3 đề xuất để tăng cường thương mại hai nước. Theo đó, hai bên tiếp tục sử dụng mạng lưới kinh tế thương mại hiệu quả và thuận tiện của Nghĩa Ô để hỗ trợ các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường kết nối vận tải; thành lập Ủy ban logistics để thông suốt logistics trong khu vực và quốc tế. Cuối cùng, tại Nghĩa Ô tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho thanh niên về thương mại điện tử xuyên biên giới, thương mại quốc tế, ươm tạo khởi nghiệp, giao lưu văn hóa. Do đó, cần làm sâu sắc hơn nữa giao lưu thanh niên bởi đó là động lực phát triển trong tương lai.